Vedan xả thải ra sông Thị Vải
Từ phản ánh, bức xúc của người dân địa phương về tình trạng lén lút xả nước thải không qua xử lý ra môi trường, sau hơn 3 tháng theo dõi, ngày 13/9/2008, đoàn kiểm tra liên ngành đã bắt quả tang Công ty Vedan (doanh nghiệp FDI Đài Loan, Trung Quốc) tại huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai xả một lượng nước thải lớn chưa qua xử lý ra sông Thị Vải.
Miệng ống xả thải chưa qua xử lý tại cầu cảng của Công ty Vedan đang xả thải.Ảnh: Cục CSMT
|
Theo kết quả điều tra sau đó của Bộ Tài nguyên & Môi trường, doanh nghiệp này có 10 sai phạm, trong đó nước thải đều vượt từ 10 lần tiêu chuẩn cho phép đối với nhà máy sản xuất tinh bột biến tính, bột ngọt và lysine… Theo lời khai ban đầu của lãnh đạo Vedan, lượng dịch thải sau lên men mà các nhà máy của công ty này xả thẳng ra sông Thị Vải chỉ xấp xỉ 45.000 m3 một tháng. Tuy nhiên, con số mà đoàn kiểm tra kết luận cao hơn gấp đôi, 105.600 m3 một tháng.
Cuối năm đó, Chánh thanh tra Bộ Tài nguyên & Môi trường đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính về bảo vệ môi trường đối với Vedan với tổng số tiền phạt là 267,5 triệu đồng, buộc truy nộp phí bảo vệ môi trường hơn 127 tỷ đồng.
Tung Kuang xả thải ra sông Ghẽ
Tháng 4/2010, Công ty Tung Kuang (100% vốn Đài Loan, Trung Quốc) tại Hải Dương bị cảnh sát bắt quả tang xả thẳng nước thải chưa xử lý ra môi trường, nồng độ chất độc hại vượt ngưỡng quy định. Vụ việc được đánh giá nghiêm trọng như Vedan.
Hệ thống xả thải trộm khá lắt léo của Tung Kuang. Ảnh: PV
|
Theo Cục Cảnh sát môi trường, nước thải của doanh nghiệp gồm nhiều hóa chất độc hại như Chrome 6 (cao gấp 10 lần tiêu chuẩn cho phép), mangan, sắt... đều có hàm lượng vượt quy định.
Trả lời VnExpress khi đó, Tung Kuang cho biết giảm được chi phí mỗi tháng 80-100 triệu đồng. Đây là khoản tiết kiệm giúp công ty tồn tại được sau suy thoái kinh tế toàn cầu. Mặc dù có đề xuất khởi tố hình sự với lãnh đạo doanh nghiệp, tuy nhiên công ty này sau đó chỉ bị xử phạt 312 triệu đồng vì sai phạm trên.
Hyundai - Vinashin xả thải ra vịnh Vân Phong
Tháng 4/2011, Phòng cảnh sát Phòng chống Tội phạm về môi trường (PC49), Công an tỉnh Khánh Hòa bắt quả tang Công ty TNHH Nhà máy tàu biển Hyundai - Vinashin (HVS) đang xả chất thải lỏng chưa qua hệ thống xử lý ra vịnh Vân Phong. HVS là liên doanh giữa Tập đoàn Hyundai (Hàn Quốc) và Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy Việt Nam.
Trong quá trình kiểm tra tại HVS, lực lượng cảnh sát môi trường phát hiện tại khu vực nhà ăn số 4 (sử dụng cho khoảng 1.000 công nhân), không có hệ thống xử lý chất thải. Toàn bộ chất thải từ nhà ăn, kể cả của nhà vệ sinh (hầm cầu) đều xả thẳng ra biển tại bờ cảng số 3. Theo tính toán, lượng chất thải bẩn thải ra biển là 25m3 mỗi ngày đêm.
Hyundai - Vinashin đổ rác thải ra môi trường. Ảnh: SGGP
|
Chất thải lỏng của nhà máy gây hôi thối nặng nề một vùng biển, làm cá và các sinh vật biển khác chết hàng loạt, loài ruốc biển biến mất, ngư dân mất luôn nghề đánh bắt truyền thống. Đây không phải lần vi phạm đầu tiên của công ty khi trước đó vào năm 2008, HVS đã bị cảnh sát môi trường bắt quả tang đổ trộm hàng trăm tấn bùn thải công nghiệp ra môi trường ở xã Ninh Diêm. Công ty này sau đó chỉ bị xử phạt 65 triệu đồng.
Sonadezi xả thải ra sông Đồng Nai
Công ty cổ phần dịch vụ Sonadezi (Việt Nam) thuộc Tổng công ty Sonadezi là đơn vị vận hành nhà máy xử lý nước thải của Khu công nghiệp Long Thành, Đồng Nai.
