Meng Wanzhou (Mạnh Vãn Chu) – CFO đồng thời là con gái nhà sáng lập Huawei được nhìn thấy ra khỏi dinh thự trị giá 4,2 triệu USD của bà với chiếc vòng định vị GPS gắn ở cổ chân và bước lên chiếc xe SUV màu đen có tài xế riêng. Sau đó, bà được đi lại tự do, đến những cửa hàng và nhà hàng trong phạm vi gần 260 km2 của Vancouver và về nhà trước giờ giới nghiêm là 11 giờ đêm.
Thế là một ngày tại ngoại nữa của bà Mạnh lại trôi qua. Nhìn chung thì đó là một cuộc sống khá êm đềm, thoải mái đối với một người đang nằm giữa trung tâm của một "trò chơi vương quyền" đầy phức tạp.
Vụ bắt giữ bà Mạnh là theo chỉ đạo của phía Mỹ - đơn vị muốn dẫn độ bà này về Mỹ vì cáo buộc bà đứng đầu công ty có làm ăn bất chính, vi phạm lệnh cấm vận với Iran. Vụ việc đã gây chấn động dư luận, gây ảnh hưởng về mặt ngoại giao nghiêm trọng giữa các bên liên quan. 9 ngày sau vụ bắt giữ bà Mạnh tại Vancouver, Trung Quốc đã bắt 2 công dân Canada vì lo ngại an ninh quốc gia. Và rồi tuần này, tòa án Trung Quốc đã tuyên tử hình sau phiên tòa 1 ngày đối với một công dân Canada mắc tội buôn bán ma túy.
Vụ việc của bà Mạnh đến nay vẫn chưa rõ sẽ xử lý ra sao và kết quả thế nào mặc dù bà đang trở thành một chủ đề gây chú ý ở thành phố nơi gia đình bà sở hữu tới 2 dinh thự. Hiện tại bà đang tận hưởng khoảng thời gian rảnh rỗi của mình khi không phải điều hành hoạt động tài chính của Huawei. Các khách du lịch thậm chí còn dừng lại chụp ảnh bên ngoài căn nhà rộng gần 2.000 mẫu của bà.
Điều kiện tại ngoại của bà Mạnh gồm có chiếc vòng định vị GPS đeo ở cổ chân, giờ giới nghiêm là 11 giờ đêm tới 6 giờ sáng hôm sau và một sự giám sát 24 giờ bởi công ty bảo vệ tư nhân. Công việc của những vệ sỹ là đảm bảo làm sao bà Mạnh không vi phạm các điều kiện được tại ngoại. Được biết, bà Mạnh phải chi trả toàn bộ chi phí giám sát bao giồm 2 người bảo vệ và 1 lái xe.
"Nếu tôi đoán không nhầm, chi phí khoảng 7.000 USD mỗi ngày" tức là hơn 2,5 triệu USD một năm, Nicholas Casale - một cựu cảnh sát nói. Chưa kể đến khoản tiền bảo lãnh tới 7,5 triệu USD bà Mạnh phải trả trước đó. Tuy nhiên đổi lại, theo đánh giá của Casale thì bà Mạnh được hưởng một cuộc sống sau khi tại ngoại khá thoải mái so với những trường hợp thông thường. Nếu là người khác họ sẽ chịu nhiều giới hạn hơn về phạm vi đi lại cũng như những người được quyền giao tiếp nói chuyện "Bạn không thể chỉ đi ăn tối và mua sắm được".
1 chiếc còng, 2 số phận
Điều kiện của bà Mạnh khi bị giam lỏng trái ngược hoàn toàn so với một lãnh đạo tập đoàn khác là cựu CEO Nissan Carlos Ghosn – người bị tòa án Tokyo bắt giữ trước bà vài ngày. Xuất hiện trước tòa vào tuần trước, ông này phải đeo còng số 8, chân đi dép nhựa và dây thừng trói quanh thắt lưng. Bà Mạnh cũng có điều kiện tốt hơn 2 người Canada bị bắt giữ ở Trung Quốc khác - đến lãnh sự quán cũng không thể tiếp cận được.
