Thứ Sáu, 29 tháng 6, 2018

Thường xuyên nuôi 8.000 vịt sinh sản, bỏ túi 8 triệu đồng/ngày

Thường xuyên nuôi 8.000 vịt đẻ, mỗi ngày anh Năm đã khai thác được trên 5.000 vịt con bóc trứng, doanh thu hơn 25 triệu đồng, lợi nhuận đạt gần 8 triệu đồng/ngày.

Xuất lô vịt bóc trứng cho thương lái


Theo chân chị cán bộ khuyến nông cơ sở, đến thăm trang trại của gia đình anh Lưu Đức Năm ở thôn Cốc Khê, xã Ngũ Lão, huyện Kim Động, Hưng Yên, chúng tôi thật bất ngờ trước mô hình chăn nuôi vịt sinh sản, khá đơn giản mà hiệu quả siêu cao. Bởi chỉ có hơn 2 mẫu ao hồ mặt nước, với những dãy chuồng chăn nuôi lúp xúp dưới tán cây xanh bao quanh ao, và hơn 8.000 con vịt bầu lai Super, nhưng mỗi ngày anh Năm đã khai thác và xuất bán ra thị trường trên 5.000 vịt con bóc trứng (vịt mới nở).

Thấy có khách đến thăm trang trại, anh Năm đã bỏ dở bát cơm, đứng dậy pha chè và hào hứng khoe với chúng tôi: Từ đầu năm đến nay vịt giống bóc trứng rất được giá. Trung bình cứ 1.000 con vịt đẻ cho ấp nở, người chăn nuôi sẽ có lãi 800.000 - 1.000.000 đồng/ngày (tuỳ thời điểm). Hiện tại gia đình anh đang bán với giá 5.500 đồng/1 con vịt bóc trứng, cao gấp 3 - 4 lần so với cùng kỳ năm trước, đôi khi vẫn “cháy hàng”.


Tuy nhiên anh Năm vẫn còn đang lo lắng, vì cứ mỗi khi vịt con nước ta được giá (tháng 4 - 6), là vịt Trung Quốc lại tràn lậu sang bán phá giá, lúc đó những người nuôi vịt đẻ như anh rất dễ bị thua lỗ.


Nguyên nhân cơ bản là do người chăn nuôi trong nước vẫn còn ngộ nhận, vịt Trung Quốc giá rẻ, cùng giống, đôi khi con giống còn mập mạp hơn. Nhưng thật ra là quá đắt, bởi vịt Trung Quốc sau mua về nuôi rất chậm lớn, tỷ lệ chết cao. Chủ yếu do vận chuyển đường xa, không được ngừa vacxin phòng bệnh và xáo trộn về điều kiện sinh thái, nên vịt Trung Quốc đến tay người chăn nuôi nước ta, phải mất tối thiểu 18 - 24 tiếng. Trong khoảng thời gian này, con giống không thể chăm sóc, đã bị yếu đi nhiều, dấu hiệu dễ thấy nhất là mỏ vịt bị nhợt nhạt, mắt không tinh nhanh.


Riêng với các loại vịt ấp nở từ các cơ sở sản xuất trong nước, nhờ được chuyển tới người chăn nuôi sớm (dưới 12 tiếng), không bị xáo trộn về sinh thái, được vacxin phòng bệnh đầy đủ, con giống được chăm sóc kịp thời, nên nuôi nhanh lớn, tỷ lệ sống đạt cao.


Để từng bước đẩy lùi giống vịt con nhập lậu từ bên kia biên giới, anh Năm đề nghị các cơ quan nhà nước cần tăng cường tuyên truyền, nâng cao hiểu biết cho người chăn nuôi về chất lượng các giống vật nuôi nhập tiểu ngạch, trong đó có giống vịt con bóc trứng.


Bên cạnh đó, các gia đình chăn nuôi vịt đẻ ở nước ta cần tuân thủ chặt chẽ quy trình chăn nuôi an toàn sinh học. Ứng dụng nhanh các tiến bộ kỹ thuật chăn nuôi vào sản xuất, tiết kiệm chi phí vật tư, nâng cao chất lượng con giống, hạ giá thành sản phẩm.


Theo kinh nghiệm của anh Năm, để chăn nuôi vịt sinh sản đạt hiệu quả cao, con giống nuôi hậu bị phải được chăm sóc theo quy trình riêng, trong đó: Giai đoạn vịt 1 tháng tuổi cần cho ăn tốt, nhằm thúc cho con giống tăng trọng nhanh, trường mình, kháng bệnh tốt. Trong tháng thứ 2 chỉ cho ăn đủ để cơ thể vịt săn chắc, không sinh mỡ. Từ tháng thứ 3 - 5 cho ăn đói, nhằm rèn luyện sức dẻo dai cho con vịt. Sang tháng thứ 6 cần cho ăn đủ (220 - 230g cám/1 con/1 ngày), loại cám chuyên dùng cho vịt đẻ.


Trang trại nuôi vịt sinh sản của anh Năm


Chú ý, ngay từ tháng thứ 5, phải tăng thời lượng chiếu sáng cho vịt nuôi lên 16 - 18 tiếng/ngày. Khi vịt hậu bị đạt đủ đủ 6 tháng tuổi mới được cho đẻ trứng đưa vào lò ấp nở. Trước đó đàn vịt phải được phòng ngừa đủ 3 loại vắc xin tả, tụ huyết trùng và cúm gia cầm.


Trong quá trình vịt đẻ cần dừng tiêm phòng các loại vacxin. Vào những ngày thời tiết thay đổi, khi giao mùa, cần bổ sung kháng sinh phòng tả vào thức ăn hoặc nước uống. Sau uống kháng sinh có thể cho uống thêm thuốc giải độc gan. Cần theo dõi loại bỏ kịp thời các con vịt không đúng giống, sức khoẻ kém và đẻ ít.


Chỉ mua cám ăn cho vịt từ các nhà sản xuất có uy tín. Chuồng trại phải được rửa sạch ngày 3 lần và định kỳ tẩy trùng bằng formol hoặc vôi bột. Nước ao chăn thả vịt cũng phải đảm bảo vệ sinh, nên định kỳ thay mới nước. Khi thấy vịt kém ăn, dừng ăn, phải kiểm tra và xin tư vấn bác sĩ thú y ngay.


Bằng cách làm này, trang trại chăn nuôi vịt sinh sản của gia đình anh Năm, hàng chục năm nay không bị xảy ra dịch bệnh lớn. Con giống ra lò đến đâu được các thương lái đặt hàng bao tiêu hết ngay đến đó.

Bài học sâu sắc nhất trong nghề nuôi vịt đẻ của anh Năm là không kịp thời cho vịt uống nước điện giải Gluco và Vitamin C khi thời tiết nắng nóng kéo dài trên 37oC, đã làm cho cả đàn bị cắt trứng (mất khả năng sinh sản) do giảm sức chống chịu.

Theo Phương Nguyễn


Nông nghiệp Việt Nam