Thừa nhận nghề làm tóc ở Việt Nam dư dả cho cuộc sống, thế nhưng, người thợ phải đối diện với nhiều vấn đề về sức khỏe, giữ chân nhân viên giỏi cũng như tâm lý khách hàng.
Ảnh minh họa. Nguồn ảnh: UNICEF UK.
Năm 2014, nghề cắt tóc - gội đầu là 1 trong 10 nghề có thu nhập thấp nhất nước Mỹ. Theo đó, mức lương họ được hưởng chỉ 9,09 USD/giờ, chỉ cao hơn lương nhân viên chế biến đồ ăn nhanh là 0,02 USD/giờ.
Hầu hết những người làm nghề này đều coi đây là công việc tạm thời, đủ trang trải cho cuộc sống trước khi họ tìm thấy một công việc cho thu nhập tốt hơn. Những người làm nghề gội đầu tại Mỹ sẽ rất khó có được một cuộc sống sung túc, đầy đủ.
Ở Việt Nam, nhân viên ngành này cũng chỉ có mức thu nhập trung bình 5-10 triệu đồng (tùy thời vụ). Thế nhưng, đấy là làm thuê, còn nếu đã sở hữu một salon tóc, thậm chí một tiệm làm đầu nho nhỏ, mức thu nhập sẽ cao gấp nhiều lần.
Làm tóc chẳng bao giờ nghèo!
Lực học trung bình yếu, thất nghiệp hoặc chẳng có đam mê gì, nhiều người Việt sẽ nghĩ ngay đến học nghề làm tóc. Bởi cuộc sống hiện nay, làm đẹp đã trở thành nhu cầu của bất cứ mọi người, cả nam lẫn nữ.
Minh chứng là vài năm trở lại đây, khắp các con đường ngõ xóm, khu đông dân cư hay gần trường đại học, thậm chí các làng quê, các tiệm làm đầu, salon tóc mọc lên nhiều như nấm sau mưa, tạo cơ hội tốt cho người làm nghề này kiếm tiền.
Nguyễn Bình, một chàng trai ở ngoại thành Hà Nội, 26 tuổi, chưa vợ, nhưng đã sở hữu một chiếc xe ô tô tầm trung. Anh cho biết, số tiền đủ sống và dư dả mua xe nhờ vào công việc của salon tóc rộng chưa đầy 20 m2 trong phố.
Gắn bó với nghề cắt tóc 8 năm nay, Bình cho biết, chẳng bao giờ có thể nghèo ở cái nghề này. Thế nhưng, để giàu to thì khó lắm.
Theo anh, sở dĩ “không nghèo được”, bởi lợi nhuận từ nghề là rất lớn, đặc biệt làm tóc nữ. Chàng trai 26 tuổi tính toán: tiền thuê địa điểm khoảng 13-15%, sản phẩm tiêu thụ cho khách hàng 2%, quảng cáo dao động 3-5% và các chi phí phát sinh 3%. Mức chi trả lớn nhất cho nhân viên khoảng 15%. Như vậy, trừ đầu trừ đuôi, công chủ làm đã thu về tiền lãi khoảng 50-60% trên mỗi khách hàng.
Một nửa số đó dùng để quay vòng vốn, nâng cấp salon, giải quyết rủi ro, số còn lại là chủ salon thu về.
Ảnh minh họa.
Tuy nhiên, khó giàu ở nghề này là cần vốn lớn. Theo anh Bình, làm một đầu, dù giảm giá 50%, chủ vẫn không bao giờ lỗ. Bởi giá trị thực mà khách hàng được hưởng trực tiếp chỉ chiếm 1/10 so với số tiền họ phải trả. 9 phần còn lại chi phí cho chiếc ghế họ đang ngồi, cái gương họ đang soi, và những cái cúi đầu, mỉm cười họ nhận được từ nhân viên tại salon...
Với tâm lý khách hàng và thói quen người dùng, salon càng đẹp, bắt mắt, chế độ phục vụ, chăm sóc tốt thì mức giá càng cao. Trong khi đó, thuốc nhuộm và hóa chất cũng không ảnh hưởng quá nhiều đến chi phí mà khách hàng phải bỏ ra.
