Trong đó có 78 vụ điều tra chống bán phá giá, 12 vụ chống trợ cấp và 17 vụ điều tra chống lẩn tránh thuế.
Chiều ngày 25/6 tại Hà Nội đã diễn ra hội thảo Xu hướng mới trong Pháp luật và phòng vệ thương mại Hoa Kỳ do VCCI tổ chức.
Phát biểu tại buổi hội thảo, bà Nguyễn Thị Thu Trang - Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập, cho biết để tiếp cận các thị trường nước ngoài, hàng hóa xuất khẩu Việt Nam đã phải vượt qua nhiều rào cản như vệ sinh an toàn thực phẩm, phòng vệ thương mại, chống phá giá, trợ cấp... Đó còn chưa kể đến những rào cản mới xuất hiện gần đây mà xuất khẩu Việt Nam may mắn chưa phải đối diện trực diễn như quốc phòng, sở hữu trí tuệ.
Bà Trang cho hay, hàng rào thuế quan dần được dỡ bỏ thông qua việc Chính phủ Việt Nam đàm phán hiệp định thương mại tự do với các đối tác quan trọng.
"Các biện pháp về hàng rào kỹ thuật hay vệ sinh an toàn thực phẩm vốn là biện pháp khá phổ biến và có thể dự báo trước được nhưng các biện pháp phòng vệ thương mại, chống trợ cấp, chống bán phá giá thì thực sự là thách thức lớn vì chúng xuất hiện hết sức bất ngờ và hệ quả là rất lâu dài và biến động khó lường trước được" - bà Trang nói.
Tính đến nay, hàng hóa xuất khẩu Việt Nam đã là đối tượng của 107 vụ điều tra phòng vệ thương mại. Trong đó, có 78 vụ điều tra chống bán phá giá, 12 vụ chống trợ cấp và 17 vụ điều tra chống lẩn tránh thuế.
Đặc biệt, Mỹ là một trong những bạn hàng xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam nhưng cũng là nơi hàng hóa xuất khẩu Việt Nam phải đối mặt với nhiều vụ điều tra chống bán phá giá, chống trợ cấp và điều tra chống lẩn tránh thuế nhất trong số các thị trường xuất khẩu của Việt Nam.
Số liệu các vụ việc mà hàng hóa Việt Nam bị điều tra qua các năm. Nguồn: VCCI
Về mặt thị trường, hàng hóa Việt Nam phải đối mặt với nhiều vụ việc điều tra chống bán phá giá nhất là ở Mỹ chiếm khoảng 20% tổng số các vụ việc, đứng thứ 2 là Ấn Độ; Thổ Nhĩ Kỳ và Úc đứng thứ 3 với 7 vụ điều tra...
Thống kê thị trường theo vụ việc. Nguồn: VCCI
Theo bà Trang, trong số các nước bị kiện chống phá giá nhiều nhất trên thế giới như Mỹ, Ấn Độ, EU, Brazil, Argentina, Úc... thì Ấn Độ, Argentina, Úc là đã công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường trong các vụ điều tra chống bán phá giá, chống trợ cấp.
"Tuy nhiên, một số nước cạnh chúng ta là Indonesia, Malaysia và Thái Lan là những nước mà đến năm 2011 chưa từng kiện chống bán phá giá Việt Nam thì từ năm 2011 những nước này đã kiện dồn dập và đây cũng là những nước bị kiện nhiều trên thế giới".
Thống kê vụ việc theo mặt hàng. Nguồn VCCI.
Trong số 78 vụ điều tra chống bán phá giá của Việt Nam thì có 37 vụ là liên quan đến sắt thép - chiếm gần 1/2 các loại hàng hóa. Điều tra chống trợ cấp còn hơn thế, gần 3/4 các vụ kiện là liên quan đến mặt hàng sắt thép.
Ngoài ra, bà Trang cho biết thêm, có một phần thường không được thống kê trong các vụ chống bán phá giá, chống trợ cấp đó là chống lẩn tránh thuế. Cho đến nay Việt Nam đã bị kiện chống bán phá giá chống lẩn tránh thuế tất cả là 17 vụ và trong 17 vụ này EU chiếm nhiều hơn cả, song có 16/17 vụ có vụ kiện gốc là Trung Quốc.