Tháng 8/2011, sau khi mai phục và theo dõi, cảnh sát môi trường đã ập vào kiểm tra đột xuất Nhà máy xử lý nước thải Sonadezi thì phát hiện nước trong hồ sinh thái (để xử lý nước thải) chảy ra rất hôi thối, có màu đen ngòm.
Sonadezi xả thải gây ô nhiễm sông Đồng Nai. Ảnh: SGGP
|
Nhà máy này có công suất xử lý nước thải khoảng 100.000 m3 một ngày đêm, thu gom nước thải của 65/66 công ty trong khu công nghiệp (chủ yếu là dệt và nhuộm) để xử lý qua các bể khử trùng hồ tập trung, hồ hoàn thiện. Theo quy trình, nước thải đổ về hồ sinh thái, sau khi đạt chuẩn mới cho ra rạch Bà Chèo, đổ vào sông Đồng Nai. Song khi cơ quan chức năng kiểm tra, nước thải chưa được xử lý tại nhà máy đang đổ trực tiếp ra môi trường. Công ty này sau đó bị xử phạt 405 triệu đồng cùng yêu cầu khắc phục một số hậu quả.
Mía đường Hòa Bình xả thải ra sông Bưởi
Đây là vụ việc gần đây nhất và đang được dư luận rất quan tâm. Nhà máy đang trong quá trình chạy thử của Công ty cổ phần Mía đường Hòa Bình có hệ thống xử lý nguồn nước thải chưa được hoàn thiện. Do đó, nước thải được thu gom về một số hồ chứa nhỏ trong khu vực nhà máy. Đến ngày 3-4/5 vừa qua, do hồ quá đầy nên công ty đã xả trực tiếp nước thải chưa qua xử lý ra thượng nguồn sông Bưởi (Thanh Hóa) gây nên tình trạng cá chết hàng loạt mấy ngày qua.
Vụ xả thải của Mía đường Hòa Bình ghi nhận tình trạng thủy sản chết ước tính kéo dài 30km dọc sông Bưởi. Ảnh: Lê Hoàng
|
Tính đến chiều 6/5, ngoài cá sinh sống trong môi trường tự nhiên, đã có gần 7 tấn cá nuôi tại các lồng bè trên sông Bưởi của người dân các xã Thạch Lâm, Thạch Quảng, Thạch Cẩm, Thành Mỹ (huyện Thạch Thành) bị chết. Phạm vi ghi nhận thủy sản chết ước tính 30 km dọc sông. Hiện cơ quan quản lý chưa quyết định hình thức xử phạt với công ty này.
Đây là lần thứ 3 trong vài năm trở lại đây xảy ra hiện tượng cá chết hàng loạt trên sông Bưởi. Trước đó vào tháng 12/2013, nước trên thượng nguồn sông Bưởi, đoạn chảy qua xã Thạch Lâm bỗng chuyển đen kịt, bốc mùi hôi, cá sau đó chết hàng loạt. Chi cục Bảo vệ môi trường Thanh Hóa sau đó kết luận, cá chết hàng loạt trên thượng nguồn sông Bưởi do nhà máy chế biến tinh bột sắn Hòa Bình (trụ sở tại Lạc Sơn, Hòa Bình) gây ra.
Nghi án Formosa xả thải ra biển
Hệ thống xử lý nước thải của Formosa Hà Tĩnh. Ảnh: Đức Hùng
|
Đầu tháng 4, cá nuôi lồng bè gần khu kinh tế Vũng Áng bị chết. Hiện tượng bất thường này lan dần theo hướng Bắc - Nam đến Lăng Cô (Thừa Thiên - Huế). Khoảng 70 tấn cá biển tự nhiên, 30 tấn cá nuôi lồng bè đã chết, thậm chí thợ lặn ở khu vực này còn bị nhiễm độc đồng.
Theo kết quả điều tra do Bộ Tài nguyên công bố tối 27/4, độc tố hóa học thải ra từ hoạt động của con người và hiện tượng tảo nở hoa (còn gọi thủy triều đỏ) có thể là nguyên nhân.
Thủ tướng sau đó đã chỉ đạo các bộ ngành khẩn trương lập đoàn kiểm tra, xác định nguyên nhân chính xác gây ra thảm họa môi trường này. Trong đó, Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh là đối tượng kiểm tra và bị nghi ngờ nhiều nhất do có hệ thống xả ngầm quy mô lớn xuống vùng biển này và có các hoạt động liên quan đến hóa chất, kim loại. Đến nay, vụ việc vẫn chưa có kết luận chính thức.
Ngọc Tuyên