Thứ Sáu, 29 tháng 6, 2018

Cho vay tiền, tưởng dễ mà khó: 10 điều bạn cần khắc cốt ghi tâm để tránh cảnh khốn khổ, "đòi nợ mà như đi ăn xin"

Trong cuộc sống, chắc chắn sẽ có những trường hợp khẩn cấp bạn cần đến sự trợ giúp của người khác và ngược lại. Chuyện cho vay tiền cũng là điều có thể xảy ra hằng ngày. Tuy nhiên, hãy thật khôn ngoan trong vấn đề nhạy cảm này.





Tiền là thứ không thể thiếu trong xã hội ngày nay. Tiền cũng là thứ mà nhờ nó, chúng ta có thể nhìn thấu người cạnh mình. Khi mượn tiền, người ta có thể nhìn thấu lòng người; khi trả tiền, người ta có thể nhìn thấu nhân phẩm.


Một đời người, sẽ không tránh được những lúc cần kíp phải dùng đến tiền. Có thể cho bạn vay tiền vô điều kiện vào lúc bạn cần nhất, đó chính là quý nhân trong cuộc đời bạn. Và như vậy, hãy nhớ thật kỹ, đừng làm tổn thương người đã giúp bạn khi bạn cần giúp đỡ nhất.


Vay tiền, cảm giác đó thật đau!


Nhưng nếu thứ mà bạn muốn vay và sau đó được cho vay một cách vô điều kiện, đó không phải là tiền nữa, mà là sự tín nhiệm, là sự động viên cổ vũ.


Khi các thành viên trong gia đình hay bạn bè hỏi vay tiền, bạn chắc chắn cần xem xét thật kỹ lưỡng để tránh đưa mình vào các tình huống bất trắc không lường trước được. Dưới đây là một số lời khuyên khá hữu ích bạn nên cân nhắc trong vấn đề nhạy cảm này.


Không đụng đến tiền hưu trí


Hãy bảo vệ số tiền này như bảo vệ chính bản thân và gia đình mình vậy. Tuyệt đối không để bất kỳ ai đụng vào nó. Bạn không những có nguy cơ phải trả tiền phạt và lệ phí vì rút tiền tiết kiệm hưu trí quá sớm mà còn có thể gặp bất lợi khi mất đi các khoản lãi có thể phát sinh của các khoản tiết kiệm đó.


Không cho vay mạo hiểm


Cho bạn bè hay người thân vay tiền giống như đánh... một canh bạc. Tuyệt đối không cho vay nếu việc cho vay đẩy tình hình tài chính của bạn vào tình thế nguy hiểm. Cho vay tiền chẳng bao giờ là ý hay cả nhưng nếu buộc phải cho vay thì phải luôn nhắc nhở trong đầu rằng bạn khó có thể nhìn thấy những món tiền ấy một lần nữa. Bớt xén tiền chi tiêu của bản thân ngày qua ngày sẽ làm tăng thêm gánh nặng tài chính cho chính bạn và có thể đẩy mối quan hệ của bạn với người vay tiền vào sự căng thẳng, rạn nứt.





Cân nhắc trước những lý do vay tiền


Phải chăng họ cần tiền trong các trường hợp khẩn cấp như vừa mới mất việc, hóa đơn viện phí bất thình lình hay bởi họ quản lý tài chính quá kém? Vay tiền để sử dụng cho mục đích cải thiện cuộc sống? Hay thanh toán tiền đặt cọc? Học phí? Hãy cố gắng tìm ra lý do chính xác rồi sau đó mới đưa ra quyết định có cho vay hay không.


Hỏi ý kiến vợ/chồng trước khi cho vay tiền


Nói chuyện với vợ/chồng về ý định cho ai đó vay tiền không những có thể "cứu" lấy những khoản tiền đó mà còn có thể cứu lấy hôn nhân của chính bạn. Giả sử, hai bạn bất đồng ý kiến về việc cho người nào đó vay tiền, chắc chắn không khí sẽ trở nên vô cùng nặng nề. Hãy chia sẻ quan điểm với nhau và trao đổi thật nghiêm túc để cùng đưa ra một quyết định chung.


