Thứ Năm, 30 tháng 8, 2018

Áp khuyến mại không quá 20%, nhà mạng kêu khách hàng tiêu dùng sụt giảm

Các mạng di động cho biết sau khi áp dụng chính sách khuyến mại không quá 20% cho thuê bao trả trước nạp thẻ đã thay đổi hành vi tiêu dùng của khách hàng khá mạnh. Hiện khách hàng sử dụng dịch vụ hạn chế hơn nên đã tác động đến doanh thu và lợi nhuận của các nhà mạng sụt giảm.






Siết khuyến mại để chặn SIM rác, tin nhắn rác


Ngày 29/12/2017, Thông tư 47 được ban hành quy định về hạn mức khuyến mại đối với các nhà mạng không được khuyến mại vượt quá 20% giá trị thẻ cào cho các thuê bao trả trước. Sở dĩ Bộ TT&TT đặt hạn mức khuyến mại này để quản lý chặt chẽ hơn các thuê bao di động trả trước. Từ năm 2016, Chính phủ đã chỉ đạo yêu cầu Bộ TT&TT có giải pháp bảo đảm an toàn thông tin cá nhân của người sử dụng dịch vụ trên mạng, tăng cường công tác quản lý thuê bao di động trả trước. Năm 2017, Chính phủ tiếp tục yêu cầu Bộ TT&TT “có giải pháp quyết liệt, hiệu quả hơn nữa trong việc ngăn chặn, xử lý tin nhắn rác, hệ lụy tin nhắn rác, thu hồi SIM kích hoạt sẵn; có cơ chế, chính sách để thúc đẩy phát triển thuê bao di động trả sau”.


Bộ TT&TT cho biết, trên thực tế, doanh nghiệp di động vẫn tiếp tục đua nhau thu hút thuê bao trả trước đăng ký mới bằng cách liên tục đưa ra các chương trình khuyến mại cho thuê bao trả trước để cạnh tranh không lành mạnh, buông lỏng quản lý đăng ký thông tin thuê bao nên hiện tượng lợi dụng đăng ký thuê bao trả trước để nhắn tin quảng cáo, đe dọa, nhắn tin độc hại vẫn xuất hiện tràn lan. Vì vậy, lượng tin nhắn rác phát sinh từ thuê bao trả trước đăng ký mới vẫn lớn hơn so với số tin nhắn rác, cuộc gọi rác được các cơ quan liên quan xử lý chặn lọc được. Trong khi đó, thuê bao trả sau là nhóm khách hàng sử dụng dịch vụ lâu dài, cung cấp đầy đủ thông tin cho nhà mạng khi đăng ký dịch vụ lại rất ít được hưởng chính sách khuyến mại.


Đối với thuê bao trả trước, do không phải cung cấp nhiều thông tin cá nhân khi đăng ký thuê bao, thậm chí có thể mua SIM trả trước mà không phải xuất trình giấy tờ cá nhân, được nhà mạng khuyến mại nhiều nên nhiều thuê bao đã lợi dụng đăng ký thuê bao trả trước để phát tán tin nhắn rác, cuộc gọi rác, tin nhắn quảng cáo, tin nhắn lừa đảo, tin nhắn có nội dung độc hại, gây bức xúc lớn đối với người sử dụng dịch vụ, ảnh hưởng đến an toàn, an ninh xã hội. Thực tế quản lý cho thấy nguồn tin nhắn rác, cuộc gọi rác, tin nhắn đe dọa, lừa đảo đều xuất phát từ các thuê bao trả trước và rất khó truy xuất danh tính thuê bao vì thông tin cá nhân mà nhà mạng đang lưu trữ không chính xác hoặc không đầy đủ.


Bộ TT&TT cho biết, để bảo đảm quyền lợi và thúc đẩy phát triển thuê bao trả sau, hạn chế cuộc gọi rác, tin nhắn rác, Bộ đã ra Thông tư số 47/2017/TT-BTTTT ngày 29/12/2017 quy định hạn mức khuyến mại đối với dịch vụ thông tin di động mặt đất được ban hành trên tinh thần bảo đảm cạnh tranh lành mạnh trên thị trường dịch vụ thông tin di động, bảo đảm an toàn, an ninh xã hội, bảo đảm quyền lợi của khách hàng sử dụng dịch vụ. Nếu thuê bao trả trước chuyển sang thuê bao trả sau vẫn được hưởng mức khuyến mại không quá 50% giá trị thẻ nạp.


