Thứ Năm, 3 tháng 3, 2016

Nông dân ồ ạt chặt bỏ càphê trồng chanh leo

Gia đình ông Nguyễn Văn Thức (xã Đăk Djrăng, huyện Mang Yang) quyết định chặt 300/1.500 gốc càphê để trồng chanh dây. Ông Thức tính rằng, 1kg càphê giá 7.000 đồng, còn 1kg chanh dây bán được 20.000 đồng. Trong khi cây càphê 1 năm mới thu hoạch 1 lần, còn chanh dây chỉ có 6 tháng. “Quá lời so với càphê còn gì. Năm nay, tôi quyết định chặt bớt càphê để trồng chanh dây”. Thấy lợi nhuận thu về hàng trăm triệu đồng, nhiều hộ dân huyện Mang Yang cũng đốn bỏ cây càphê, caosu theo phong trào trồng chanh dây. Có vườn càphê đang thu hoạch, nhưng ông Nguyễn Thiệp (xã Đăk Djrăng) vẫn thuê người đào bỏ, lấy đất trồng 300 gốc chanh dây. Chị Nguyễn Thị Hằng (thị trấn Kon Dỡng, Mang Yang) cũng chặt bỏ trên 7ha caosu để trồng chanh dây. “Chỉ trong 8 tháng, mình thu lại vốn là 300 triệu đã đầu tư” - chị khoe.

Người dân cho biết, 1ha trồng được 500-700 gốc chanh dây với chi phí 120-150 triệu đồng. Cứ 35.000 đồng/gốc chanh dây, 1ha sẽ cho thu hoạch 1-1,2 tỉ đồng/năm. Ông Hoa Văn Trung (xã Đắk Djrăng) quyết định phá 400 gốc cây càphê mà không đắn đo. Ông nói, hai người con trai trồng 250 gốc chanh dây, cứ 2 ngày thu hoạch một lần, bán được 6 triệu đồng. “Nếu chanh dây giá rớt xuống 5.000 đồng/kg, thu hoạch cũng gấp đôi cây càphê” ông Trung nói. Người dân “phân tích” rằng, thời kỳ “đỉnh cao” của caosu và càphê 40.000 - 50.000 đồng/kg đã qua rồi, giờ chỉ còn 6.000-8.000đồng/kg không thể bì với chanh dây. Càphê, caosu liên tục rớt giá, muốn “chung thủy” cũng khó.

Bất thường!

“Đây là tình trạng bất thường” - Phó Chủ tịch UBND xã Đăk Djrăng Nguyễn Bá Tấn nhận định. Dù chính quyền xã đã tuyên truyền bởi lo ngại cây chanh dây đến một thời điểm nào đó sẽ rớt giá như dưa hấu, lúc đó người nông dân sẽ chịu khổ. “Nhưng chúng tôi không ngăn chặn được tình trạng này xảy ra” - ông Tấn lo lắng. Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Mang Yang Phạm Ngọc Cơ cho biết, diện tích cây trồng này đã tăng 50ha lên 180ha và hiện đang tiếp tục tăng nếu không có biện pháp kiểm soát. UBND huyện Mang Yang cho biết không thể ngăn chặn được vì người dân trồng tự phát, hơn nữa đây là giống cây không nằm trong quy hoạch của tỉnh. Năm 2015, Tỉnh ủy Gia Lai chỉ đạo Sở NNPTNT đi khảo sát tại một số huyện, thị xã về vấn đề trồng, quy hoạch chanh dây.

Trong khi đó một thương lái tại huyện Mang Yang cho biết, bà thu mua về sơ chế, rồi xuất bán sang Trung Quốc. Nếu Trung Quốc không thu mua nữa thì quay về lại trồng càphê, tiêu hay một cây gì đó khác. Bà nói rằng, không biết Trung Quốc mua chanh dây để làm gì. Chi Cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở NNPTNT Gia Lai) Hà Ngọc Uyển cho biết, đơn vị đã đi khảo sát và tham mưu cho UBND tỉnh bổ sung cây chanh dây vào quy hoạch để tỉnh Gia Lai xem xét, có chủ trương. “Còn việc tỉnh có phê duyệt, bổ sung vào quy hoạch hay không? Chủ trương, phát triển như thế nào thì còn phụ thuộc vào cấp thẩm quyền chỉ đạo thì cơ quan chuyên môn mới tiến hành triển khai được” - ông Uyển nói.