Thứ Hai, 21 tháng 1, 2019

Làm lãnh đạo doanh nghiệp mà học được HLV Park Hang-Seo cách quản lý đội bóng như thế này đảm bảo kinh doanh gì cũng thắng

Đây là những điều mà những ai làm lãnh đạo cần học hỏi từ HLV Park Hang-seo.


Sau một buổi tập, ông thường tổng kết lại kết quả buổi tối tập hôm đó, không ít lần ông gọi một vài cầu thủ bị tuột dây giày nhắc nhở, ông nói cho họ biết rằng khi bạn đang cúi đầu buộc dây thì đồng đội lại phải chơi bóng với 10 người. Một buổi tập trên sân Thường Thục, khi thấy dây giày của Hà Đức Chinh bị rút ra, ông nghiêm khắc nhắc nhở, Chinh nhăn nhó: anh Trường tháo dây giày của con. Xuân Trường và các cầu thủ biết ông yêu cầu rất khắt khe và nghiêm khắc nên đã lén tháo dây giày của Đức Chinh thử xem như thế nào.

Không chỉ chuyện tuột dây giày, khi thấy đa số các cầu thủ đều phải dùng tay vò những đôi tất mới, ông lập tức yêu cầu bộ phận trang bị phát tất thi đấu sớm hơn để cầu thủ quen với đồ thi đấu.

Ở Việt Nam, các cầu thủ thường có thói quen đi vớ một màu và vớ trên một màu khác. Đây là điều phạm qui khi thi đấu ở nước ngoài mặc dù trong nước thì có thể bỏ qua. Trước ngày sang Trung Quốc một tuần, ông tiến hành thiết quân luật chuyện giày dép bằng cách đưa ra qui định vớ trên và vớ dưới nhất thiết phải đồng màu. Cầu thủ không quen lắm nhưng họ chấp hành nghiêm chỉnh.

Trong đợt tập huấn ở Thái Lan, hai trung vệ chúng ta té ngã rất nhiều lần, và lý do chính là vì những đôi giày họ đi không đủ độ bám cần thiết cho những sân trơn trượt do thường các sân sẽ được phun nước trước khi trận đấu diễn ra. Trong lịch sử không ít bàn thua của đội tuyển Việt Nam đều do trượt chân của các trung vệ. Quán triệt việc này, ông yêu cầu cầu thủ phải tìm mọi cách tự trang bị cho mình.

Không chỉ với cầu thủ, ông cũng yêu cầu đội ngũ y tế phải xử lý nhanh nhất cho cầu thủ bị chấn thương để họ có thể vào sân ngay tức thì, chính chúng ta đã phải trả giá và điều này ở các đời huấn luyện viên không lâu trước đó. Ông rà soát cụ thể từng tình huống xử lý chấn thương và ra hiệu cho bác sĩ chỉ vào sân khi ông đồng ý. Và rất lạ là…có trường hợp ông yêu cầu phải vào rất nhanh, nhưng cũng có trường hợp thì cứ từ từ mà vào, vì đó là chiêu của ông.

Muốn dùng người phải hiểu rõ về họ

Một ngày nọ ở đội tuyển, lệnh cấm chơi game quá 2 tiếng đồng hồ được chính thức HLV Park thông báo trước toàn đội. Cả đội mới ngớ người ra, sao ông lại biết mà cấm.

Hai tháng cùng ăn ở với cầu thủ, HLV Park Hang Seo hiểu rõ từng cầu thủ trong lòng bàn tay. Buổi tối, cứ 10 giờ là ông đi một vòng, nhiều khi vào phòng cầu thủ một cách rất bất thình lình mà họ không ngờ tới. Có khi chỉ cần ghé tai vào phòng là ông biết cầu thủ trong đó đang làm gi. Nhờ sự gắn bó cùng ăn cùng ở với cầu thủ mà ông biết au là cầu thủ mê chơi game nhất, ai là siêu game nhất, ai đi xuống phòng thể lực tập thêm, ai đọc sách, ai hay chat face.

Không chỉ là sinh hoạt của cầu thủ khi vào giải, ông cũng rất hay có mặt ở phòng y tế để nắm bắt tình hình chung cũng như sức khỏe cầu thủ. Thấy cầu thủ ngày nào cũng có mặt, ông hỏi thăm đau ở đâu, đau bao lâu. Kinh nghiệm chơi bóng và 30 năm làm huấn luyện viên giúp ông hiểu rằng phong độ và chấn thương của cầu thủ đó ở mức độ nào. Thời kỳ đầu thì ông rất chú ý đến báo cáo chăm sóc y tế hằng ngày của bác sĩ Nguyễn Trọng Thủy, tuy nhiên sau này thì ông chỉ lướt qua, có lẽ giờ thì ông cũng đã nắm bắt quá rõ về tình hình chấn thương.

