Tài sản của những người giàu có nhất thế giới tăng trung bình 2,5 tỷ USD mỗi ngày trong khi giá trị tài sản ròng của một nửa dân số nghèo nhất trên toàn cầu đang ngày một suy giảm. Cụ thể, giới siêu giàu có tài sản tăng 12% còn một nửa người nghèo nhất lại giảm tài sản với tỷ lệ tương đương 11%.
Theo báo cáo do Oxfam International công bố ngày 21/1, các tỷ phú hàng đầu đang sở hữu nhiều của cải hơn bao giờ hết. Kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu cách đây một thập kỷ, số lượng tỷ phú đã tăng gần gấp đôi đạt mức 2.208 tỷ phú ở thời điểm hiện tại. Oxfam ước tính cứ hai ngày, thế giới lại có thêm một tỷ phú mới. Trong khi đó, mức thuế áp dụng cho những cá nhân này lại giảm đến mức thấp nhất trong nhiều thập kỷ qua.
Đây là nghiên cứu tiến hành hàng năm và được công bố ngay trước thềm Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Davos, Thụy Sỹ năm nay với sự tham gia của một số tỷ phú và nhân vật có ảnh hưởng nhất trên thế giới. Mục đích của bản báo cáo dài 106 trang của Oxfam là kêu gọi sự quan tâm đến vấn đề khoảng cách giàu nghèo ngày càng tăng. Trong năm ngoái, 26 người giàu nhất sở hữu số tiền bằng tổng tài sản của 3,8 tỷ người nghèo nhất.
Theo danh sách tỷ phú của tạp chí Forbes, hầu hết những người giàu có này đều đến từ Mỹ. Một số cái tên nổi bật có thể kể đến là ông chủ Amazon Jeff Bezos, nhà đồng sáng lập Microsoft Bill Gates, tỷ phú Warren Buffett của tập đoàn Berkshire Hathaway và CEO Facebook Mark Zuckerberg – những người có tổng tài sản lên tới 357 tỷ USD.
Khoảng cách giàu nghèo trên thế giới đang ngày một gia tăng.
Oxfam khuyến nghị các quốc gia đánh thuế tài sản ở mức công bằng hơn, tăng tỷ lệ thuế thu nhập cá nhân và thuế doanh nghiệp đồng thời ngăn chặn tình trạng tránh thuế của các công ty và giới siêu giàu.
Bên cạnh đó, Oxfam còn ủng hộ việc cung cấp dịch vụ miễn phí trong các lĩnh vực quan trọng như chăm sóc sức khỏe, giáo dục. Một số dịch vụ công cần được đầu tư nhiều hơn là điện nước và chăm sóc trẻ em để giải phóng thời gian cho phụ nữ và hạn chế số giờ làm việc không được trả lương của họ. Đồng thời, các nước cũng cần chú trọng hơn đến hai đối tượng này để đảm bảo họ được đối xử công bằng và hưởng lợi.
Theo báo cáo, có khoảng 10.000 người tử vong mỗi ngày vì không tiếp cận được với dịch vụ y tế giá cả phải chăng. Trẻ em dưới năm tuổi ở các nước đang phát triển có nguy cơ tử vong cao gấp đôi nếu chúng đến từ một gia đình nghèo. Tăng 0,5% thuế tài sản với đối tượng 1% người giàu nhất thế giới sẽ tạo ra đủ chi phí giáo dục cho 262 triệu trẻ em cũng như cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe giúp cứu sống 3,3 triệu người.
Paul O'Brien, Phó chủ tịch chính sách của Oxfam tại Mỹ cho biết: "Sẽ có những cuộc đối thoại công khai ngày càng rộng rãi hơn không chỉ ở Mỹ mà còn trên toàn cầu về một hệ thống thuế công bằng và hiệu quả hơn trong tương lai gần".
Nhà hoạt động xã hội và chính trị gia Alexandria Ocasio-Cortez đến từ New York thậm chí còn đề xuất đánh thuế những người giàu tới 70% để tài trợ cho kế hoach thay đổi khí hậu mang tên "Green New Deal" mà cô hỗ trợ phát triển. Ngoài ra, một nhóm các nhà lập pháp cũng đang hoạt động tích cực để tăng thêm số lượng người Mỹ được hưởng bảo hiểm y tế.