Thứ Sáu, 25 tháng 11, 2016

Không phạt Parkson 200 tỷ: Sự cao thượng "có toan tính" của ông Khải Silk?

Đằng nào cũng không thu được 200 tỷ đồng tiền phạt, chi bằng xoá luôn khoản phạt cho Parkson đổi lại cái nhìn thiện cảm của cả công chúng và đem về cho Khải Silk uy tín trong giới kinh doanh.

Không phạt Parkson 200 tỷ: Sự cao thượng "có toan tính" của ông Khải Silk?
Hồi tháng 5 vừa qua, Parkson đơn phương chấm dứt hợp đồng thuê mặt bằng tại toà nhà Saigon Paragon và ngừng hoạt động sau hơn 5 năm kinh doanh tại đây, trong khi hợp đồng có thời hạn lên tới 19 năm.
Saigon Paragon là toà nhà thuộc sở hữu của Tập đoàn Khải Silk và Tập đoàn Thuỷ Lộc. Theo lý thuyết, việc đơn phương chấm dứt hợp đồng khiến Parkson mất toàn bộ tiền đặt cọc và có thể phải chịu số tiền phạt lên tới 200 tỷ đồng.
Tuy nhiên, ông Khải Silk mới đây cho biết, ông quyết định sẽ không phạt Parkson mà để cho thương hiệu bán lẻ này rút khỏi Saigon Paragon càng sớm càng tốt. Ngay lập tức, hành động này được dư luận đánh giá là "chơi đẹp" và khôn ngoan của Khải Silk.
Tuy nhiên, hành động được nhiều người ví như việc "ném tiền qua cửa sổ" của vị doanh nhân này có thật sự cao thượng?
Nên nhớ Khải Silk là doanh nhân, từng trải qua nhiều năm kinh nghiệm thương trường nên những thứ liên quan đến tiền chắc chắn đều được ông tính toán và cân nhắc kỹ càng.
Đằng nào cũng không đòi được tiền, thế thì đòi làm gì?
Theo nhận định của một chuyên gia trong ngành bán lẻ, là chủ toà nhà Saigon Paragon ông Khải Silk có lẽ cũng nắm được phần nào tình hình khách ra vào toà nhà và hoạt động kinh doanh của Parkson Paragon. Hơn nữa, phải thực sự kinh doanh khó khăn thì Parkson mới đi đến nước cờ đóng cửa, mà đã khó khăn thì làm gì còn tiền để đền bù hợp đồng.
Như chính ông Hoàng Khải đã nhìn nhận, Parkson hoạt động tại Việt Nam theo mô hình công ty Trách nhiệm Hữu hạn. Điều này có nghĩa, nếu 2 bên đưa nhau ra toà, trong trường hợp ông Khải Silk thắng kiện, chưa chắc ông đã đòi được số tiền bồi thường, bởi Công ty TNHH khi lâm vào thế bí có thể làm thủ tục phá sản và ông Khải sẽ chẳng thu được gì.
Ngoài ra, việc kiện tụng có thể kéo dài, ảnh hưởng đến việc làm ăn tại Saigon Paragon và trong trường hợp Parkson phải phá sản thì chính danh tiếng của ông cũng sẽ bị ảnh hưởng với tiếng xấu "dồn đối tác kinh doanh đến đường cùng". Do đó, việc cần thiết hơn cả là nhanh chóng tiễn Parkson ra khỏi Saigon Paragon để chờ đón những cơ hội làm ăn mới.
Điều đáng nói ở đây là, cách làm của ông Khải Silk giúp Saigon Paragon không đi vào vết xe đổ như Keangnam.
Tuy Saigon Paragon là liên doanh giữa Tập đoàn Khải Silk và Tập đoàn Thuỷ Lộc, nhưng tiếng nói của ông Khải Silk có tính chất quyết định với toà nhà. Trong khi đó, tại Keangnam, khoản nợ hơn 1.000 tỷ đồng do đơn phương chấm dứt hợp đồng vẫn đang treo lơ lửng trên báo cáo tài chính của Parkson và không biết đến bao giờ mới được thanh toán.
Các cổ đông tại Keangnam chắc chắn sẽ không dễ dàng xoá khoản phạt này cho Parkson. Điều này dẫn đến một hệ luỵ nhìn thấy rõ, là Parkson tuy đã rút khỏi đây được gần 2 năm nhưng đến nay toà nhà này vẫn chưa có gì mới trong hoạt động kinh doanh, thậm chí có thể coi là đang bị bỏ hoang.
Xoá nợ cho Parkson, uy tín Khải Silk Corp lên một tầm cao mới
Đằng nào cũng không thu được 200 tỷ đồng tiền phạt, nhưng với việc đăng đàn thông báo xoá khoản phạt cho Parkson, ông Khải Silk nhận lại cho mình cái nhìn thiện cảm của cả công chúng và đem về cho Khải Silk Corp uy tín trong giới kinh doanh.
Điều này có thể sẽ giúp Saigon Paragon nhanh chóng nhận được sự quan tâm của những nhà bán lẻ mới. Tiền lệ không phạt Parkson có thể sẽ là chất xúc tác, tạo cảm giác thân thiện và là động lực cho các thương hiệu tìm đến toà nhà này.
"Làm ăn phải tính kế lâu dài vì mình không chỉ cho thuê, làm ăn với Parkson mà còn nhiều đối tác khác. Họ sẽ nhìn vào thái độ, cách cư xử của chủ nhà khi đối tác gặp khó khăn", ông Khải nói.
Là doanh nhân dày dạn kinh nghiệm trên thương trường, chắc chắn ông Khải Silk đã tính toán rất kỹ chứ không chỉ đưa ra quyết định trong một sớm một chiều. Chiến lược của ông Khải Silk cho thấy, nếu nhận được 200 tỷ đồng tiền phạt từ Parkson thì ai cũng muốn, nhưng một khi không đòi được, người làm kinh doanh vẫn có thể nhận về rất nhiều điều quan trọng khác bằng cách thể hiện sự cao thượng, đó chính là hình ảnh, uy tín, truyền thông...
Vì thế, bỏ qua chuyện cũ và hướng đến tương lai là quyết định hợp tình, hợp lý và sáng suốt nhất trong tình huống này. Hình ảnh của cá nhân ông Khải Silk cũng nhân sự kiện này cũng trở nên "lung linh" hơn rất nhiều.