Thứ Năm, 3 tháng 3, 2016

Vận hội đã tới, doanh nghiệp vẫn “mù mờ” về TPP

Doanh nghiệp xuất khẩu vẫn “mù mờ” về TPP

Tại hội thảo “Hiệp định TPP- Cơ hội và thách thức phát triển ngành công nghiệp Việt Nam” do Viện Chiến lược Chính sách Công nghiệp – Bộ Công Thương chủ trì, các chuyên gia nhận định, Việt Nam đang ở thời điểm quyết định để chuyển đổi mô hình phát triển bằng cách thiết lập nền tảng vượt qua “bẫy thu nhập trung bình”. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp (DN) cho biết còn đang hiểu rất “mù mờ” về các FTAs thế hệ mới.

Việt Nam sẽ thành “công xưởng” thế giới?

Theo ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu - Bộ Công Thương, trong TPP, có 2 thị trường VN có thể tận dụng tốt nhất là Hoa Kỳ và Nhật Bản. Cụ thể, thị trường Hoa Kỳ có quy mô nhập khẩu (NK) lớn nhất thế giới, mỗi năm khoảng 1.800 tỉ USD. Tuy nhiên, kim ngạch thương mại hai chiều giữa VN - Hoa Kỳ chỉ chiếm tỉ 1% trong tổng kim ngạch xuất NK Hoa Kỳ, trong đó thị phần xuất khẩu (XK) chiếm khoảng 1,3%. Hiện các mặt hàng VN XK chủ yếu thì Trung Quốc luôn chiếm thị phần lớn, đơn cử như dệt may chiếm 45%, giày dép chiếm 65%.

Trong khi đó, Nhật Bản chiếm tỷ trọng đến 10% trong tổng kim ngạch xuất NK của VN với thế giới. Trong những năm qua, VN vẫn chưa khai thác được tối đa tiềm năng thị trường này khi kim ngạch xuất NK chỉ chiếm một thị phần vô cùng nhỏ bé chưa đến 2%, trong đó thị phần XK đạt khoảng 1,8%, thấp hơn nhiều so với Trung Quốc.

Tuy nhiên, ông Hải đưa ra dự báo kim ngạch XK một số mặt hàng công nghiệp sang TPP đến năm 2020 sẽ có tốc độ tăng trưởng cao. Cụ thể, dệt may đạt 29,53 tỉ USD, giày dép 10,33 tỉ USD, sản phẩm đồ gỗ 6,41 tỉ USD, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện 8,29 tỉ USD, máy móc thiết bị phụ tùng 5,59 tỉ USD, điện thoại các loại và linh kiện 4,83 tỉ USD, túi xách, vali, mũ, ô dù 5,22 tỉ USD. Nhìn chung, tổng kim ngạch XK hàng công nghiệp VN – TPP sẽ lên tới khoảng 132.53 tỉ USD.

Theo TS. Võ Trí Thành, chuyên gia kinh tế, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM), quá trình công nghiệp hóa và hiện đại hóa sẽ giúp cho các ngành điển hình về mạng sản xuất và giá trị toàn cầu như dệt may, da giày… sẽ được hưởng lợi nhiều nhất, tạo sự dịch chuyển và cơ hội biến Việt Nam trở thành trung tâm công nghiệp của thế giới.

Doanh nghiệp “than” TPP khó hiểu

Dù cơ hội đã tới song thực tế cho thấy các DN Việt Nam còn rất mù mờ và mông lung trước ngưỡng cửa hội nhập. Tại hội thảo, ông Trần Hoài Nam – Giám đốc Cty TNHH Sao Nam thừa nhận: “Các DN Việt Nam hiện nay chỉ có một số đã biết đến TPP ở mức sơ lược, chỉ một số rất ít hiểu rõ. Khâu ách tắc đối với DN là làm thế nào để phân phối hàng Việt Nam ra nước ngoài lại không có hướng dẫn cụ thể. Hiện nay chúng ta đang loay hoay tìm cách bảo vệ hàng trong nước”.

Ông lo ngại: “Các DN Việt Nam hiện nay đang “cày thuê” trên chính mảnh ruộng của mình”, rủi ro lớn nhưng lợi nhuận lại được DN nước ngoài hưởng”.

Đại diện Hiệp hội DN nhỏ và vừa Việt Nam, ông Đặng Văn Ngọ thổ lộ: “Các nội dung hiệp định TPP được đăng tải rất khó hiểu. Dù tôi là người dù được đào tạo bài bản đại học chính quy nhưng vẫn thấy rất khó tiếp cận và hiểu được hết nội dung văn bản bằng tiếng Việt. Điều này khiến tôi lo ngại không biết liệu các DN khác có hiểu không”. “Ngoài việc đăng toàn văn Hiệp định TPP, tôi cho rằng nên chăng nên chắt lọc, biên soạn những điểm cô đọng cần thiết cho DN về cơ hội, thách thức đối với từng lĩnh vực cụ thể công nghiệp, hải quan, xuât xứ hàng hóa, lao động… thì sẽ hiệu quả hơn” – ông góp ý.

Ông Trần Hoài Nam cũng đề xuất, nhà nước nên có chính sách hỗ trợ những DN tiên phong trong XK mở trụ sở ở nước ngoài, đặc biệt là ở chính các nước nội khối TPP để cọ xát thị trường, sau đó có những phản hồi cho các DN trong nước nắm tình hình, từ đó điều chỉnh hoạt động sản xuất kinh doanh nhằm mục đích XK. Trong thời gian đầu, các  DN  này sẽ được nhà nước hỗ trợ về tài chính, vay vốn và các cơ chế, thể chế, hải quan để làm ăn trong thời gian đầu để DN Việt đưa được hàng ra nước ngoài.

Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh, khi hội nhập và tham gia hiệp định TPP, các thành phần kinh tế đều cạnh tranh bình đẳng và một thách thức không nhỏ cho lĩnh vực công nghiệp đó là nhiều DN quy mô nhỏ sẽ phải dời cuộc chơi. Ông Khánh khuyến nghị, các DN Việt Nam cần chủ động tìm hiểu các thông tin liên quan về các hiệp định thương mại tự do, để có thể nắm bắt thông tin cũng như các cam kết cụ thể trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh của mình, từ đó xây dựng kế hoạch đầu tư, sản xuất hiệu quả, nâng cao năng lực cạnh tranh cũng như tận dụng được cơ hội tham gia chuỗi cung ứng trong khu vực.

Tin bài liên quan

  • Hai thị trường nào Việt Nam có thể tận dụng tốt nhất trong TPP?

  • TPP sẽ rất khó “xài” nếu thủ tục hành chính vẫn “hành” doanh nghiệp

  • TPP: Ngân hàng ngoại khó “thò tay” vào thị trường thẻ

  • Thủ tướng viết bài về cơ hội và thách thức khi tham gia TPP