Điều đó không ngăn việc đại diện Trung Quốc đến Canada để lên tiếng về cách đối xử của nước này với bà Mạnh. Trên bài báo xuất hiện trên tờ Ottawa tuần trước, Đại sứ Lu Shaye đã thẳng thắng nói về "sự ích kỷ của người phương tây" và "tư duy da trắng thượng đẳng" đối với những người chỉ trích Trung Quốc về việc bắt giữ công dân Canada.
"Liệu họ có cho thấy bất cứ lo ngại nào đối với bà Mạnh sau khi bà ấy bị bắt giữ trái pháp luật và mất quyền tự do hay không", Lu nói.
Lu cũng nói với tờ báo này rằng bà Mạnh vô tội và đây chỉ là "trò chơi chính trị". Ông cũng khẳng định rằng việc bắt giữ công dân Canada không phải là hành động trả đũa.
Bà Mạnh, 46 tuổi được nhìn thấy đeo chiếc túi Hermes thủ công và chiếc ví Bottega Veneta lần đầu tiên xuất hiện khi tại ngoại tại Vancouver vào ngày 12/12. Dinh thự trị giá 16,3 triệu đôla Canada gần Vancouver của bà đang được sửa chữa nhưng cánh phóng viên đã thấy những chiếc xe tải chở đầy quần áo thiết kế của những thương hiệu cao cấp đậu ở phía ngoài. Các vệ sỹ nói rằng bà Mạnh muốn chuyển tới đây sống khi hoàn thành việc sửa chữa và nếu thật như vậy, bà Mạnh sẽ sống cách Đại sứ quán Mỹ tại Canada chỉ vài căn nhà.
Để tìm hiểu được chi tiết cuộc sống hàng ngày của bà Mạnh là không hề dễ dàng – các bảo vệ luôn xuất hiện để tránh sự soi mói của truyền thông. Khi phóng viên tờ Bloomberg đỗ xe ở đường gần nhà bà Mạnh vào tuần trước, một bảo vệ đã ngay lập tức chụp lại biển số xe còn một người khác lái chiếc xe SUV tới trước để chắn tầm nhìn.
Khi bà Mạnh đi ra khỏi căn nhà với chiếc áo khoác Luluemon, bảo vệ bắt đầu gây sự với các phóng viên và sau đó thừa nhận rằng họ đang muốn đuổi các phóng viên đi.
Tuy nhiên, cuộc sống tưởng chừng như thoải mái đó không thể làm quên đi tương lai phía trước khá ảm đạm của bà Mạnh: Quy trình xét xử bà có thể kéo dài trong nhiều tháng và thậm chí nhiều năm. Và trường hợp xấu nhất là cuối cùng bà ấy vẫn bị dẫn độ về Mỹ.
"Trong trường hợp này nhiều khả năng vẫn là dẫn độ, dẫn độ, dẫn độ", theo Robert Curries – chuyên gia tại Đại học Dalhousie tại Halifax, Nova Scotia. Luật dẫn độ của Canada "không công bằng và nó nhận rất nhiều chỉ trích, bao gồm cả tôi".
Về phía bà Mạnh, bà tỏ ra không mấy bận tâm về vấn đề xét xử mà chia sẻ rằng đang nghĩ tới việc nộp hồ sơ xin học Tiến sỹ trong thời gian rảnh.
"Tôi đã làm việc chăm chỉ trong suốt 25 năm qua. Chính vì vậy khi được tại ngoại, tôi chỉ muốn giành thời gian cho chồng và các con. Nhiều năm nay tôi đã chẳng thể đọc được bất kỳ cuốn tiểu thuyết nào", bà Mạnh chia sẻ tại phiên tòa vào tháng 12.