Thứ Năm, 8 tháng 12, 2016

Sinh viên mới ra trường tại Việt Nam “chán ghét” công việc nhất khu vực

Trong báo cáo mới nhất được JobStreet.com đưa ra, công ty này chỉ ra một tâm lý chung của sinh viên Việt Nam: dễ rơi vào trạng thái thất vọng, không thấy công việc nào xứng đáng để làm hoặc "đứng núi này trông núi nọ" ngay cả khi chỉ vừa làm việc được vài tháng. 

Sinh viên mới ra trường tại Việt Nam “chán ghét” công việc nhất khu vực
Vừa qua 2 mạng làm việc lớn tại châu Á là JobStreet.com và JobsDB đã thực hiện một cuộc khảo sát trên 50.000 người lao động tại Malaysia, Hong Kong, Singapore, Indonesia, Philippines, Thái Lan và Việt Nam về chỉ số hạnh phúc. Kết quả thống kê cho thấy sinh viên mới tốt nghiệp tại Việt Nam có mức độ hạnh phúc thấp nhất so với các quốc gia, vùng lãnh thổ khác trong khu vực.
Cụ thể, xếp theo mức độ lạc quan về tương lai, sinh viên mới tốt nghiệp tại Philippines đứng đầu bảng với 6,5/10 điểm, tiếp đó là Thái Lan với 5,9/10. Đối tượng này tại Malaysia, Singapore, Hong Kong lần lượt là 5,5; 5,2; 5,1 điểm. Trong khi đó, Việt Nam là quốc gia có mức độ hài lòng về công việc thấp nhất trong khu vực, chỉ 4,9/10 điểm.
Tuy nhiên, báo cáo cũng chỉ ra Việt Nam nằm trong Top 3 quốc gia trong khu vực lạc quan về sự cải thiện công việc trong 6 tháng đầu làm việc. Đứng đầu top này là Indonesia (6,8/10), theo sát là Philippines và Việt Nam. Các quốc gia, vùng lãnh thổ phát triển như Singapore hay Hong Kong lại tỏ ra kém lạc quan về chỉ số này.
Trên 200 nghìn “ông cử, bà thạc” thất nghiệp, vì đâu nên nỗi?
Một cuộc khảo sát khác của trang mạng việc làm này tiến hành trên 1.200 sinh viên Việt Nam vừa tốt nghiệp hồi quý II/2016 cho biết 75% sinh viên xác định mức lương là yếu tố quan trọng khi đọc các mẩu tin tuyển dụng trên các trang việc làm. Yêu cầu của việc làm và địa điểm công việc là 2 yếu tố được nhóm đối tượng này quan tâm thứ 2 (71%) và thứ 3 (50%).
“Trong khi đó, mô tả việc làm, yếu tố tối quan trọng để xác định một công việc có phù hợp với người lao động hay không chỉ đứng ở vị trí ưu tiên thứ 4 (48%)”, báo cáo chỉ rõ.
JobStreet nhận định tình trạng sinh viên mới tốt nghiệp không có việc làm được nhiều nhà tuyển dụng đánh giá là do thái độ cũng như kỹ năng chưa đáp ứng được mong đợi hay khả năng của nhà tuyển dụng.
“Chấp nhận mức lương công ty đề nghị” là yếu tố nằm trong top 3 dẫn đến quyết định tuyển dụng sinh viên mới tốt nghiệp theo khảo sát hồi quý I/2016 trên gần 400 nhà tuyển dụng, báo cáo cho biết.
Mặt khác, dù mức lương của Việt Nam đã có sự cải thiện đáng kể trong thời gian vừa qua nhưng sự kỳ vọng về mức lương cho những vị trí sinh viên mới ra trường đang được đánh giá là “chưa thực tế”.
Bà Dương Thị Ngọc Hải, giám đốc Marketing JobStreet.com Việt Nam cho rằng có thể sinh viên thật sự đang được trả lương thấp hơn thị trường, nhưng là một người vừa tốt nghiệp, người đó có rất nhiều cơ hội để định hướng phát triển nghề nghiệp.
“Tốt nhất, khoảng thời gian ngay sau tốt nghiệp nên được dành để học hỏi, đa dạng hoá những kỹ năng cứng và mềm hơn là hướng ngay đến một vị trí được trả lương cao”, bà Ngọc Hải cho biết.