Trong thời buổi hiện nay, không khó để người dùng sắm cho mình một chiếc điện thoại Trung Quốc có cấu hình ngang hàng flagship của Samsung, Apple hay những ông lớn có tên tuổi khác nhưng lại có giá chỉ bằng có một nửa, thậm chí một phần ba. Vậy tại sao những nhà sản xuất của đất nước này lại có khả năng tung ra những smartphone giá như bèo vậy? Chúng ta hãy cùng đi tìm hiểu.
Nhân công rẻ mạt
Tim Cook thăm nhà máy sản xuất của Foxconn tại Trung Quốc.
Yếu tố có thể nói là quan trọng nhất đóng góp vào giá thành hợp lý của những sản phẩm đến từ Trung Quốc. Không phải ngẫu nhiên mà các hãng công nghệ đứng đầu thị trường hiện nay như Samsung, Apple lại quyết định sản xuất, lắp ráp sản phẩm của mình tại “quốc gia tỷ dân” này. Lý đo đằng sau nó chính là việc chi phí lao động ở đây khá rẻ mạt, vì vậy mà họ sẽ tiết kiệm được chi phí sản xuất.
Các cái tên “sừng sỏ” trong giới sản xuất smartphone Trung Quốc như Huawei, Xiaomi, Oppo, Meizu,… có được một lợi thế lớn hơn nhiều so với những kẻ ngoại quốc kia, bởi đây chính là “sân nhà” của họ nên giá thành còn thấp hơn nữa. Tuy nhiên không chỉ nhờ có “quân bài” này mà họ còn sử dụng những chiến lược khác dưới đây để điều chỉnh mức giá của điện thoại tới mức thấp nhất.
Cấu hình mạnh nhưng không có nhiều đột phá
Nếu bạn đam mê công nghệ và tìm hiểu một chút về những dòng máy trên thị trường hiện nay thì rất dễ dàng tìm được những chiếc smartphone “tàu” có thông số phần cứng mạnh ngang những flagship đầu bảng hiện nay của Samsung, HTC, LG như Xiaomi Mi 5, LeEco Le Max 2 hay Meizu Pro 6.
Thậm chí Galaxy S7 edge của gã khổng lồ Hàn Quốc còn thua kém OnePlus 3 về dung lượng RAM, tuy nhiên nó vẫn đắt gấp đôi chiếc điện thoại đến từ Trung Quốc. Mặc dù Samsung sử dụng những linh kiện chất lượng cao hơn, nhưng nó cũng chỉ đóng vai trò một phần.
Mấu chốt nằm ở chỗ, những nhà sản xuất Trung Quốc không có đủ tiềm lực tài chính để “mở hầu bao” ra chi trả cho công nghệ tiên tiến, các đột phá mới. Trong năm 2015, Samsung đã mạnh tay đầu tư 14,1 tỷ USD cho mảng nghiên cứu và phát triển (R&D) và năm nay là 24 tỷ USD dành riêng cho chip và màn hình – đưa họ lên vị trí số 1 trong danh sách những công ty “chịu chơi” nhất. Chính vì vậy họ đã "thổi một luồng gió mới" vào thị trường điện thoại với thiết kế màn hình cong đẹp mắt của Galaxy S6 Edge, Galaxy S7 Edge, công nghệ quét mống mắt trên Note 7 cùng bút S Pen “thần thánh”.
Như vậy có thể thấy các smartphone từ Trung Quốc thường chỉ có giá trị bên ngoài, còn bên trong không thể nào sánh được với “hàng gốc” vì những thành phần quan trọng nhất trong nghiên cứu và phát triển họ thường không nắm giữ. Chỉ có những hãng thực sự nghiêm túc với điều này như Samsung hay Apple đủ tiềm lực làm ra những sản phẩm thực sự chất lượng cả trong lẫn ngoài.
Các công ty Trung Quốc “bất lực” trong việc mang lại các tính năng mới mẻ, hữu ích dành cho người dùng nên chỉ biết lao đầu vào cuộc đua cấu hình nhằm thu hút khách hàng. Và từ đó khẩu hiệu “cấu hình mạnh mẽ, giá thành hạt dẻ” đã gắn liền với thương hiệu điện thoại Trung Quốc.
Cách lựa chọn linh kiện
Để tạo ra một mức giá cạnh tranh với các smartphone trong cùng phân khúc, những nhà sản xuất Trung Quốc đành chấp nhận “hi sinh” chất lượng linh kiện máy. Phần lớn những hãng điện thoại giá rẻ này đều tìm đến MediaTek vì vi xử lý của họ có mức giá rẻ, hiệu năng chấp nhận được và hơn cả, đó là họ cũng là một công ty Trung Quốc, chính vì vậy mà không mất nhiều chi phí vận chuyển, phân phối.
Về RAM, thay vì lựa chọn tốt nhất, nhanh nhất và mạnh nhất hiện nay là RAM DDRR4, các hãng smartphone Trung Quốc lại sử dụng mô-đun RAM thế hệ thước là DDR3 có giá rẻ hơn và hiệu năng thấp hơn.
