Nghiên cứu của đại học Westminster cho thấy đàn ông có cơ thể đẹp thường nhìn nhận phụ nữ tệ hơn rất nhiều so với những người khác.
Nghiên cứu mới cho thấy những người đàn ông có thể hình đẹp, cơ bắp sáu múi thường có xu hướng phân biệt đối xử với phụ nữ dựa trên vẻ bề ngoài cũng như có khuynh hướng nhìn nhận về phụ nữ tệ hơn so với những người khác.
"Chúng tôi đã từng thực hiện các nghiên cứu trước đây và nhận thấy rằng những nam giới có vẻ ngoài mạnh khỏe, hình thể cơ bắp sẽ có khuynh hướng cho rằng phụ nữ có thân hình mảnh dẻ hấp dẫn hơn." Nhà nghiên cứu Viren Swarmi của đại học Westminster tại Anh Quốc cho biết.
Tâm lý phân biệt nhiều hơn về vẻ bề ngoài này được cho là sẽ dẫn đến cái nhìn tiêu cực của các nam giới mang thể hình đẹp đối với những người phụ nữ xung quanh anh ta. Đó có thể là đồng nghiệp nữ, bạn bè, người thân...
Không chỉ ảnh hưởng tới cái nhìn và đánh giá về những người phụ nữ xung quanh, tâm lý phân biệt, đánh giá thiên về vẻ bề ngoài còn ảnh hưởng tới chính sự nhìn nhận của nam giới về cơ thể mình khiến họ phải luôn cố gắng để đạt được một cơ thể cơ bắp nhằm tăng sự tự tin và cảm thấy hài lòng hơn với chính bản thân mình.
Nghiên cứu đã được Viren Swarm thực hiện dựa trên khảo sát từ nhóm 327 đàn ông tại Anh. Trong đó có 38,5% là đàn ông độc thân, 31,2% đang hẹn hò và 23,9% đã có gia đình (những người còn lại tự tích vào phần "tình trạng hôn nhân khác" trong list câu hỏi).
Bản nghiên cứu còn tập trung vào tìm hiểu tâm lý muốn cải thiện cơ thể của các ứng viên cùng thái độ của họ khi ứng xử với phụ nữ. Những câu trả lời nhận được từ các ứng viên nam có thể hình đẹp thường mang tính phân biệt đối xử khá nặng. Đơn cử như những câu trả lời dạng "Tôi cho rằng phụ nữ chỉ tán tỉnh rồi làm đàn ông bị tổn thương mà thôi." hay như "Phụ nữ chơi xấu nhau đáng sợ hơn so với đàn ông chơi xấu nhau rất nhiều."
"Chúng tôi tin rằng những người đàn ông, có suy nghĩ thiên về sự phân biệt giới tính, trọng nam khinh nữ sẽ có quan điểm khá truyền thống về vẻ đẹp của cơ thể như là cơ bắp cuồn cuộn, to cao..." Nhà nghiên cứu Swarmi cho biết.
Tuy nhiên, trong nghiên cứu của mình, Swarmi cũng đưa ra một giả thiết cho rằng có thể mối liên quan giữa tâm lý muốn cải thiện cơ thể trở nên cơ bắp hơn của nam giới không bị ảnh hưởng từ quan niệm của họ về hình thể, về sự đối xử với nữ giới mà nguyên nhân lại nằm ở các phương tiện truyền thông.
Việc các phương tiện truyền thông rao giảng quá nhiều về một body đẹp cần phải như thế nào sẽ tạo ra một hình mẫu về cái đẹp khá sâu trong tâm trí của chúng ta. Như vậy, tâm lý muốn tập luyện để có cơ thể 6 múi, cơ bắp không hẳn đến từ sự không tự tin vào vóc dáng mà lại đến từ chính sự giáo dục của các phương tiện truyền thông với tâm trí đàn ông nói chung trong xã hội.
Và nếu ý kiến phản biện này là đúng thì có thể kết luận rằng đàn ông sáu múi có thiên hướng nhìn nhận tệ hơn về phụ nữ trong nghiên cứu nói trên của đại học Westminster cũng chưa hoàn toàn là chính xác.