Thứ Ba, 1 tháng 3, 2016

4.700 DN bị phát hiện có dấu hiệu chuyển giá: Chỉ là bề nổi?

Trong năm 2015, ngành thuế phát hiện 4.700 doanh nghiệp (DN) có dấu hiệu chuyển giá, đã truy thu, truy hoàn và phạt hơn 1.000 tỉ đồng (trong đó vụ việc Metro Cash & Carry đã chiếm gần một nửa). Nếu chỉ nhìn vào số liệu trên và đối chiếu thực tại kêu lỗ triền miên của các DN FDI thì kết quả đạt được trong việc chống chuyển giá của ngành thuế mới chỉ dừng lại ở bề nổi.

Tại hội nghị triển khai nhiệm vụ 2016, ngành thuế cho biết đã thanh tra, kiểm tra chống chuyển giá được 4.751 DN lỗ, có dấu hiệu chuyển giá và DN có hoạt động giao dịch liên kết, giảm lỗ 10.050,17 tỉ đồng. Trong số đó, riêng vụ việc Metro Cash & Carry bị phát hiện chuyển giá sau 12 năm hoạt động tại Việt Nam, truy thu hơn 507 tỉ đồng được coi là vụ việc điển hình trong đấu tranh chống chuyển giá. Ngành thuế đã truy thu, truy hoàn và phạt 1.062,74 tỉ đồng; giảm khấu trừ là 302,91 tỉ đồng. Tổng số tiền cơ quan thuế và cơ quan công an đã xử lý thu hồi vào ngân sách nhà nước (NSNN) là 16,89 tỉ đồng.

Khi nhìn vào kết quả này, phải trở lại một quyết định được cho mạnh tay của Bộ Tài chính về chống chuyển giá. Vào cuối tháng 10.2015, Bộ Tài chính thành lập Phòng Thanh tra giá chuyển nhượng trực thuộc Vụ Thanh tra của Tổng cục Thuế. Nhiệm vụ của lực lượng này là lập kế hoạch thanh tra giá chuyển nhượng, xây dựng quy trình thanh tra, thu thập xử lý thông tin. Lực lượng chuyên trách sẽ được thành lập ở cơ quan Tổng cục Thuế và các địa phương có nhiều rủi ro liên quan đến giá chuyển nhượng là Hà Nội, TPHCM, Bình Dương và Đồng Nai.

Động thái của Bộ Tài chính được dư luận đánh giá tuy muộn (lẽ ra việc này phải có từ mười, mười lăm năm trước - PV). Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai thời điểm đó cho rằng “thà muộn còn hơn không”.

Bề nổi tảng băng

Theo thống kê của Tổng cục Thuế, trong năm 2015 cả nước có khoảng 50% số DN FDI kê khai lỗ, trong đó nhiều DN thua lỗ liên tục trong 3 năm liên tiếp. TPHCM có tới gần 60% trong số 3.500 DN có vốn FDI nhiều năm qua thường xuyên kê khai lỗ. Tỉnh Lâm Đồng cũng xuất hiện tình trạng tương tự với 104/111 DN FDI báo cáo lỗ liên tục. Bình Dương cũng có đến 50% số DN FDI báo cáo lỗ liên tiếp. (Năm 2007, số DN khai báo lỗ chiếm tỉ lệ 53%, năm 2008 là 58%, năm 2009 là 55%, năm 2010 là 44%, năm 2011 là 48% và năm 2014 là 45%).

Gần đây, Thanh tra Chính phủ công bố kết luận thanh tra việc thu nộp ngân sách tại khu chế xuất và DN chế xuất tại Hà Nội, TPHCM, Bình Dương và Đồng Nai đã phát hiện có 57% trong tổng số 399 DN chế xuất kiểm tra không phát sinh doanh thu hoặc hạch toán lỗ, nhiều DN báo lỗ liên tục nhiều năm. Đáng chú ý, kết luận của Thanh tra Chính phủ cho thấy nhiều DN mặc dù kê khai lỗ lớn trong nhiều năm nhưng hằng năm, tốc độ tăng doanh thu vẫn cao, hoạt động sản xuất kinh doanh liên tục được mở rộng. Như vậy, các DN có biểu hiện chuyển giá, nhưng do không xác minh được thông tin đầu ra đối với các DN FDI nên cơ quan thuế không thể xử lý.

Theo chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu, để việc chống chuyển giá đạt hiệu quả, cần phải xem lại ngay từ khâu cấp giấy phép đầu tư cho các DN FDI, xem xét kỹ lưỡng việc khai báo giá trị các tài sản (thiết bị, máy móc, nguyên vật liệu…) đưa vào Việt Nam. Ông Hiếu nói nếu để xảy ra tình trạng DN khai vống giá cao gấp chục lần để có thể hạch toán lỗ thì lỗi là do sự buông lỏng quản lý của chính các cơ quan nhà nước.

Còn theo chuyên gia phân tích kinh tế Ngô Quang Trung, để chống chuyển giá hiệu quả thì đòi hỏi cần bổ sung Luật Quản lý thuế, việc cho phép áp dụng phương pháp xác định giá trước, nghĩa là DN nộp thuế và cơ quan thuế thỏa thuận phương pháp xác định giá với giao dịch liên kết trong một khoảng thời gian nhất định.Cơ chế thỏa thuận này đang được khoảng hơn 40 quốc gia trên thế giới áp dụng và được đánh giá là có hiệu quả (gọi là phương thức APA - Advance Pricing Agreement).