Tìm thợ giỏi như mò kim trong bể
Dù thu nhập ổn, thế nhưng, các chủ salon cũng phải đối đầu với những rủi ro mà chỉ người trong nghề mới biết.
Chị Phương Nhung, chủ một salon tóc tại mỹ Đình cho biết, nghề làm tóc rất bạc, theo 2 nghĩa: thứ nhất là sức khỏe và thứ hai là nghĩa tình.
Từng làm thuê cho các salon hơn 4 năm trước khi tự làm riêng, chị Nhung cho biết, làm thuê ở cái nghề này chẳng bao giờ có cơ hội thăng tiến, huống chi nghĩ đến cơ hội làm giàu. Vì thế, để kiếm được học trò giỏi, trung thành là điều rất khó. Tâm lý của thợ là học lành nghề, có chút vốn, rồi ra làm riêng. Đây là điều mà gần như chủ salon nào cũng phải đối mặt.
“Để đào tạo một thợ giỏi không khó, nhưng giữ chân họ là việc cực kỳ khó”, chị Nhung cho hay.
Học trò giỏi ra làm riêng thì mừng cho họ. Nhưng đồng nghĩa với việc salon mất đi một người thợ lành nghề. Mà để đào tạo một thợ giỏi việc, các chủ salon phải mất từ 3-5 năm, chưa kể các chi phí khác.
Để hạn chế tình trạng này, chị Nhung đã tạo điều kiện cho nhân viên góp cổ phần. “Tuy nhiên, giải pháp này chỉ mang tính tạm thời. Khi đủ kinh nghiệm, vốn liếng thì mức lương cao, chế độ tốt cũng khó có thể giữ chân họ”, chị cho hay.
Ảnh minh họa.
Nhiều tiền không mua được sức khỏe
Thường xuyên tiếp xúc trực tiếp với hóa chất độc hại là điều mà các thợ làm tóc phải chấp nhận.
Thuốc nhuộm, uốn, ép, tẩy tóc vv… đâu đâu cũng thấy hóa chất. Với người khỏe mạnh, về lâu về dài có thể ảnh hưởng, nhưng nếu sức đề kháng yếu hoặc không quen, những ai phải tiếp xúc thường xuyên khó có thể chịu được.
Cả anh Bình và chị Nhung đều thừa nhận, làm tóc lâu dài sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe. Không nói tới hóa chất, chỉ thường xuyên tiếp xúc với nước và tóc vụn đã ảnh hưởng trực tiếp tới da tay và đường hô hấp. Thế nhưng ở các salon Việt Nam, làm tóc mà thợ đeo khẩu trang thì lại gây phản cảm với khách hàng.
Thời điểm trước, có nhân viên mới học việc, mỗi lần tiếp xúc nhiều với hóa chất là nhức đầu, buồn nôn nên phải chấm dứt với nghiệp làm tóc. Tuy nhiên, điều này không đồng nghĩa ảnh hưởng tới sức khỏe khách hàng, vì họ không tiếp xúc thường xuyên.
Ở Việt Nam, nghề làm tóc không được xem trọng nhưng người hành nghề lại phải có trách nhiệm cực kỳ lớn.
Thợ làm tóc cần có con mắt nghệ thuật làm đẹp để tư vấn cho khách hàng, có những kiến thức cơ bản nhất như khả năng nhận biết từng loại tóc, thuần thục trong khâu xử lý màu thuốc, thời gian uốn, ép... Ngoài ra, người thợ còn phải học về tâm lý khách hàng, bởi việc gặp khách khó tính là điều không tránh khỏi.
“Làm nghề này phải hy sinh nhiều về sức khỏe, nhiều khi còn mang tiếng dị nghị không hay. Tuy nhiên, tôi tâm niệm đây là nghề làm đẹp cho người, rất đáng trân quý. Vì lẽ đó, chúng tôi phải đủ bản lĩnh, giữ lửa nghề và đam mê thì mới giữ được tinh thần để duy trì salon lâu dài được”, chị Nhung cho hay.