Ngày 26.2 tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng trực tiếp chỉ đạo Hội nghị Tham tán Thương mại năm 2016 (HNTTTM) nhằm đổi mới hoạt động xúc tiến thương mại, nâng cao hiệu quả công tác kinh tế đối ngoại và thị trường nước ngoài… trong bối cảnh hội nhập với hàng loạt FTA thế hệ mới.
Đa dạng hóa thị trường xuất khẩu
Báo cáo tại hội nghị về tình hình xuất nhập khẩu (XNK), Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết: “Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam năm 2015 đạt 327,76 tỉ USD. Trong đó, xuất khẩu (XK) đạt 162,11 tỉ USD; nhập khẩu (NK) đạt 165,65 tỉ USD, tăng tương ứng là 7,9% và 12% so với năm 2014…”
Ngoài ra, cơ cấu các nhóm hàng XK của Việt Nam đã có những chuyển dịch tích cực… Nhiều đặc sản hoa quả của Việt Nam như thanh long đã vào được thị trường Hoa Kỳ, Nhật, Hàn Quốc; chôm chôm, nhãn được phép XK sang Mỹ. Xoài được phép XK sang Hàn Quốc và NewZealand…
Nhìn chung, kim ngạch xuất khẩu giai đoạn 2011-2015 tăng bình quân 17,5%/năm, cao hơn 5,5% so với chỉ tiêu kế hoạch đã đề ra tại Chiến lược Xuất nhập khẩu hàng hóa thời kỳ 2011-2020, định hướng đến năm 2030 là 12%/năm. Việt Nam đã có quan hệ thương mại với hơn 200 nước và vùng lãnh thổ. Nếu như năm 2010, Việt Nam có 18 thị trường đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỉ USD thì đến năm 2015, con số này đã tăng lên 29 thị trường.
Tuy nhiên, bên cạnh những cơ hội, Thứ trưởng Trần Tuấn Anh cũng chỉ ra thách thức cùng với việc các nước mở cửa thị trường sẽ là sức ép cạnh tranh cho hàng hóa sản xuất trong nước.
Các nước phát triển ngày càng áp dụng nhiều biện pháp kỹ thuật, kiểm soát hàng nhập khẩu, nhất là đối với hàng nông thủy sản. Do vậy, các sản phẩm nông sản của ta dù được hưởng thuế ưu đãi vẫn có thể gặp khó khăn về khả năng tiếp cận thị trường do không đáp ứng được tiêu chuẩn về dư lượng kháng sinh, dư lượng thuốc trừ sâu... Số vụ điều tra và áp dụng thuế chống bán giá và chống trợ cấp đối với hàng Việt Nam ngày càng nhiều sẽ ảnh hưởng đến xuất khẩu của Việt Nam và hạn chế khả năng tận dụng các FTA.
Chưa kể, hiện một số mặt hàng nông, thủy sản xuất khẩu chủ lực bị giới hạn về khả năng mở rộng nuôi trồng, khó có khả năng duy trì tăng trưởng cao về mặt số lượng. Trong khi đó, nhiều mặt hàng xuất khẩu đạt vị trí cao trên thế giới nhưng vẫn chưa có khả năng điều tiết giá cả thị trường, dẫn đến tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu phụ thuộc vào diễn biến giá thế giới.
Quang cảnh hội nghị Tham tán Thương mại năm 2016 tổ chức ngày 26.2 |
Tiếp tục phát huy vai trò của thương vụ
Đánh giá cao những đóng góp của các tham tán thương mại, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đề nghị các tham tán thương mại ở nước ngoài trong thời gian tới cần tiếp tục có những hành động cụ thể để hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng cơ hội từ 14 hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký.
Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng đề nghị các Tham tán thương mại đẩy mạnh đấu tranh với các nước về những rào cản thương mại không hợp lý. Trong trường hợp cần thiết, Chính phủ sẽ đấu tranh ở cấp cao nhất nhằm bảo đảm lợi ích cho các doanh nghiệp Việt Nam trong tiến trình hội nhập. Ngoài ra, Thủ tướng cũng đề nghị các cơ quan Thương vụ cần tích cực nghiên cứu kinh nghiệm của nước ngoài để tham mưu cho Bộ Công Thương và Chính phủ trong việc hoàn thiện thể chế quản trị quốc gia, nhất là cải cách các thủ tục hành chính.
“Đội ngũ làm thám tán thương mại phải thực sự là những nhà ngoại giao giỏi trên lĩnh vực kinh tế, chính trị; phải phát huy được tinh thần trách nhiệm cao nhất trước đất nước, trước nhân dân”, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh.
Để giải quyết vấn đề thiếu kinh phí hoạt động, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã cho phép thực hiện cơ chế các cơ quan Thương vụ thực hiện hợp đồng dịch vụ với các doanh nghiệp về mở cửa thị trường xuất khẩu cũng như cung cấp thông tin.