Tuyệt đối không để người vay tạo sức ép cho bạn


Nếu người hỏi vay bạn tiền có lối sống tiêu cực thì cố gắng hỗ trợ họ về mặt tình cảm chứ không nên hỗ trợ về tiền bạc. Thà dùng số tiền đó để mời chuyên gia tư vấn tìm ra gốc rễ của vấn đề còn hơn để họ ném tiền của bạn qua cửa sổ. Thay vào đó, hãy chỉ cho họ cách xoay sở trong tình thế hiện tại. Đưa tiền cho một người sống không lành mạnh thì chẳng giải quyết được vấn đề gì cả. Thậm chí, họ sẽ quay trở lại để vay thêm tạp thành một chu trình có vay mà không có trả.


Biết rằng mối quan hệ sẽ thay đổi





Tiền bạc là chủ đề khá nhạy cảm và dễ gây chia rẽ, đặc biệt là trong các mối quan hệ cá nhân.


Không chỉ là một quyết định tài chính, cho người thân vay tiền còn mang tính tình cảm. Quyết định cho vay trên bàn tiệc có thể khiến bạn gặp rắc rối lớn, đôi khi bạn không nhận ra.


Nó sẽ biến mối quan hệ của bạn từ anh em họ hàng thành người vay - chủ nợ. Và khi vấn đề xảy ra (kể cả khi không có), bạn sẽ trông như thể đang kiểm soát họ vậy, dù bạn không có ý đó. Hãy chuẩn bị tinh thần rằng việc này có thể hủy hoại mối quan hệ.


Viết giấy cho vay nợ


Hãy lên mạng và tìm mẫu phiếu ghi nợ, tải về hoàn toàn miễn phí trên mạng. Hoặc đi gặp luật sư để nhờ họ viết hay xin họ bản mẫu. Mỗi nơi có một mẫu phiếu riêng biệt. Nên cân nhắc cả việc công chứng giấy ghi nợ vì điều đó sẽ cho bạn nhiều tư cách pháp lý hơn nếu chẳng may người vay không trả nợ bạn. Điều này cũng sẽ làm cho người vay nhận thức rõ ràng hơn rằng khoản vay sẽ vẫn còn đó đến khi nào họ trả bạn đầy đủ số tiền đã vay.


Xử lý khoản vay như hợp đồng kinh doanh


Một khi bạn đồng ý cho vay, hãy thỏa thuận luôn về lãi suất, thanh toán, kỳ hạn, ngày đến hạn và phí trả muộn. Hàng tháng yêu cầu phải thanh toán tiền lãi bằng cách nhân số tiền cho vay với 2 hoặc 3% hoặc tùy bạn thảo thuận. Hãy chắc chắn bạn cẩn thận và nghiêm túc trong chuyện này bởi bạn đang dùng tiền riêng của mình để cho vay. Và đảm bảo giấy ghi nợ có đầy đủ các khoản mục đã thỏa thuận ở trên.


Cân nhắc các tình huống nếu họ không thể trả nợ


Nếu bạn thấy người thân thường xuyên đi du lịch, mua sắm đắt tiền nhưng không trả nợ, bạn sẽ thấy sao?


Tốt hơn hết là bạn nên nói chuyện một cách thẳng thắn và thành thật ngay từ đầu về việc chuyện gì sẽ xảy ra nếu họ không trả được nợ.


Tất cả đều phải nhận thức được mọi khả năng có thể xảy ra, để mọi thứ không quá bất ngờ.


Điều gì sẽ xảy ra khi bạn đột ngột qua đời mà nợ vẫn chưa được trả


Hãy đảm bảo rằng trong thỏa thuận cũng như giấy ghi nợ có nêu rõ trường hợp này một cách cụ thể. Rằng liệu khoản vay sẽ được xóa bỏ hay không. Nếu bạn chuyển khoản cho cho vay đó cho con cái thì hãy ghi trong giấy nợ rõ ràng khoản nợ được xóa bỏ hay ghi vào tài sản của con cái.


Bạn thấy đấy, có rất nhiều thứ cần suy nghĩ trước khi có ý định cho ai đó vay tiền. Thật không bao giờ là dễ dàng nhưng nó thực sự là cần thiết.


Theo Nguyễn Nguyễn


Trí thức trẻ/Tổng hợp