Thứ Sáu, 16 tháng 9, 2016

Bán trà ở đất trà Trung Quốc, đối đầu với hàng trăm hãng, Starbucks vẫn hét giá đắt gấp đôi và dự tính kiếm tỷ đô

"Liệu rằng thị trường tiêu thụ trà lớn nhất thế giới có sẵn sàng "đổi gió" để chấp nhận hương vị trà mới đến từ nước ngoài?" , đó là câu hỏi mà giới phân tích đặt ra cho Starbucks trước quyết đinh xâm nhập thị trường trà khu vực Châu Á Thái Bình Dương nói chung và thị trường Trung Quốc nói riêng.

Bán trà ở đất trà Trung Quốc, đối đầu với hàng trăm hãng, Starbucks vẫn hét giá đắt gấp đôi và dự tính kiếm tỷ đô
Sau khi gặt hái được nhiều thành công từ chuỗi cửa hàng cà phê ở Trung Quốc,Starbucks tiếp tục nuôi tham vọng trong mảng trà vốn được coi là đồ uống được nhiều người dân tại quốc gia này ưa chuộng.
Hôm thứ 2 vừa qua, Starbucks đã tuyên bố sẽ đưa thương hiệu trà Teavana mà hãng này đã mua lại hồi tháng 12/2012 vào hơn 6200 cửa hàng Starbucks tại khu vực Châu Á Thái Bình Dương, trong đó có Trung Quốc, với tham vọng đạt 3 tỉ USD trong vòng 5 năm tới.
Thay vì mở những cửa hàng Teavana độc lập giống như ở Mỹ, Starbucks lại đưa thương hiệu trà này vào trong 2.000 cửa hàng cà phê ở Trung Quốc với hai loại trà chính: Trà đen kết hợp với bưởi đỏ và mật ong, trà xanh lô hội hương dầu lê gai. Ngoài ra, Starbucks còn đưa vào thực đơn một số loại trà truyền thống nước Anh như English breakfast tea (Trà buổi sáng Anh) và trà xanh.
Tuy nhiên thách thức mà Starbucks sẽ phải đối mặt trên thị trường tiêu thụ trà lớn nhất thế giới này không hề nhỏ. Có tới hàng trăm thương hiệu trà đã tồn tại lâu năm và gắn bó với người tiêu dùng Trung Quốc bởi vậy họ hiểu khẩu vị và thị hiếu của khách hàng hơn ai hết.
Bên cạnh đó, theo số liệu thống kê của tổ chức nghiên cứu thị trường Euromonitor cho thấy doanh thu của các hãng trà này cũng thuộc hạng "khủng" với 9,5 tỷ USD vào năm 2015 và được kì vọng sẽ chạm mốc 12,5 tỷ USD năm 2020. Trong số đó hãng trà nổi tiếng Da Yi Tea dẫn đầu thị trường với 9,1%, đứng thứ hai là Zhejiang Xiangpiaopiao với 6,2%.
Tuy nhiên, Starbucks lại đang hướng tới phân khúc những loại trà cao cấp, đắt tiền. Gíá trung bình cho một cốc trà vào khoảng 40 tệ ( tương đương khoảng 120 nghìn đồng/ cốc), gấp đôi so với các thương hiệu trà khác trên thị trường.
Theo ông Matthieu David Experton, chuyên gia đến từ công ty tư vấn Daxue Consulting. việc đưa thêm các loại trà vào trong thực đơn được Starbucks kỳ vọng sẽ thu hút được nhiều sự chú ý của người tiêu dùng Trung Quốc. Đặc biệt là trong bối cảnh hãng này đang tìm kiếm cơ hội để mở rộng thêm chuỗi cửa hàng cà phê của mình tại các thành phố nhỏ, nơi mà Starbucks ít được biết hơn so với các đô thị lớn như Bắc Kinh, Thượng Hải.
Đây cũng là chiến lược của Starbucks nhằm thu hút khách hàng và cạnh tranh trực tiếp với các đối thủ đồng hương của mình như KFC và McDonald’s khi hai hãng này mới đây tuyên bố đã đưa các loại trà vào trong thực đơn của mình.
Đầu năm nay, Starbucks tuyên bố sẽ mở thêm 500 cửa hàng tại thị trường Trung Quốc như một phần nằm trong kế hoạch đạt mốc 3.400 cửa hàng cà phê năm 2019. Cũng theo số liệu từ Euromonitor, thị phần chuỗi cà phê của Starbucks tại Trung Quốc đã tăng từ 34% năm 2014 lên 43% năm 2015.
Theo ông Experton tương lai thương hiệu trà Teavana tại thị trường Trung Quốc là khá sáng sủa bởi các thương hiệu trà cao cấp khác đến từ Anh như Twinings và Hudson & Middleton cũng đã thành công ở thị trường khó tính này.
Bên cạnh đó, với lợi thế thiết kế cửa hàng bắt mắt, tạo cảm giác mới lạ, khách hàng thân thuộc của Starbucks đặc biệt là giới trẻ sẽ không ngần ngại thử loại trà cao cấp mang nhãn hiệu Teavana.