Trong một cuộc phỏng vấn hiếm hoi với truyền thông Nhật Bản ngày 18/1 vừa qua, nhà sáng lập kiêm CEO Nhậm Chính Phi cho biết Huawei Technologies sẽ bảo vệ mình bằng cách tự sản xuất linh kiện công nghệ cao nếu Mỹ cấm các doanh nghiệp nước này bán linh kiện cho họ.
Trả lời câu hỏi của Nikkei về đề xuất của các nhà lập pháp quốc hội nhằm hạn chế việc bán chip và linh kiện của Mỹ cho một số công ty Trung Quốc (trong đó có Huawei và nhà sản xuất thiết bị viễn thông ZTE, đơn vị đã vi phạm lệnh cấm vận khi bán sản phẩm công nghệ của Mỹ cho Iran và Triều Tiên), ông Nhậm nói: "Huawei sẽ không giống trường hợp của ZTE. Lệnh cấm của Mỹ có thể ảnh hưởng đến Huawei nhưng tác động sẽ không đáng kể".
Tại một cuộc họp khác diễn ra ở văn phòng công ty tại thành phố Thâm Quyến, vị CEO 74 tuổi phát biểu: "Nếu Washington leo thang đàn áp công ty bằng cách đó, chúng tôi sẽ tự sản xuất các sản phẩm thay thế".
Huawei đang rót hàng tỷ USD nghiên cứu và phát triển bộ phận sản xuất chip để giảm bớt sự phụ thuộc vào nhà cung cấp nước ngoài bao gồm các công ty của Mỹ như Intel, Nvidia và Qualcomm. Đầu năm nay, công ty đã giới thiệu một bộ chip dành cho máy chủ của trung tâm dữ liệu được cho là có khả năng cạnh tranh với sản phẩm của Intel.
Ngoài ra, ông Nhậm cho biết mình đã rất bất ngờ bởi vụ bắt giữ con gái của ông ở Canada, CFO Mạnh Vãn Châu do nghi ngờ giao dịch với Iran. Ông từ chối bình luận thêm về cuộc điều tra đang diễn ra.
Đây cũng là lần đầu tiên ông Nhậm tiết lộ Mạnh Vãn Châu sẽ không thay ông lãnh đạo Huawei. Từ lâu bà Mạnh, người bị bắt cách đây không lâu vì cáo buộc liên quan đến lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Iran, vẫn được cho là sẽ trở thành người điều hành tập đoàn do cha mình sáng lập.
Ông nói: "Người kế vị của tôi chắc chắn không phải là Mạnh Vãn Châu và cần có nền tảng kỹ thuật chắc chắn, có cái nhìn sâu sắc về thị trường, tư duy chiến lược cũng như có kiến thức sâu rộng về xã hội học và triết học. Trong khi đó, điểm mạnh của Mạnh là kỹ năng giao tiếp và quản lý. Người kế vị tôi sẽ không phải một người mà là một nhóm người".
Khi được hỏi phản ứng của Huawei nếu được chính phủ Trung Quốc yêu cầu tiết lộ thông tin nhạy cảm của khách hàng, ông trả lời: "Trong hơn 30 năm qua, chúng tôi chưa từng gặp vấn đề về an toàn dữ liệu. Nếu được yêu cầu đưa ra thông tin có thể gây tổn hại đến khách hàng, Huawei sẽ từ chối".
Ông Nhậm là cựu kỹ sư của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc. Năm 1987, ông thành lập Huawei với số vốn ban đầu 3.000 USD tại Thâm Quyến. Kể từ đó, công ty đã phát triển thành nhà cung cấp thiết bị viễn thông lớn nhất và nhà cung cấp smartphone lớn thứ hai thế giới.
Tuy nhiên, thời gian qua là giai đoạn sóng gió của Huawei khi bị chính phủ Mỹ điều tra về cáo buộc đánh cắp bí mật thương mại từ nhà cung cấp dịch vụ điện thoại di động Mỹ T-mobile. Mới đây, trường Đại học Oxford cho biết họ sẽ ngừng chấp nhận tài trợ hay quỹ nghiên cứu của Huawei do lo ngại về an ninh quốc gia.
Mặc dù vậy, nhà sáng lập Huawei vẫn tỏ ra khá lạc quan và cho biết hãng có thể duy trì tăng trưởng trong năm 2019. Bên cạnh đó, ông Nhậm tiết lộ công ty đã mua linh kiện trị giá 6,6 tỷ USD từ các công ty Nhật Bản trong năm ngoái. Ông ước tính tổng lượng mua sắm trong giai đoạn từ 2019 đến 2023 của Huawei sẽ vượt quá con số 50 tỷ USD.