Có bữa tôi sang phòng y tế, thấy ông đang nằm gác đầu lên đùi Đình Trọng để xem tin tức. Thực ra, đây là cách giám sát, những cũng là cách giao tiếp hữu hiệu nhất với cầu thủ để nắm bắt tâm tư, tính cách và tâm lý từng người. Trong lúc vui đùa, ông hỏi vài cầu thủ tiền đạo đã "ăn đòn" của hậu vệ nào ở V.League thì họ đều chỉ sang Trọng. Ông nói với Trọng, chơi mạnh mẽ là tốt chứ phạm lỗi là không được nhé. Ông hiểu trọng là một cầu thủ mạnh mẽ và cứng rắn biết chừng nào. Cả giải đấu, ông không thay Trọng vì ông biết rõ năng lực cậu ấy.

Không chỉ thế, ông còn biết chính xác cầu thủ nào hoàn cảnh gia đình ra sao, sinh hoạt thế nào. Bất cứ khi nào có thời gian và dù ở trên xe buýt, ở sân bay hay trong phòng ăn, ông đều hỏi han các cầu thủ. Ông hỏi Đức Chinh một năm về nhà mấy lần, hỏi Văn Hậu lương một tháng được bao nhiêu, hỏi Văn Hoàng ngán nhất tiền đạo nào trên sân, v.v.. Những thông tin đó đã giúp ông rất nhiều trong việc bố trí đội hình.



Thích ứng và thay đổi dần

Biết không thể thay đổi thể lực trong thời gian ngắn, ông tìm cách khác. Thấy thân trên các cầu thủ Việt khá mỏng, ông yêu cầu VFF mở cửa phòng tập gym vào mỗi buổi tối. Mỗi buổi tập thể lực, chủ yếu cho phần thân trên và cơ bắp khoảng 30 phút đều đặn nhưng các cầu thủ cũng thở không ra hơi. Để có thể tì đè với các cầu thủ Hàn Quốc hay Tây Á, Úc, thân trên của cầu thủ Việt cần phải được cải thiện là lý do đó. Có đủ sức mạnh cơ bắp ở tay, ở vai thì cầu thủ mới có đủ tự tin để tranh chấp bóng tay đôi với họ. Riêng các cầu thủ Gia Lai, thậm chí một số cầu thủ còn bị ông kéo ở lại tập thêm một vài động tác. Ngoài thân trên, các động tác bổ trợ cho cầu thủ bóng đá như sức mạnh cổ chân, sức mạnh của cơ bụng cũng được ông rất chú ý thực hiện.

Trong việc nâng cao thể lực thì khẩu phần ăn là điều vô cùng quan trọng, biết vậy nhưng ông cũng không yêu cầu thay đổi về khẩu phần ăn mà chỉ bổ sung thêm, ông muốn các cầu thủ ăn uống theo thói quen xưa nay, tránh bị sốc. Ông là người đã từng trải nghiệm câu chuyện huyền thoại bóng đá Hàn Quốc Cha Bum Kun quyết tâm thay đổi khẩu phần ăn của cầu thủ CLB Chonbuk mà ông huấn luyện và kết quả là một sự xáo trộn rất lớn trong đội bóng.

Thỉnh thoảng thấy những bữa ăn thiếu dinh dưỡng cần thiết hoặc quá chán vì khẩu vị quá quen thuộc, ông đề nghị cho đội ăn ngoài. Biết với cầu thủ bóng đá, ăn uống liên quan trực tiếp đến hồi phục thể lực nhanh nhất, các món ăn như thịt bò, thịt nướng được ông khuyến nghị bổ sung cho cầu thủ. Ông chính là người đã lên tiếng trực tiếp với Phó Chủ tịch VFF để can thiệp chuyện ăn uống của cầu thủ khi thấy nhiều bữa ăn cầu thủ bỏ bữa vì ăn không hết.

Cầu thủ Việt có thói quen chỉ ăn những thứ gì mình thích, còn món đó có tốt cho việc hồi phục thể lực hay không thì họ không quan tâm lắm. Nhiều bữa ăn thấy ông đi lòng vòng, hỏi tại sao không ăn cái này, tại sao không ăn cái kia, đó là những cách nhắc nhở cho các cầu thủ thay đổi dần thói quen ăn uống cho phù hợp với thể chất của một cầu thủ chơi bóng đá.

* Nội dung trích từ cuốn sách "Phong cách quản trị Park Hang-seo: Bí quyết thành công của doanh nghiệp Hàn Quốc" của tác giả Lê Huy Khoa Kanata.