Chậm giải ngân, vướng mắc về thủ tục cũng như một số vấn đề trong cung cách làm việc của Tổng thầu Trung Quốc đang là nguyên nhân khiến dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông lại có dấu hiệu ì ạch trở lại sau gần 1 tháng "hô quyết tâm và ký cam kết".
Ra quân rầm rộ rồi giảm tốc độ vì thiếu tiền
Chiều 2.3, Thứ trưởng phụ trách Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường đã chủ trì cuộc họp giao ban và thúc đẩy tiến độ dự án đường sắt Cát Linh-Hà Đông.
Tại đây, Ban Quản lý dự án đường sắt đã báo cáo về tình hình triển khai dự án và thừa nhận hầu hết các hạng mục của dự án sau khi ra quân có hiện tượng chậm dần tiến độ. Tới nay, các nhà ga từ Cát Linh, La Thành, Thái Hà tới ga trung tâm đều bị chậm tiến độ so với yêu cầu từ 10 đến 20 ngày, công tác lao dầm cũng đang bị chậm.
Khá nhiều nguyên nhân được đưa ra như do nghỉ tết dài, việc điều động người của thầu phụ chậm. Tuy nhiên, cốt lõi của vấn đề được tất cả các bên thừa nhận từ ban quản lý, tổng thầu EPC tới các nhà thầu phụ đều là do Tổng thầu chậm giải ngân, thanh toán vì những vướng mắc trong việc chuyển tiền từ Trung Quốc sang Việt Nam.
Ông Lê Kim Thành, Tổng giám đốc Ban Quản lý dự án đường sắt thừa nhận sau khi ra quân và ký cam kết tiến độ vào ngày mùng 6 tết, tổng thầu và các đơn vị đã triển khai thi công nhưng tiến độ chậm dần và nhiều nhà thầu hiện "không còn lực" vì không được thanh toán tiền.
Theo ông Thành, các hợp đồng của tổng thầu còn manh mún vì bản thân EPC cũng không dám ký tiếp vì sợ ký tiếp lại nợ tiền tạm ứng thi công.
Bản thân đại diện Tổng thầu là ông Dư Giang, Giám đốc điều hành dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông cũng lần đầu tiên nhận lỗi khi nợ thầu phụ hơn 400 tỉ đồng. “Đây là vấn đề lớn nhất và quan trọng nhất hiện nay. Chúng tôi đang xem xét giải ngân tiếp cho các nhà thầu phụ” – ông Giang khẳng định và hứa hẹn sẽ tiếp tục làm việc với Phòng Thương mại Trung Quốc để thống nhất tổng mức đầu tư, sau đó sẽ giải ngân khoảng 19 triệu USD nữa đồng thời sẽ điều động thêm vốn huy động để giải quyết. Ông này cho rằng nếu giải quyết được nguồn vốn dự án, cơ bản đến tháng 9 sẽ hoàn thành các hạng mục.
Không chỉ mắc chuyện chậm thanh toán tiền, Tổng thầu còn bị phản ánh về các vấn đề như lãnh đạo EPC "một tháng về nước 1 lần trong 3 tuần" khiến việc xử lý các thủ tục cần thiết bị chậm trễ. Bên cạnh đó, việc chưa thống nhất về đề xuất đội chi phí thiết bị thêm 34 triệu USD của tổng thầu cũng khiến tiến độ chung của dự án bị chậm.
Tăng tốc, bù tiến độ bằng cách nào?
Để gỡ vướng mắc, Ban Quản lý dự án kiến nghị Bộ GTVT có ý kiến với Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc, Tổng thầu EPC để chuyển trực tiếp tiền giải ngân của Dự án về tài khoản của Tổng thầu EPC tại Việt nam đồng thời đề nghị lãnh đạo tổng thầu ủy quyền cho nhân sự của Tổng thầu tại Việt Nam sử dụng số tiền trong tài khoản để chi trả trực tiếp cho các nhà thầu phụ, đảm bảo nguồn vốn cho dự án được sử dụng đúng mục đích.
Ông Lê Kim Thành, Tổng giám đốc Ban Quản lý dự án đường sắt cho biết đại sứ quán Trung Quốc cũng đã có ý kiến thống nhất mở tài khoản của Tổng thầu EPC tại Việt Nam để bớt khâu trung gian giải ngân.
Kết luận cuộc họp, Thứ trưởng Trường cho rằng dù gặp vướng mắc về tiền nhưng tiến độ dự án vẫn phải đảm bảo. Ông Trường cho rằng các thầu phụ Việt Nam còn rớt lại toàn là nhà thầu mạnh mới có thể tồn tại tới ngày hôm nay, các nhà thầu yếu đã bỏ cuộc từ lâu. Những nhà thầu đang thi công đều có năng lực tài chính nên "kêu vẫn kêu nhưng đâm lao phải theo lao và con đường tốt nhất là phải làm, làm bài bản và dứt điểm hơn"
Ông Trường kêu gọi ngoài vấn đề lợi nhuận các nhà thầu cũng cần góp phần xây dựng đất nước để sớm đưa dự án vào khai thác với mục tiêu cuối năm phải kết thúc dự án để đi vào vận hành. Lãnh đạo bộ cũng yêu cầu BQL phải rà soát lại các gói thầu mà tổng thầu đang triển khai để thúc đẩy việc ký kết hợp đồng để làm thủ tục thanh quyết toán nhanh nhất, đưa ra các giải pháp để thanh toán nhanh cho các nhà thầu, giải quyết dứt điểm vấn đề thiết bị...
Bộ GTVT sẽ có văn bản yêu cầu lãnh đạo EPC phải có mặt thường xuyên ở Việt Nam, đăng ký làm việc để họp giao ban và đề nghị EPC ký hết hợp đồng với các nhà thầu...
Box: Theo dự kiến, 12 nhà ga chính sẽ hoàn thành toàn bộ bao gồm cả lắp đặt thiết bị từ ngày 18.5 tới ngày 16.9 trong đó ga Cát Linh dự kiến sẽ hoàn thành muộn nhất.
Việc chạy thử liên động, vận hành thử toàn tuyến sẽ được tiến hàn vào ngày 1.10 tới và đưa dự án vào vận hành khai thác thương mại từ ngày 31.12.
Tin bài liên quan
-
Dự án đường sắt Cát Linh Hà Đông liệu có đúng tiến độ?
-
Đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông: 1.10 chạy thử, 31.12 chạy thật
-
Trắng đêm lao dầm đường sắt Cát Linh - Hà Đông qua hồ Hoàng Cầu
-
Tàu điện Cát Linh - Hà Đông (Hà Nội) điều chỉnh thiết kế