Trong thời buổi xã hội hiện nay, ly hôn có lẽ không còn là chuyện hiếm hoi nữa.
Nhưng ly hôn không phải chuyện đùa của cảm xúc. Ly hôn là bởi hai người không còn tìm được những điểm chung trong cuộc sống nữa, là bởi họ không chấp nhận được thực tại lại có những đau khổ đến thế.
Bởi chúng ta đều là những người ở ngoài nên không thể hiểu được nỗi niềm bên trong của họ, những người vì một lí do nào đó mà chấp nhận chia xa. Vẫn biết làm như vậy, người đau khổ nhất chính là những đứa con. Nhưng không phải sự đau khổ nào cũng kéo theo những mất mát tột cùng.
Bức tâm thư dài có nhan đề "Cảm ơn mẹ đã ly hôn bố" của một cô gái đã được chia sẻ rất nhiều trên mạng xã hội. Cô gái này đã dũng cảm viết ra những tâm tư của bản thân về chuyện mẹ bị bạo hành, đối xử bất công rồi lại những ngày tháng ấy, tần tảo, nhịn ăn nhịn mặc để nuôi các con. Có những bữa cơm mà mẹ con nhìn nhau rồi chảy nước mắt...
"Tôi năm nay 23 tuổi là chị cả trong gia đình 3 chị em, dưới tôi có hai em trai, một đứa 19 tuổi, một đứa 13 tuổi.
Mẹ tôi ngày xưa con gái trẻ đẹp có tiếng trong làng. Biết bao nhiêu anh chàng để ý tới hỏi, vậy mà mẹ lại chỉ đồng ý lấy bố, mẹ kể hồi đó bố hiền lành, chăm chỉ đẹp trai chẳng biết rượu chè gì cả.
Khi mẹ có bầu bố chăm mẹ lắm, lúc mẹ sinh mày bố cõng mẹ đi toilet, ông bà chửi bố là cái loại đội cả vợ lên đầu.
Sau này bố mẹ đi làm dành dụm vay mượn gia đình bên ngoại được chút vốn làm ăn, vợ chồng bác cả thấy ghen ghét nên bòn rút từng tí một của mẹ, mẹ phải đi gánh cả đất về cho nhà vợ chồng bác làm nhà.
Sau này bố mẹ làm ăn được. Từ đó bố bê tha đắm chìm vào rượu chè, cờ bạc còn hay đánh mẹ nữa.
Từ khi tôi 8 tuổi tôi vẫn nhớ như in hình ảnh mẹ bị bố đánh đến mức mẹ ngất trong tình trạng đầu chảy đầy máu, chỉ vì mẹ không đưa tiền cho bố đi chơi bạc. Bố tôi cặp bồ ở ngoài mấy ngày liền, khi nào hết tiền mới về.
Càng lớn tôi càng chứng kiến những cảnh bạo lực ấy diễn ra thường xuyên hơn, dã man hơn. Những bữa cơm chan nước mắt, có những bữa cơm canh dọn sẵn, các con ngồi chờ ăn mà bố nỡ hất cả mâm cơm.
Mấy mẹ con cũng chỉ biết ôm nhau mà khóc, có những lần tưởng như bố sắp giết mẹ đến nơi, khi ấy tôi và em tôi còn nhỏ chỉ biết quỳ xuống gào khóc xin bố đừng đánh mẹ nữa.
Đứa em thứ hai của tôi thấy bố đạp vào người mẹ thì lao vào ôm mẹ và kết quả là bố lỡ chân đạp lên người em.
Mẹ cứ như vậy hy sinh nhẫn nhục bao nhiêu năm như vậy cho tới khi tôi chuẩn bị ôn thi vào lớp 10, em thứ 2 đang học lớp 7, em thứ 3 được 4 tuổi, mẹ không còn sức chịu đựng quyết định đưa chúng tôi về quê ngoại.
Mẹ bỏ lại tất cả tiền tài, không có thứ gì để mang đi ngoài 3 đứa con thơ đang tuổi ăn tuổi học cùng vài bộ quần áo cũ kỹ. Tôi không bao giờ quên ngày hôm ấy.
Ngày ấy mẹ đi làm biết bao nhiêu công việc khổ cực để có tiền mua gạo nuôi chị em tôi. Mẹ đi rửa bát thuê cho người ta, mỗi tháng được 300 nghìn mà còn bị người ta quỵt. Bán chè ngô chỉ 5 nghìn/cốc.
Khi mẹ nấu chè không may bị nước sôi đổ vào chân nên bị bỏng giờ vẫn còn sẹo rất rõ. Mẹ được cậu cho con gà mái để đẻ trứng mà mẹ bán gà đi mua đàn gà con về nuôi cho lớn rồi mẹ trở thành bà buôn gà, có những bữa cơm khó khăn tới mức chỉ có 1 quả trứng mẹ con nhường nhau xong chỉ biết nhìn nhau ngồi khóc…
Tôi nhớ những bữa cơm tóp mỡ sốt cà chua mà chúng tôi chỉ ăn cà chua và nước sốt, nhất định không đứa nào chịu ăn tóp mỡ vì trước giờ chị em tôi không biết ăn thịt mỡ, nhưng cũng không đòi hỏi.
