Thứ Hai, 21 tháng 1, 2019

Kem và sữa chua "bán ế" kéo lợi nhuận Kido bốc hơi 70%

Trong quý 4, doanh thu của Kido tiếp tục giảm và lợi nhuận chỉ tăng so với cùng kỳ năm trước nhờ khoản doanh thu tài chính khi hợp nhất báo cáo tài chính Golden Hope Nhà Bè.



Tập đoàn Kido vừa công bố kết quả kinh doanh quý 4/2018 với doanh thu thuần đạt 1.895 tỷ đồng. So với cùng kỳ năm trước, doanh thu Kido giảm khoảng 2,3% do mảng kem và sữa chua làm ăn sa sút.

Trong khi doanh thu giảm, giá vốn của Kido lại tăng 5%. Điều này khiến biên lợi nhuận mỏng đi và công ty chỉ còn lãi gộp 254 tỷ đồng, giảm 33% so với cùng kỳ.

Tuy mảng kinh doanh chính kém hiệu quả, nhưng nhờ có khoản doanh thu tài chính lớn, lên tới 92 tỷ đồng, nên Kido vẫn báo lãi trước thuế cao gấp hơn 2 lần cùng kỳ.

Theo lý giải của Kido, khoản doanh thu tài chính này đến từ việc đánh giá lại khoản đầu tư tương ứng với 49% cổ phần sở hữu của Vocarimex tại Công ty Dầu ăn Golden Hope Nhà Bè khi thực hiện việc hợp nhất báo cáo tài chính theo chuẩn mực kế toán Việt Nam. Kido đã hoàn tất thâu tóm Golden Hope Nhà Bè từ cuối tháng 11/2018 và gián tiếp sở hữu 100% doanh nghiệp này.

Như vậy, kết thúc năm 2018, Kido đạt doanh thu thuần hơn 7.600 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 200 tỷ đồng. Trong khi doanh thu tăng trưởng hơn 8% thì lợi nhuận lại giảm tới 70%.

Kết quả này khiến Kido không hoàn thành chỉ tiêu được đại hội cổ đông đề ra hồi đầu năm ngoái, là 12.000 tỷ đồng doanh thu và 800 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế.



Năm 2018, doanh thu Kido tăng nhưng lợi nhuận giảm mạnh. Công ty không hoàn thành kế hoạch của ĐHCĐ đề ra

Việc Kido không hoàn thành kế hoạch vốn đã được các công ty chứng khoán dự báo từ trước, trong bối cảnh mảng kem và sữa chua kinh doanh kém hiệu quả. Trong một báo cáo hồi giữa năm ngoái, Công ty chứng khoán HSC đã nhận định rằng, Kido có có danh mục sản phẩm hấp dẫn trải rộng từ kem & sữa chua cho đến dầu ăn và một số thực phẩm đông lạnh và thực phẩm khô mới. Kido cũng có chiến lược hợp lý khi mở rộng ra mảng sản phẩm đông lạnh, sản phẩm mát như bánh bao và thịt chế biến, tiếp đến là nước sốt và đường trong mảng gia vị đến các thực phẩm đóng hộp khác như mỳ ăn liền, trả và sữa.

Thế nhưng, HSC cho rằng Kido cần tập trung hơn vào việc giữ thị phần ở mảng kém với áp lực cạnh tranh ngày càng tăng, đặc biệt là từ các công ty đa quốc gia. Nếu không thể giữ được thị phần ở mảng này, lợi nhuận của Kido trong ngắn hạn và trung hạn sẽ giảm.