“Hợp tác xã là thành phần quan trọng để thực hiện chủ trương tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới” - đó là khẳng định của Bộ trưởng Bộ NNPTNT Cao Đức Phát tại hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Luật Hợp tác xã tổ chức ngày 2.3 tại Hà Nội.
Tính đến năm 2015, cả nước hiện có 19 liên hiệp hợp tác xã nông nghiệp, khoảng 11 nghìn hợp tác xã hoạt động trong các lĩnh vực: Trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, thủy lợi, lâm nghiệp, diêm nghiệp và các dịch vụ phục vụ nông nghiệp. Đa số các hợp tác xã kinh doanh tổng hợp, số lượng các hợp tác xã chuyên ngành không nhiều. Trong số 7 triệu 300 nghìn thành viên hợp tác xã, thì có đến gần 6 triệu 700 nghìn hộ gia đình, cá nhân là thành viên hợp tác xã nông nghiệp.
Đến nay mới chỉ có khoảng 30% hợp tác xã nông nghiệp hoạt động theo Luật Hợp tác xã, do đó về phương thức hoạt động vẫn chưa có sự thay đổi, tư duy hoạt động còn nặng về hành chính, bao cấp theo phương thức hợp tác xã kiểu cũ. Một số ý kiến cho rằng, các hợp tác xã hiện nay mới chỉ tập trung hoạt động đối với các dịch vụ đầu vào cho sản xuất nông nghiệp, còn các dịch vụ bảo quản, chế biến, tiêu thụ sản phẩm chưa được quan tâm nên chưa phát huy được hiệu quả hoạt động. Ngoài ra, việc thiếu nguồn lực, nhất là nguồn lực tài chính phát triển hợp tác xã, tổ hợp tác cũng đang là trở ngại lớn trong phát triển hợp tác xã kiểu mới…
Các đại biểu đề xuất, cùng với tiếp tục hoàn thiện cơ sở pháp lý và chính sách hỗ trợ phát triển tổ hợp tác, hợp tác xã, gắn sản xuất với tiêu thụ nông sản cho nông dân cần phát hiện những hợp tác xã điển hình theo từng lĩnh vực chuyên ngành làm mô hình điểm để xây dựng và nhân rộng mô hình hoạt động hiệu quả. Đặc biệt, xây dựng những mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ theo chuỗi giá trị trong các ngành hàng nông sản chủ lực có thương hiệu của Việt Nam trên thị trường quốc tế như: lúa gạo, chè, cà phê, điều, hồ tiêu, sữa, thủy sản… từ đó nâng cao vị thế của hợp tác xã nông nghiệp hiện nay.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát nêu rõ:Tổ chức lại sản xuất là một trong những trụ cột thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp, trong đó thì không thể thiếu hợp tác xã, vì vậy phải làm như thế nào để có nhiều hơn các hợp tác xã hoạt động có hiệu quả đó là mục tiêu cơ bản mà chúng ta cần hướng tới. Phải cùng nhau định nghĩa cụ thể về hợp tác trong nông nghiệp về nội dung, quyền lợi và trách nhiệm của xã viên hợp tác xã. Tôi đề nghị từ thực tiễn của các địa phương, hợp tác xã đưa ra kiến nghị để Bộ NNPTNT, Liên minh hợp tác xã và các địa phương chỉ đạo thực hiện một cách hiệu quả trên thực tế.
Tin bài liên quan
-
“Hậu” nắng ấm, rau xanh “đẹp mã” bắt đầu giảm giá
-
Ra tết thực phẩm hạ nhiệt, sức mua tăng dần
-
Kinh hoàng su hào mua về sau 2 tuần bỗng mọc rễ, nẩy mầm
-
4 thực phẩm giảm căng thẳng hiệu quả