Bữa nào có thịt trứng, 3 mẹ con đều nhường cho em út ăn. Cuộc sống khó khăn của mẹ con tôi cứ thế trôi qua, ngoài những lúc đi học chị em tôi thường đi bán chè phụ mẹ, giúp mẹ nấu ăn, chăm em.
Hai đứa em tôi cũng khá ngoan và thương mẹ nên mẹ cũng được an ủi phần nào.
Tôi thi đỗ vào lớp 10 và tôi đã có ý định bỏ học đi làm công nhân giúp đỡ mẹ nuôi các em ăn học, nhưng tôi bị mẹ phát hiện, mẹ khóc rất nhiều và nói: "Mẹ biết con muốn giúp mẹ đỡ vất vả nhưng con đừng lo, mẹ sẽ cố gắng nhất định mẹ sẽ lo cho các con ăn học đầy đủ nhu con nhà người ta, mẹ sẽ không để con mẹ mang tiếng thất học".
Từ đó tôi cố gắng học cho đến khi tôi tốt nghiệp cấp 3, gia đình cũng bớt khó khăn hơn nhưng vẫn nghèo. Chẳng hiểu sao lúc đó tôi lại khao khát được đi học đại học.
Tôi nén nộp hồ sơ thi và tôi thi đỗ, ngày có giấy báo nhập học mẹ tôi mới biết, vì lúc ý mẹ làm chỉ đủ ăn nên các bác, cậu, dì đều khuyên mẹ con gái học làm gì nhiều để tôi đi làm công nhân phụ mẹ nuôi các em ăn học, 2 - 3 năm rồi lấy chồng.
Mẹ trả lời mẹ ở nhà ăn rau ăn cháo cũng được mẹ vẫn sẽ để tôi được đi học đàng hoàng như con nhà người ta, mẹ để tôi tự quyết định. Và tôi chọn xuống Hà Nội học.
Thời gian 9 năm thấm thoát trôi qua, các em tôi vẫn được ăn học đầy đủ như những đứa trẻ khác, ngoan ngoãn và biết thương mẹ, mẹ tôi đã bớt vất vả không còn phải chạy lo từng bữa như trước nữa. Mẹ đã có 1 cửa hàng tạp hóa nho nhỏ ở quê.
Còn tôi thì đã ra trường có công việc ổn định và một cửa hàng quần áo nho nhỏ của riêng mình. Cuộc sống của mẹ con tôi hiện tại rất vui vẻ và hạnh phúc mà chẳng cần có bóng dáng người đàn ông nào khác.
Tôi không giận, chẳng oán trách ba mình 9 năm đằng đẵng chẳng nhìn mặt con, tôi chỉ thương mẹ tần tảo ôm hết chúng tôi về với mẹ dẫu quá khó khăn, mẹ chẳng như người khác chẳng để chúng tôi mỗi đứa một nơi, dù như thế nào mẹ vẫn không muốn chị em tôi phải xa cách, vẫn nuôi dạy chúng tôi nên người.
Mẹ vẫn hay nghĩ chúng tôi thiệt thòi hơn con nhà người ta vì không có bố.
Nhưng thực sự chúng tôi đang sống vui vẻ hơn, hạnh phúc hơn và đôi khi tôi hay tự hỏi: "Giá mà mẹ chia tay bố sớm hơn, thì trên người mẹ không có thêm những vết sẹo, chúng con cũng không phải sống trong sợ hãi và nước mắt".
Tôi còn hay bảo mẹ: "Mẹ xem có chú nào tốt yêu thương mẹ thì mẹ đi lấy chồng đi chứ mẹ ở một mình buồn, chúng con ủng hộ mẹ".
Mẹ dí đầu tôi: "Con ranh, mẹ từng này tuổi rồi còn yêu đương như trẻ ranh chúng mày ý, giờ nhìn các con khôn lớn, khỏe mạnh ngoan ngoãn, người là mẹ hạnh phúc nhất rồi có gì mà buồn".
Tôi chỉ muốn chia sẻ lên đây để gửi đến các mẹ, các chị đang phải hy sinh, chịu đựng không có hạnh phúc: hãy mạnh dạn cứu vãn lấy cuộc sống của mình, của các con, đừng cố hy sinh chịu đựng vì các con.
Muốn tốt cho con trước tiên các mẹ phải tạo ra tiếng cười cho con chứ đừng nuôi con trong nước mắt, những đứa con không thể vui vẻ hạnh phúc khi chứng kiến cảnh ba nó đánh mẹ nó, mẹ nó suốt ngày phải rơi nước mắt.
Bỏ chồng chứ đừng bỏ con, hãy yêu thương nuôi dạy chúng đúng cách, thành người có đạo đức, có giáo dục. Nhất định các con sẽ hiểu và cảm thông yêu thương và cảm ơn các mẹ vì đã bỏ ba của nó".