Trong cuộc họp ngày 17/1, ông Vũ Văn Viện - Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho biết: "Chính phủ và Ủy ban ATGT Quốc gia đã có chỉ đạo kiểm tra toàn diện sức khỏe đối với lái xe. Thực tế là từ trước tới nay các DN vẫn yêu cầu lái xe kiểm tra sức khỏe định kỳ. Nhưng sau một số vụ TNGT thảm khốc vừa qua, chúng tôi đã chỉ đạo các DN phải tập trung rà soát, kiểm tra sức khỏe lái xe, đặc biệt là tập trung kiểm tra, phát hiện các trường hợp lái xe có sử dụng chất gây nghiện. Chúng tôi đang đôn đốc các DN, yêu cầu phải hoàn thành trước ngày 28/1".
Được biết, năm 2018 vừa qua, Bộ GTVT kết hợp với TP Hà Nội đã hoàn thành và đưa vào khai thác, sử dụng một số công trình kết cấu hạ tầng, góp phần nâng cao năng lực phục vụ giao thông của Thành phố. Bên cạnh đó, Hà Nội cũng đã cố gắng tổ chức giao thông hợp lý, giải quyết kịp thời những bất cập liên quan đến công tác hạ tầng, xử lý các điểm đen giao thông. Ngoài ra, Hà Nội cũng đã phát triển VTHKCC, góp phần giảm thiểu phương tiện giao thông cá nhân. Tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao ý thức chấp hành pháp luật khi tham gia giao thông. Tăng cường công tác xử lý vi phạm trật tự, ATGT.
Với những giải pháp quyết liệt và đồng bộ như trên, những năm qua, đặc biệt là năm 2018, Hà Nội đã giảm được nhiều điểm đen về UTGT, giảm TNGT trên cả 3 tiêu chí; đảm bảo trật tự, ATGT phục vụ nhân dân đi lại trên địa bàn TP, nhất là vào các dịp cao điểm như ngày lễ, Tết.
Ông Viện cho biết thêm, xây dựng, phát triển giao thông thông minh là một trong những yêu cầu trọng tâm của Hà Nội trong năm 2019. Để triển khai từng bước, Sở GTVT đang tập trung xây dựng trung tâm điều hành giao thông chung của Thành phố. Trên cơ sở đó, ngành GTVT Thủ đô được phân công một số nhiệm vụ phối hợp với FPT cung cấp bản đồ giao thông thực, trực tuyến cho người dân trong quý 1/2019; tăng cường kết nối hệ thống camera giám sát.
Thành phố cũng đã có chủ trương giao cho 12 quận nội thành đầu tư lắp đặt hệ thống camera giám sát đường phố, vừa để quản lý an ninh trật tự, vừa để phục vụ công tác điều hành, tổ chức, xử lý vi phạm giao thông; vừa để cung cấp thông tinh xây dựng bản đồ số giao thông của Hà Nội.
Bên cạnh đó, Sở GTVT cũng đã kiến nghị Bộ GTVT sớm xây dựng ứng dụng quản lý trực tuyến GPS của các loại hình xe kinh doanh vận tải. Hiện Tổng cục đường bộ Việt Nam đã có hệ thống quản lý rồi nhưng thường là hậu kiểm nên chưa ngăn chặn được kịp thời các vi phạm.
"Chúng tôi tin rằng nếu có ứng dụng quản lý trực tuyến sẽ kịp thời cảnh báo, ngăn chặn các vi phạm như: chạy quá tốc độ, chạy sai hành trình, xe dù bến cóc" - ông Viện khẳng định.
Được biết, hiện nay Sở GTVT đang tích cực triển khai các dự án giao thông trọng yếu như Vành đai 1, Vành đai 2 và Vành đai 3; cũng như một loạt các công trình kết nối giao thông giữa các khu đô thị, các khu trung tâm với ngoại thành.
Ông Viện chia sẻ thêm, để phục vụ nhân dân đi lại trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới, Thành ủy, HĐND, UBND TP đã có rất nhiều chỉ đạo đối với Sở GTVT cũng như các đơn vị, địa phương liên quan, triển khai sớm các kế hoạch đảm bảo trật tự, ATGT. Trong đó, ngành GTVT Thủ đô phải duy tu, duy trì, đảm bảo kết cấu hạ tầng giao thông đáp ứng lưu thông thuận lợi, an toàn nhất. Ngoài các biện pháp thường xuyên, hiện Sở GTVT đang thực hiện nâng cấp, cải tạo, mở rộng một số đoạn tuyến Vành đai 2 và 3. Đoạn tuyến Vành đai 3 dưới thấp từ Nghiêm Xuân Yên - Phạm Hùng dự kiến sẽ được hoàn thành cải tạo, đưa vào sử dụng trước ngày 25 tháng Chạp tới; đường Láng là trước ngày 28 tháng Chạp. Khi đưa vào khai thác, sử dụng, 2 đoạn tuyến nêu trên sẽ góp phần giải quyết rất nhiều nút thắt giao thông.
Theo dự kiến của Bộ GTVT, tuyến đường sắt đô thị số 2A Cát Linh – Hà Đông sẽ được đưa vào khai thác trong năm 2019. Để chuẩn bị cho việc này, Chính quyền Thành phố đã cho phép Sở GTVT triển khai một dự án kết nối hạ tầng, nhằm thuận lợi cho các phương tiện giao thông và người đi bộ dễ dàng tiếp cận với các điểm nhà ga của tuyến.
Sở GTVT cũng đã có phương án điều chỉnh hệ thống tuyến buýt cận kề khu vực này nhằm thu hút tối đa hành khách cho tuyến đường sắt đô thị 2A. Được biết, Sở GTVT đã phối hợp với Công ty TNHH MTV Đường sắt đô thị Hà Nội xây dựng quy chế quản lý nhằm vận hành tốt tuyến số 2A khi Bộ GTVT bàn giao về cho Hà Nội.
Đối với lĩnh vực xe buýt, năm 2018 đã triển khai được 14 tuyến mới. Năm 2019, Thành ủy, HĐND, UBND TP vẫn tiếp tục chỉ đạo mở rộng tối đa mạng lưới xe buýt để nâng cao chất lượng VTHKCC. Dự kiến, kế hoạch năm 2019, Hà Nội sẽ mở mới từ 15 - 20 tuyến xe buýt mới; trong đó có một số tuyến buýt gom sử dụng xe nhỏ để có thể đi vào các tuyến đường có mặt cắt nhỏ, thu hút nhiều hành khách hơn cho các tuyến buýt hiện có.
Với điều kiện hiện nay, đặc biệt là khu vực trung tâm không thể mở mới được các tuyến đường nên chúng ta phải chọn giải pháp mở rộng, cải tạo, nâng cấp các tuyến hiện có. Khi mở rộng đều phải xem xét toàn diện, tối đa để đảm bảo đủ diện tích cho cả người đi bộ lẫn lưu thông của các phương tiện. Một số vị trí bắt buộc phải xén vỉa hè, dải phân cách, nhưng cũng có những khu vực sẽ được xem xét mở rộng vỉa hè, đảm bảo cho người đi bộ tiếp cận tốt hệ thống VTHKCC.
Ông Viện nhấn mạnh: "Trước mắt cần khẩn trương tổ chức vận tải, phục vụ nhân dân dịp Tết. Đặc biệt là tổ chức kiểm tra an toàn kỹ thuật đối với phương tiện, khám sức khỏe người lái, làm sao đảm bảo tốt nhất năng lực phục vụ".