Màn hình cũng không phải ngoại lệ. Các hãng này không lựa chọn ký hợp đồng đặt hàng sản xuất số lượng lớn với một đại lý mà mỗi đợt hàng lại sử dụng tấm nền khác nhau của công ty bên thứ 3, dẫn đến chất lượng của chúng cũng không đồng đều. Đây chính là lý do của hiện tượng màn hình hiển thị cùng một mẫu điện thoại lại có chiếc màu trong veo, chiếc lại ám vàng, ám tím.
Không có các hệ thống phân phối quy mô lớn
Thương mai điện tử là một trong những giải pháp của các hãng điện tử Trung Quốc nhằm tiết kiệm chi phí. Không giống như Samsung, Apple “đổ” rất nhiều tiền vào các cửa hàng bán lẻ, hệ thống chăm sóc, hậu mãi khách hàng.
Samsung có hệ thống phân phối sản phẩm lớn nhất thị trường hiện nay.
Các hãng Trung Quốc lại tìm tới phương thức bán hàng Online. Họ bắt tay với những chợ điện tử nổi tiếng như JD.com hay Alibaba, Amazon để không phải đầu tư vào các khoản chi phí phân phối mà vẫn thu về những khoản lợi nhuận khổng lồ.
Nhưng cũng chính vì vậy, smartphone Trung Quốc dễ rơi vào tình trạng “bán xong bỏ”, người dùng khi gặp vấn đề với máy không biết tìm ở đâu để kêu và cũng không biết mình nên làm thế nào, khác hẳn với các trung tâm chăm sóc khách hàng hoành tráng của Samsung hay Apple, luôn sẵn sàng lo cho khách hàng từ A đến Z.
Bán hàng với mô hình flash sale
Thay vì sản xuất hàng loạt, các hãng điện thoại Trung Quốc thường cho ra mắt từng đợt với số lượng sản phẩm có hạn. Đây là một phương pháp bán hàng hoạt động đem lại nhiều lợi ích cho nhà sản xuất, bởi nó vừa tạo ra nhu cầu cho sản phẩm, và vừa tránh được hàng tồn kho gây lãng phí.
Nếu sản xuất quá nhiều sẽ khiến "cung" lớn hơn "cầu", và hàng ngay lập tức bị ế, đặc biệt là trong một thị trường đầy tính cạnh tranh như Trung Quốc. Những món hàng này sau đó một thời gian lại buộc phải giảm giá để tiêu thụ, dẫn tới việc lợi nhuận thu về bị kém hơn rất nhiều so với tính toán ban đầu.
Tuy nhiên phương pháp này lại gây hại tới lợi ích của người tiêu dùng. Bởi nếu người dùng chậm chân, không kịp “sắm” sản phẩm trong đợt flash sale thì sẽ phải chờ đợi một khoảng thời gian không hề ngắn để hãng tiếp tục tung ra đợt sản phẩm tiếp theo.
Bán các phụ kiện khác
Để tiết kiệm tối đa chi phí, nhiều nhà sản xuất lựa chọn loại bỏ những phụ kiện như tai nghe, cổng chuyển đổi dữ liệu tốc độ cao và chỉ để lại củ sạc và dây cáp. Tuy nhiên cũng không thể trách họ được, vì tỷ suất lợi nhuận đến từ smartphone của các hãng Trung Quốc thường rất thấp. Chính vì vậy, họ thường bán thêm các phụ kiện khác nhằm tăng lợi nhuận. Về khoản này, “Apple Trung Quốc” Xiaomi là “ông trùm” với hàng loạt sản phẩm công nghệ như giày thể thao thông minh, quạt thông minh, đèn ngủ …
Giá hấp dẫn, nhưng còn nhiều vấn đề đáng lo ngại
Tuy người dùng đã phần nào biết và quen với một số nhãn smartphone Trung Quốc như Xiaomi, Huawei hay Oppo, Meizu,…nhưng vẫn còn đó nhiều vấn đề đáng lo ngại.
Nguy hiểm nhất trong số đó là phần mềm gián điệp
Các nhà nghiên cứu bảo mật từ Kryptowire đã khám phá một cổng hậu ẩn giấu trong firmware của rất nhiều chiếc smartphone Android giá rẻ (hầu hết là của Trung Quốc) đang được bán tại Mỹ. Cổng hậu này đã âm thầm thu thập dữ liệu của người sở hữu điện thoại và gửi nó về một máy chủ ở Trung Quốc mà người dùng không hề hay biết.
Theo các báo cáo đầu tiên trên tờ New York Times vào thứ ba vừa qua, phần mềm backdoor trên firmware này được phát triển bởi công ty có trụ sở tại Trung Quốc, Shanghai AdUps Technology. Báo cáo cũng cho biết rằng, phần mềm này vẫn được cập nhật cho hơn 700 triệu thiết bị trên toàn thế giới.
Kết luận
Mặc dù mang lại những trải nghiệm mượt mà và trông có vẻ cao cấp như những flagship đình đám, đầu bảng của các công ty nổi tiếng với giá thành lại rẻ mạt hơn rất nhiều, tuy nhiên với những phương cách sản xuất và kinh doanh chưa thực sự đáng tin cậy, người dùng vẫn nên cân nhắc những khía cạnh khác trước khi quyết định mua một chiếc smartphone có xuất xứ từ Trung Quốc.
Theo Trí Thức Trẻ