Google sắp ra mắt smartphone mang thương hiệu của riêng mình, khi đó hệ điều hành Android có thể sẽ có nhiều thay đổi.
Có một sự thật không thể chối cãi, đó là Google đã tạo ra hệ điều hành phổ biến nhất trên smartphone hiện nay và đó chính là Android . Các nhà sản xuất smartphone từ Samsung cho đến Huawei đều đang sử dụng hệ điều hành của Google, bởi Android là một dự án mã nguồn mở.
Không chỉ sử dụng, các nhà sản xuất smartphone còn tùy chỉnh và cài đặt các ứng dụng, tính năng của mình lên Android để biến hệ điều hành này thành của riêng mình. Các đối thủ như Microsoft cũng hợp tác với nhà sản xuất để tích hợp ứng dụng của mình vào, tham vọng hất cẳng Google ra khỏi chính hệ điều hành mà gã khổng lồ này tạo ra.
Google Android là nền tảng hệ điều hành phổ biến nhất hiện nay.
Chắc chắn Google sẽ không thể để điều đó xảy ra và gã khổng lồ này đã có một động thái rất kịp thời. Có thể ở hiện tại, nó chưa gây nhiều ảnh hưởng cũng như sức ép tới các nhà sản xuất smartphone khác, nhưng Google đang muốn nhắc họ nhớ rằng ai mới là người tạo ra Android.
Động thái đó của Google chính là ra mắt một chiếc smartphone hoàn toàn mới, đó không phải là Nexus như trước đây nữa mà là một dòng smartphone “Made by Google”. Đó sẽ là một dòng sản phẩm mới mang thương hiệu của Google, một bước đệm để gã khổng lồ này thực hiện nhiều tham vọng lớn hơn trong tương lai.
Smartphone “Made by Google”
Trước đây, Google đã từng hợp tác với các nhà sản xuất khác để tạo ra dòng điện thoại Nexus. Tuy nhiên, gã khổng lồ tìm kiếm chỉ đảm nhận mảng phần mềm trong khi phần cứng hoàn toàn phụ thuộc vào các nhà sản xuất.
Google sẽ thay đổi chiến lược sản phẩm smartphone.
Tuy nhiên điều đó sẽ không còn nữa, khi Google khai tử dòng điện thoại Nexus và thay thế bằng các sản phẩm “Made by Google”. Theo như các thông tin tiết lộ thì 2 chiếc smartphone sắp ra mắt sẽ có tên là Google Pixel và Pixel XL.
Chúng ta vẫn chưa rõ Google sẽ chịu trách nhiệm những công đoạn nào trong việc sản xuất phần cứng. Có thể là thiết kế và lựa chọn các linh kiện, bởi vì công đoạn lắp ráp và sản xuất được xác nhận là do HTC đảm nhận.
Google Nexus.
Thế nhưng dẫu sao thì 2 chiếc smartphone mới này vẫn được gắn mác “Made by Google” và mang thương hiệu của Google. Đó chưa phải là tất cả những điều thú vị.
Google cho biết họ sẽ ra mắt những tính năng mới của Android, nhưng đây sẽ là tính năng độc quyền và chỉ được tích hợp trên những sản phẩm của họ. Đây là những tính năng hứa hẹn có thể giúp Android cạnh tranh với đối thủ iOS.
Tất nhiên các nhà sản xuất smartphone Android khác sẽ không thể có được những tính năng trên.
Smartphone "Made by Google".
Bên cạnh đó, khi đã có riêng cho mình một dòng sản phẩm smartphone, Google có thể liên tục tung ra những bản cập nhật nhỏ cho Android để cải tiến và bổ sung tính năng mới, tăng cường bảo mật. Nhờ đó mà khắc phục được điểm yếu nhất của hệ sinh thái Android, đó là rất ít khi nhận được một bản cập nhật mới.
Google có thể tạo ra một hệ sinh thái khép kín giống như iOS của Apple, tăng chất lượng của ứng dụng và tính năng để mang đến trải nghiệm tuyệt vời nhất cho những người sử dụng smartphone “Made by Google”.
Không phải iOS, thì hoặc là Android hoặc là không gì cả
Tấm gương của hệ điều hành Windows Phone vẫn còn đó, nếu không phải iOS thì hoặc là Android hoặc là không gì cả. Các nhà sản xuất vẫn đang cố gắng tìm cách thoát ra khỏi hệ điều hành Android bằng một nền tảng của riêng mình, nhưng chưa có một cái tên nào có thể đứng ngang hàng với Android và iOS.
Samsung vẫn đang ấp ủ dự án hệ điều hành Tizen bất chấp việc hứng chịu nhiều thất bại trước đây. Huawei cũng đầu tư R&D để tạo ra một hệ điều hành riêng. Dự án táo bạo của Cyanogen Mod được kỳ vọng nhất cũng thất bại.
Samsung tạo ra các ứng dụng riêng của mình để không còn phục thuộc vào Google.
Thật khó để các nhà sản xuất smartphone có thể thoát khỏi Android, đó là sự thật. Nhưng họ không chấp nhận điều đó, họ vẫn muốn Android là của riêng mình để không còn phụ thuộc vào Google, không phải cài đặt các ứng dụng và tìm kiếm mặc định của gã khổng lồ này.
Nhưng chính sự phân hóa của nền tảng Android, mỗi nhà sản xuất một kiểu, là điểm yếu nhất so với iOS. Nó khiến cho các bản cập nhật, vá lỗ hổng bảo mật phải mất rất nhiều thời gian mới đến được người dùng.
Muốn chống lại Android không phải chuyện dễ dàng.
Đó cũng là nguyên nhân mà chỉ có 15% smartphone Android đã được cập nhật lên 6.0 Marshmallow. Trong khi đó tỷ lệ người dùng cập nhật lên iOS 9.0 là 88%.
Có lẽ các nhà sản xuất smartphone nền tìm cách hợp tác với Google thay vì chống đối như hiện nay, để có thể tạo ra một nền tảng vững mạnh với người dùng trung thành. Còn nếu không, Google biến Android thành một nền tảng của riêng họ, thì các nhà sản xuất smartphone khác sẽ còn lại gì?