Đầu tiên dưới quan điểm của trường phái tân cổ điển, các nhà kinh tế này tiếp cận kinh tế học hành vi với quan điểm rằng hiệu quả thị trường là mục tiêu cuối cùng.
Góc nhìn của họ về dịp Tết có thể tóm gọn như sau: Một phần không nhỏ của sự gia tăng chi tiêu trong dịp Tết đến từ quà cáp, biếu tặng. Trong khuôn khổ kinh tế vi mô, về tiêu chuẩn sở thích của người tiêu dùng, đôi khi việc ai đó tặng bạn một món quà mà bạn không thực sự thích sẽ khiến bạn kém thỏa mãn hơn việc bạn tự tiêu món tiền đó.
"Bạn mua đồ vì sự thỏa mãn nhận được từ chúng. Bạn là người biết rõ nhất bạn muốn tiêu tiền thế nào, vì vậy khi người khác mua cho bạn một thứ gì đó, họ sẽ chỉ có thể đưa ra dự đoán về những gì bạn muốn với số tiền đó. Cũng có khi họ đoán đúng cái bạn thích, nhưng trong hầu hết các trường hợp thì không phải vậy."
Trong dịp lễ, điều này xảy ra ở quy mô lớn hơn nhiều so với thời gian còn lại trong năm. Do đó, tiền lãng phí cho những món quà thể hiện sự phi hiệu quả rất lớn. Phát hiện này đã được công bố năm 1993 bởi một vị giáo sư Đại học Minnesota với tên gọi: Tổn thất của Giáng sinh.
Nếu xét dưới góc nhìn năng suất lao động, Tết đem lại tâm lý nghỉ ngơi cho người lao động, khiến họ có xu hướng giảm năng suất cả trước, trong và sau dịp Tết. Mặt khác, ngoài các khoản thưởng và lương tháng 13 cho nhân viên, các nhà sử dụng lao động cũng phải nhân hệ số lương đối với nhân viên làm việc trong ngày nghỉ lễ, trong khi trên thực tế là người lao động lại làm việc với năng suất thấp hơn hẳn thường ngày.
Kinh tế lượng cũng chẳng mấy vui vẻ với dịp Tết, nhất là khi dịp Tết Nguyên Đán của người Việt Nam lại tính theo Âm lịch. Có nghĩa là tất cả các dữ liệu kinh tế, sự gia tăng tiêu dùng, gia tăng giá cả,… sẽ rất khó để theo dõi theo tháng vì có năm Tết Nguyên Đán rơi vào tháng 1, có năm lại rơi vào tháng 2. Hầu hết các nhà kinh tế chọn cách đợi đến tháng 3 mới quan sát xu hướng để tránh đưa ra các kết luận không chính xác.
Về tài chính tiền tệ, Tết là thời điểm mà nhu cầu sử dụng tiền mặt của người dân tăng cao đột biến, không chỉ cho công việc mua sắm cho gia đình mà còn là cho phong tục "lì xì".
Việc tăng cung tiền đột ngột trong nền kinh tế sẽ dẫn đến hệ quả là giá cả leo thang trong thời điểm này. Hơn nữa, khi các công ty và thị trường chứng khoán đóng cửa, hàng loạt các hoạt động chốt lãi diễn ra để lấy một lượng tiền mặt lớn ra khỏi hệ thống - gây ra sự biến động trong chứng khoán.
Tuy nhiên, các nhà kinh tế học theo trường phái Keynes – những người ủng hộ chính phủ, tập trung vào kinh tế vĩ mô lại có quan điểm ủng hộ lễ Tết. Theo logic của Keynes, chi tiêu trong dịp lễ Tết là rất tốt bởi hiệu quả kích thích tăng trưởng kinh tế và tạo việc làm.
Trong khi hầu như toàn bộ người lao động trong nền kinh tế bị trì trệ, một vài ngành công nghiệp lại hoạt động với tần suất cực lớn vì sự quá tải trong giai đoạn này là vận tải, du lịch và bán lẻ.
Tết là dịp để đoàn tụ gia đình. Kỳ nghỉ lễ kéo theo sự hồi hương của hàng triệu người lao động trở về quê nhà, Việt kiều về nước, khiến ngành vận tải và khách sạn hưởng lợi hàng đầu. Khách du lịch nước ngoài, nhất là các du khách đến từ các quốc gia phương Tây – nơi không có Tết Âm lịch, đến Việt Nam rất nhiều vào dịp này. Ngược lại, người Việt vài năm gần đây cũng có xu hướng đi du lịch vào dịp Tết, xu hướng này ảnh hưởng không nhỏ đến ngành du lịch hàng không quốc tế và nhà nghỉ.
Dù vẫn còn có rất nhiều ý kiến trái chiều về Tết nhưng Tết cổ truyền vẫn là một dịp đặc biệt đối với mỗi người, để đoàn tụ và nghỉ ngơi sau một năm lao động vất vả, và để chuẩn bị cho một năm mới lao động hăng say và hiệu quả hơn.