Thứ Tư, 2 tháng 3, 2016

Vốn chảy mạnh, DN nhỏ Việt Nam vẫn đứng ngoài chuỗi sản xuất lớn

“Hiệp định thương mại tự do (FTA) Việt Nam – EU là hiệp định “khó tính” với loạt hàng rào kỹ thuật cao, rất cao buộc DN Việt phải “cựa mình” để đạt chuẩn mực quốc tế.

Chủ tịch Phòng Thương mại & Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc cảnh báo những rào cản mà doanh nghiệp (DN) Việt Nam phải trải qua khi FTA Việt Nam – EU được ký kết.

Theo ông Lộc, việc hoàn thành FTA giữa Việt Nam – EU sẽ nối liền “con đường cao tốc” giữa Việt Nam và 28 nền kinh tế phát triển của EU, giúp Việt Nam vươn tới những nền kinh tế phát triển nhất.

Ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VCCI

Hiện EU đang là thị trường xuất khẩu thứ 2 của đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam. Khi FTA được ký kết, dự báo tăng trưởng thương mại giữa Việt Nam – EU sẽ tăng lên 30-35%.

“Khi đó, cà phê Việt Nam hiện diện nhiều hơn trên bàn trà mỗi sáng của người châu Âu. Còn rượu champane của châu Âu sẽ có nhiều hơn trong bữa ăn của người Việt...”- ông Lộc ví von.

Lợi thế nhiều, nhưng thách thức trực diện với cộng đồng DN Việt Nam không hề nhỏ khi FTA này được ký kết. Chỉ ra rào cản, ông Lộc nói thêm, đây là hiệp định thương mại “khó tính”, với hàng loạt hàng rào kỹ thuật cao, rất cao mà DN Việt Nam phải gắng sức vượt qua. “Thách thức vô cùng lớn với DN Việt khi hầu hết đều là DN vừa và nhỏ”- Chủ tịch VCCI cảnh báo.

Đơn cử, lộ trình giảm thuế các mặt hàng của các nước trong liên minh châu Âu vào Việt Nam tương đối dài, dù cộng đồng DN mong muốn lộ trình này ngắn hơn để tốc độ tiếp cận thị trường châu Âu được rút ngắn.

“Xúc tiến thương mại đầu tư như EU không thể làm theo cách truyền thống mà theo công thức mới, hỗ trợ DN Việt Nam vươn tới những chuẩn mực trong quản trị châu Âu là những chuẩn kết nối quan trọng. DN Việt Nam phải đạt được chuẩn trong kết nối, làm ăn của các DN đứng đầu thế giới”, ông nói.

Theo đó, ông Lộc đề nghị Chính phủ Việt Nam hỗ trợ cho các DN vừa và nhỏ có thể tiếp cận, tận dung cơ hội phát triển do FTA mang lại. Cùng với đó, Phòng thương mại châu Âu (Eurocham) có thể thành lập trung tâm hỗ trợ thông tin trong việc thực hiện FTA, tiếp sức cho DN.

“Các DN nhỏ và vừa Việt Nam sẽ khó có cơ hội tham gia trực tiếp vào chuỗi giá trị toàn cầu của các DN châu Âu, mà sẽ phải qua các DN nhỏ và vừa châu Âu. Vì vậy, tôi hy vọng tới đây dòng chảy vốn đầu tư từ châu Âu vào Việt Nam sẽ đến nhiều hơn từ các DN nhỏ và vừa”, ông Lộc nói.

Quan trọng hơn, hàng rào kỹ thuật “rất cao” mà EU đặt ra trong FTA buộc Việt Nam phải đổi mới thể chế theo hướng thị trường, phải vươn tới môi trường kinh doanh, thủ tục hành chí theo chuẩn mực mới... để bắt kịp nhịp độ phát triển không ngừng của các nền kinh tế tiên tiến nhất.

Phản ánh mong muốn của cộng đồng DN EU trong việc hỗ trợ Chính phủ Việt Nam xây dựng khuôn khổ pháp lý và phát triển môi trường kinh doanh tại Việt Nam, lần xuất bản thứ 8 của Sách trắng 2016 đặc biệt hơn khi Việt Nam – EU đang bước vào giai đoạn nước rút cuối cùng để đưa ra được tuyên bố chung FTA Việt Nam – EU vào cuối năm nay. Liên quan tới vấn đề nâng cao năng lực cạnh tranh, Sách trắng 2016 đã đề cập một loạt vấn đề liên quan chính sách thuế, sự phát triển của ngành công nghệ thông tin, chất lượng nguồn nhân lực, cũng như phát triển cơ sở hạ tầng, vận tải và hậu cần.

Theo Infonet