Theo CNN, World Cup 2018 chính là dịp để các nhà lãnh đạo thế giới công khai thực hiện chuyến thăm tới Nga. Hành động này không chỉ giúp ông Putin nâng cao vị thế mà còn biến Nga trở thành trung tâm của hành động địa chính trị.
Cụ thể, ngay trước trận đấu khai mạc World Cup 2018 giữa đội tuyển Nga và Ả Rập Xê-út vào ngày 14/6, Tổng thống Putin đã có màn tiếp đón nồng hậu đối với Thái tử Mohammed bin Salman. Dù Ả Rập Xê-út bị Nga đánh bại 5 – 0 ngay trong trận mở màn, nhưng cuộc gặp giữa ông Putin và Thái tử Salman chính là dịp để Nga - Ả Rập Xê-út khẳng định thêm mối quan hệ hợp tác bền vững giữa hai nước nhằm đẩy giá dầu thế giới tăng cao.
Tổng thống Nga Vladimir Putin và Thủ tướng Dmitry Medvedev trong buổi lễ khai mạc World Cup 2018.
Ngoài ra, Tổng thống Putin cũng sẽ đón tiếp Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in trong chuyến thăm 3 ngày tới Nga bắt đầu từ hôm nay (21/6). Nhiều khả năng hai nhà lãnh đạo Nga – Hàn sẽ thảo luận về những kết quả đạt được sau Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều giữa Tổng thống Donald Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong-un diễn ra ở Singapore vào ngày 12/6.Những "ưu ái" mà World Cup 2018 mang tới cho ông Putin tiếp tục được thể hiện trong tuần này khi Tổng thư ký Liên Hợp Quốc António Guterres tới Nga không chỉ để theo dõi trận đấu giữa Bồ Đào Nha và Ma rốc mà còn để gặp gỡ Tổng thống Putin.
Theo kế hoạch, ông Moon sẽ có bài phát biểu tại Duma quốc gia Nga và sau đó di chuyển tới thành phố phía nam Rostov để theo dõi trận đấu giữa Hàn Quốc và Mexico trong vòng bảng World Cup.
Một thời gian dài bị cô lập sau Thế vận hội mùa Đông Sochi
Thế vận hội mùa Đông Sochi là sự kiện giúp Nga tự tin quay trở lại trường quốc tế. Tuy nhiên, Nga lại rơi vào hai tình thế hoàn toàn khác nhau trong cùng năm 2014.
Cụ thể, trong thời gian diễn ra Olympic Sochi, Nga là thành viên của cộng đồng quốc tế. Nhưng chỉ sau vài ngày Olympic Sochi kết thúc và cũng là thời điểm lực lượng đặc nhiệm Nga chiếm giữ các tòa nhà chính phủ trên bán đảo Crimea thuộc Ukraine để mở đường cho người dân Crimea tổ chức cuộc trưng cầu dân ý sáp nhập vào Nga, Moscow bắt đầu rơi vào vòng trừng phạt liên tiếp của phương Tây.
Mối quan hệ giữa Nga và phương Tây cũng từ đó rơi vào bế tắc. Ngoài cuộc chiến ở Syria và miền đông Ukraine, những lời cáo buộc Nga là thủ phạm hoặc liên quan tới hàng loạt vụ việc như máy bay MH17 của hãng hàng không Malaysia Airlines rơi ở miền đông Ukraine, can thiệp bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016, và gần nhất là vụ hạ độc cha con cựu điệp viên hai mang Sergei Skripal ở thành phố Salisbury của Anh, càng làm xấu thêm mối quan hệ giữa Moscow và các nước phương Tây. Thậm chí, ngay trong lễ khai mạc World Cup 2018, các nhà lãnh đạo từ Mỹ và Tây Âu cũng quyết định không tới chia vui cùng Tổng thống Putin.
Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là các nhà lãnh đạo thế giới khác không tới Nga. Thực tế, theo FIFA, số lượng vé lớn nhất tới xem World Cup 2018 được bán bên ngoài lãnh thổ Nga lại là trên đất Mỹ. Sự hiện diện của hàng ngàn cổ động viên nước ngoài tới Nga theo dõi các trận đấu, ăn mừng, nhảy múa trên khắp đường phố Moscow và nhiều thành phố khác ở Nga đã gửi đi một thông điệp mạnh mẽ rằng: Nước Nga chào đón cả thế giới với vòng tay ấm áp và không có chuyện cô lập.
Thúc đẩy giải quyết đối nội
Chính nguồn thu từ World Cup 2018 sẽ giúp ông Putin giải quyết hàng loạt vấn đề quốc gia mà lâu nay vẫn bế tắc.
Ngay trong ngày đầu khai mạc World Cup, Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev đã ra thông báo thay đổi hệ thống lương hưu quốc gia cũng như dần nâng độ tuổi nghỉ hưu từ 55 lên 63 tuổi đối với nữ và từ 60 lên 65 tuổi đối với nam.
Tuy nhiên, chính tuyên bố của ông Medvedev lại là dịp để lãnh đạo phe đối lập Alexei Navalny lên tiếng kêu gọi tiến hành biểu tình ở 20 thành phố trên khắp nước Nga vào ngày 1/7 nhằm phản đối kế hoạch thay đổi hệ thống hưu trí.
Điều đáng nói, ông Navalny cũng nhấn mạnh lời kêu gọi tiến hành biểu tình vào ngày 1/7 tới sẽ chỉ được áp dụng tại các thành phố không đăng cai tổ chức những trận đấu World Cup.