Nhà mạng kêu doanh thu và lợi nhuận sụt giảm


Sau khi áp dụng chính sách này cả 3 nhà mạng lớn là Viettel, VinaPhone và MobiFone cho biết, chính sách không tác động nhiều đến việc phát triển thuê bao trả sau. Trong khi đó, hành vi tiêu dùng của các thuê bao di động trả trước (chiếm khoảng 95% số thuê bao di động của Việt Nam) sụt giảm. Đại diện VinaPhone cho hay, trước đây khách hàng chờ đến ngày khuyến mại 50% thẻ nạp để đi nạp thẻ thì hiện nay khách hàng gần như không còn tâm lý đó nữa, mà nạp dàn đều ra các ngày trong tháng khi mức khuyến mại 20% không còn làm họ "xúc động". Bên cạnh đó, khách hàng có tâm lý tiêu dùng ít đi và tính toán nhiều hơn khi không còn được khuyến mại 50% thẻ nạp. "Việc áp dụng chính sách này cũng làm cho VinaPhone khó đưa ra các chương trình khuyến mại linh hoạt khi mà mỗi đối tượng khách hàng cần mức khuyến mại khác nhau để kích cầu họ sử dụng dịch vụ", đại diện VinaPhone nói.


Đồng tình với quan điểm trên, đại diện MobiFone cho biết, sau khi áp dụng chính sách khuyến mại 20% giá trị thẻ nạp thì khách hàng đã thay đổi hẳn thói quen tiêu dùng. Theo thống kê của MobiFone khách hàng sử dụng dịch vụ giảm nhiều so với khi áp dụng chính sách khuyến mại 50%. Điều này khiến cho doanh thu của MobiFone bị ảnh hưởng.


Tương như MobiFone và VinaPhone, đại diện Viettel Telecom phân tích, theo lẽ thông thường là siết khuyến mại thì có thể doanh thu và lợi nhuận của nhà mạng sẽ tăng khi mà hành vi tiêu dùng của khách hàng không thay đổi. Thế nhưng, khi áp dụng chính sách khuyến mại thì hành vi tiêu dùng của khách hàng đã thay đổi mạnh và không còn sử dụng nhiều như trước. Điều này sẽ ảnh hưởng đến doanh thu và lợi nhuận của tất cả các nhà mạng. Đại diện Viettel cho rằng, cần phải phân tích được hành vi của khách hàng khi đưa ra các chính sách để vừa đem lại lợi ích cho khách hàng vừa tăng được doanh thu và lợi nhuận cho các nhà mạng.


Trong một bản báo cáo về tình hình pháp luật 6 tháng đầu năm 2018 của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đã phân tích, Thông tư số 47 quy định hạn mức khuyến mại đối với dịch vụ thông tin di động mặt đất trong đó quy định trình khuyến mại đối với dịch vụ của thuê bao di động trả trước không được vượt quá 20%. Quyết định này được giải thích là nhằm hạn chế thuê bao di động trả trước, giảm tình trạng SIM rác. Tuy nhiên, dường như không có đánh giá tác động nào về việc hiệu quả thực hiện các quy định này, cũng như có phân tích đầy đủ nào về việc có cần thiết phải áp dụng công cụ can thiệp vào cạnh tranh không trong khi nhiều biện pháp khác đã và đang được áp dụng ví dụ nhận diện định danh chủ SIM… trong đó rõ ràng quy định này đã gây nhiều khó khăn cho các nhà mạng trong việc phục vụ người tiêu dùng và về lâu dài sẽ cản trở sự gia nhập và chiếm lĩnh thị trường của các doanh nghiệp nhỏ. Đặc biệt, quy định trên đã lập tức ảnh hưởng trực tiếp tới lợi ích đáng kể của hàng triệu người tiêu dùng.


Vẫn theo bản báo cáo này thì trong Nghị định 81/2018/NĐ-CP ban hành ngày 22/5/2018 quy định trần khuyến mại ở mức 50% và mở ra ngoại lệ khuyến mại lên đến 100% khi doanh nghiệp khuyến mại theo chương trình của cơ quan Nhà nước chủ trì, hoặc trong các ngày nghỉ lễ và 30 ngày trước tết Âm lịch. Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho rằng quy định này vẫn ở mức "rụt rè" nhưng cũng giúp cho doanh nghiệp có thêm không gian cho các chương trình khuyến mại.