Chủ Nhật, 31 tháng 3, 2019

Đường sắt tuyến Nhổn - ga Hà Nội khi nào khai thác?

Tuyến đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội hiện đã hoàn thành phần thi công trên cao, có thể hoàn thiện lắp đặt và bắt đầu khai thác từ năm 2020. Người dân thủ đô đang kỳ vọng về một tuyến đường sắt đô thị không bị rơi vào tình trạng “thất hẹn” nhiều lần như tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông.
Đường sắt tuyến Nhổn - ga Hà Nội khi nào khai thác?



Dự kiến năm 2020 có thể khai thác

Ngày 29/3, ghi nhận của PV dọc tuyến đường sắt đô thị Nhổn - Ga Hà Nội nhiều đoạn công trường đang thi công. Khu vực nhà ga trên cao từ đoạn Đại học Công nghiệp Hà Nội tới khu vực ngã tư Xuân Thủy - Cầu Giấy đã tương đối hoàn thiện. Các nhà ga và tuyến ngầm từ đoạn Kim Mã, nhiều tốp công nhân xuất hiện đo đạc, khoan, hàn và tiến hành các bước thi công. Liên quan tới dự án này, trao đổi với PV, ông Nguyễn Cao Minh - Trưởng ban Quản lý dự án (QLDA) đường sắt đô thị Hà Nội - cho biết: Chính phủ vừa mới ký quyết định bổ sung vốn trung hạn để tiếp tục thực hiện dự án đường sắt đô thị Nhổn - Ga Hà Nội theo kế hoạch.

Theo đại diện Ban quản lý đường sắt đô thị Hà Nội, tiến độ dự án đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội về tổng thể đã đạt 48%, trong đó cơ bản đã hoàn thành thi công 98% tuyến đoạn trên cao và 60% việc xây dựng các ga trên cao. Trong năm 2019, dự án sẽ tiếp tục mở công trường tại các vị trí giếng đứng trên phố Cát Linh, ga S11 - Quốc Tử Giám và ga S12 - ga Hà Nội. Khu vực Depot tại Nhổn cũng đã hoàn thành 98% các hạng mục hạ tầng kỹ thuật và 50% công trình tòa nhà. Hiện tại nhà thầu đang chuẩn bị mặt bằng để lắp đặt các thiết bị.

Đại diện BQL ĐSĐT Hà Nội cũng cho biết, theo chỉ đạo của UBND TP.Hà Nội, dự án sẽ đưa vào vận hành trên cao từ Depot đến ga S8 trước cổng trường Đại học Giao thông Vận tải vào năm 2020 và sẽ vận hành toàn tuyến vào năm 2022. Trước đó, cuối tháng 12/2018, tuyến đường sắt Nhổn - Ga Hà Nội đã hợp long toàn tuyến trên cao và đang hoàn thiện các bước cuối cùng để bàn giao. Các đơn vị đã tiến hành tháo dỡ, thu hẹp tất cả các rào chắn công trình dọc tuyến đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội từ đường 32 - Hồ Tùng Mậu - Xuân Thủy - Cầu Giấy.


Chiều 28/3, Phó Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Thế Hùng đã thị sát tuyến ĐSĐT Nhổn - Ga Hà Nội. Phó Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Thế Hùng cho biết, TP đang đôn đốc các đơn vị liên quan hoàn thiện những thủ tục cuối cùng để giải ngân cho Dự án đường sắt đô thị (ĐSĐT) Nhổn - Ga Hà Nội.

Giảm tải cho giao thông công cộng

Liên quan đến việc triển khai các dự án đường sắt đô thị và các giải pháp chống ùn tắc giao thông, nhiều chuyên gia cho rằng, giải pháp tất yếu và duy nhất để hạn chế ùn tắc giao thông là phải phát triển mạng lưới vận tải hành khách công cộng, trong đó đường sắt đô thị là “xương sống”. TS Nghiêm Xuân Đạt - Phó Chủ tịch Hiệp hội Môi trường đô thị và Khu công nghiệp Việt Nam cho hay: Với một đô thị lớn, khi dân số ngày càng tăng thì việc xây dựng một hệ thống giao thông hiện đại (trong đó có hệ thống ĐSĐT) là vấn đề hết sức cần thiết. ĐSĐT so với các phương tiện khác có ưu thế hơn rất nhiều. ĐSĐT có khả năng vận chuyển lớn vì vận chuyển có nhiều toa. Tuyến đường này cũng có tuyến đường riêng nên tỉ lệ khai thác an toàn và không bị ảnh hưởng nhiều vì các phương tiện khác.

“Đối với những tuyến đường sắt đang triển khai trên địa bàn như đường sắt Cát Linh - Hà Đông và đường sắt Nhổn - Ga Hà Nội thành phố cần phải sát sao và thực hiện đúng tiến độ để có thể đưa vào khai thác sử dụng. Cùng với đó, không chỉ có một tuyến đường sắt mà có thể giải quyết vấn đề ùn tắc giao thông được mà cần có cả mạng lưới đường sắt và sự kết nối với những phương tiện khác nhằm đảm bảo tính tiện lợi cho người tham gia giao thông” - TS Nghiêm Xuân Đạt nhấn mạnh.

ThS Quản lý đô thị Trần Tuấn Anh - Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam nhìn nhận ĐSĐT là “xương sống” trong hệ thống giao thông công cộng bởi khả năng vận tải vượt trội của loại hình này. Tuy nhiên, để tình hình giao thông được hiệu quả thì cần có sự kết nối với những phương tiện khác. “Một trong những vấn đề cần được quan tâm nhất hiện nay là câu chuyện ở những nhà ga, điểm đón - trả khách trong nội đô. Việc chúng ta xây dựng được hệ thống đường sắt trên cao với nhu cầu chính là giảm tải áp lực cho hệ thống giao thông mặt đất. Tuy nhiên vấn đề kết nối giao thông tại các nhà ga là rất quan trọng, bởi việc này có thể ảnh hưởng tới quá trình đi lại của người dân” - ông Trần Tuấn Anh nói.

Dự án đường sắt đô thị Nhổn - Ga Hà Nội dài 12,5km, gồm 8,5km trên cao và 4km đi ngầm, đi qua quận Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Cầu Giấy, Ba Đình, Đống Đa, Hoàn Kiếm. Dự án được khởi công từ tháng 9.2010, công trình dự kiến hoàn thành vào tháng 9.2017. Tuy nhiên, do chậm tiến độ nên dự án đã được điều chỉnh thời gian hoàn thành toàn tuyến đến năm 2022. Dự án đường sắt đô thị Hà Nội Nhổn - Ga Hà Nội có tổng mức đầu tư gần 1,2 tỉ euro, trong đó gần 80% là vay vốn ODA, còn lại là vốn đối ứng từ ngân sách TP.