Không muốn một ngày nào đó bị mất việc, mất tiền, mất sự nghiệp, hãy tham khảo casestudy về Noah Kagan - một cựu công thần của Facebook, hiện đang là CEO của AppSumo và SumoMe.
Noah Kagan cái tên quen thuộc, được biết đến trên cương vị là giám đốc của SumoMe - một công cụ marketing khá nổi tiếng. Nhưng ít ai biết rằng tuổi trẻ "dữ dội" của ông cũng đã có lúc làm việc cùng Mark Zuckerberg tại Facebook.
Khi bước chân vào làm việc và trở thành nhân viên thứ 30 của Facebook, ông chỉ mới 24 tuổi. Thời điểm đó, mạng xã hội Facebook chỉ mới hoạt động được 1 năm với vài triệu người dùng và vài chục ngàn đăng kí mới mỗi ngày.
Ngay khi nhậm chức, Kagan được Facebook đề nghị hai lựa chọn về lương:
60.000 USD + 1% cổ phần công ty, hoặc 65.000 USD + 0,5% cổ phần.
Và Kagan đã chấp nhận phương án sở hữu 1% cổ phần công ty cộng thêm 60.000 USD cho mỗi tháng làm việc. Nhưng ông bị sa thải chỉ sau 9 tháng công tác.
Nếu như Kagan không vướng phải những sai lầm ngớ ngẩn thì ngày hôm nay chỉ với 1% cổ phẩn của Facebook, ông đã có thể sở hữu tới 185 triệu USD.
Trong cuốn e-book tự truyện của mình, Kagan cho biết ông đã mắc phải 4 sai lầm "chết người", khiến Facebook không có lựa chọn nào khác ngoài sa thải ông. Tuy tỏ ra hối hận nhưng tất cả cũng đã muộn màng.
Tiết lộ thông tin công ty
Trong một buổi tiệc ở Coachella, Kagan đã quá chén và lỡ "tâm sự" với Michael Arrington, nhà sáng lập của tờ báo công nghệ nổi tiếng TechCrunch về dự án mới của công ty mình.
Cụ thể, thời điểm đó Facebook đang muốn mở rộng thành mạng xã hội chuyên nghiệp, đồng thời phát triển thành một tập đoàn công nghệ như Microsoft và Apple.
Vài ngày hôm sau, tin độc quyền "nóng bỏng tay" này xuất hiện trên tờ TechCrunch.
Hơn 1 tháng sau, điều gì đến cũng đến, Kagan bị sa thải.
Tips:
Nếu để lộ bất cứ thông tin gì về dự án, phương hướng phát triển, hoạt động của công ty ra ngoài trước khi nó được chính thức công bố, thì hãy xác định là bạn sẽ mất việc. Thậm chí nếu nghiêm trọng bạn sẽ có thể bị chính công ty kiện ra tòa vì hành vi trên.
Kiêu ngạo, đánh bóng tên tuổi của mình với danh nghĩa công ty
Kagan rất thích khoe khoang về nơi làm việc hoành tráng của mình.
Do đó, ông thường tổ chức các hội thảo về startup ngay tại tổng hành dinh của Facebook. Không những thế, ông còn hay viết trên blog cá nhân về những phương án kinh doanh của Facebook.
Để rồi đến lúc chính Mark Zuckerberg cũng phải tức giận đưa ra cho Kagan 2 lựa chọn: ở lại công ty và ngừng gây "ồn ào" hoặc bị sa thải. Chắc hẳn ai cũng biết kết quả đối với Kagan là như thế nào rồi.
Tips:
Có được việc làm tại một công ty nổi tiếng, ai mà chẳng thích. Nhưng đừng lấy danh nghĩa công ty ra làm trò đùa, để giúp cá nhân mình nổi tiếng. Bạn đang tự điền tên mình vào tờ đơn xin thôi việc nếu những việc vô bổ đấy vẫn còn tiếp diễn.
Hiệu quả công việc giảm sút
Theo cuốn tự truyện mà Kagan kể lại, khi ông được giao nhiệm vụ tìm các công ty đối tác để mở rộng kinh doanh công ty. Ông đã lập một danh sách theo cách thủ công nhất, đó là gõ tìm kiếm trên Google.
Cho đến khi, ông trình bày danh sách lên cấp trên là Dustin Moskovitz - đồng sáng lập Facebook. Dustin tỏ ra cực kì thất vọng vì ông danh sách Kagan đưa lên chả theo một lí do hay trật tự sắp xếp nào.
Sau đó, chỉ với vài thuật toán đơn giản trên cơ sở dữ liệu của Facebook, Dustin đã có được một bản danh sách dài dằng dặc những công ty đang muốn hợp tác nhưng chưa được chọn từ những đợt trước.
"Ừ đúng rồi, như thế thì nhanh hơn nhiều nhỉ", Kagan tự ngẫm
Tips:
Không tập trung vào công việc mà chỉ quan tâm đến những thứ vớ vẩn khác là lí do khiến hiệu quả công việc của bạn bị giảm sút. Nếu có bất kì áp lực hay sự mất tập trung nào thì cũng nên lấy lại tinh thần mà làm việc trước khi "quá muộn".
Không theo kịp đà tăng trưởng của công ty
Khi Kagan vào làm việc, công ty chỉ có vỏn vẹn 30 nhân viên và bên cạnh đó chỉ phải quản lý vài triệu tài khoản. Nhưng tính tới thời điểm Kagan bị sa thải, công ty đã có hơn 100 thành viên và đang hình thành lên tầm cỡ tập đoàn.
Thay vì thay đổi phong cách làm việc để phù hợp với văn hóa công ty lớn, Kagan lại không theo kịp.
"Thời điểm đó thực sự rất hỗn loạn, mọi thứ tôi có thể làm thì tôi đã cố hết sức. Trước giờ tôi luôn gặp khó khăn khi phải cộng tác trong các dự án có nhiều người tham gia hay với việc tổ chức những chiến lược dài hạn và cả các vấn đề liên quan đến chính trị nữa".
Tips:
Thử thách luôn là một phần trong công việc.
Một khi công ty bạn lớn mạnh, mở rộng hơn, áp lực công việc cũng tăng theo. Do đó, bạn sẽ phải làm quen với môi trường mới, áp lực mới, đồng nghiệp mới. Luôn sẵn sàng chuẩn bị tâm lý để học hỏi và thích nghi với những áp lực mới từ công việc.
Được biết, bị sa thải khỏi Facebook không phải là lần đầu tiên Kagan "đánh rơi" hàng triệu USD. Ông đã từng từ chối một công việc tại Google trước khi nhận được lời mời từ Facebook. Sau đó là từ bỏ công việc và cổ phiếu của mình ở Mint.com.
Nhưng tất cả điều đó, Kagan đều để lại trong quá khứ, mà lập nghiệp bằng chính đôi bàn tay của mình. Thành công của ông với AppSumo và SumoMe là minh chứng rõ rệt nhất cho việc phấn đấu, cũng như nhận ra lỗi lầm đúng lúc của một doanh nhân quan trọng như thế nào.
"Tôi đã không cố gắng hết sức để được làm việc cùng Mark Zuckerberg. Tôi đã có thể trở thành triệu phú nếu giờ tôi còn làm việc ở Facebook.
Được làm việc với Mark và được nghe thông điệp trong kinh doanh của anh ấy là một trải nghiệm tuyệt vời. Anh ấy khiến tôi quên đi việc kiếm tiền mà chỉ muốn làm điều gì đó đặc biệt ý nghĩa. Anh ấy có những lời khuyên vô cùng tuyệt vời cho bất kì ai muốn thành công".