Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ vừa có ý kiến, Nghị định 25 của Chính phủ về Điều lệ tổ chức và hoạt động của VNPT mới được ban hành nên trước mắt chưa bỏ Phụ lục danh sách công ty con, công ty liên kết và chưa sửa đổi các điều khoản liên quan đến các Phụ lục này.
Theo ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, đối với các công ty con, công ty liên kết của VNPT chưa có trong Phụ lục kèm theo Nghị định 25, Thủ tướng Chính phủ sẽ xem xét, quyết định khi Bộ TT&TT trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án tái cơ cấu VNPT giai đoạn 2016 - 2020 (Ảnh minh họa).
Văn phòng Chính phủ vừa có công văn gửi Bộ TT&TT truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ về việc sửa đổi, bổ sung Phụ lục ban hành kèm theo Điều lệ của VNPT tại Nghị định 25/2016/NĐ-CP (Nghị định 25).
Công văn nêu rõ, về đề nghị của Bộ TT&TT và ý kiến các Bộ Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư và Tư pháp đề nghị Thủ tướng Chính phủ phê duyệt sửa đổi, bổ sung Phụ lục ban hành kèm theo Điều lệ của Tập đoàn VNPT, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ có ý kiến, Nghị định 25 ngày 6/4/2016 của Chính phủ về Điều lệ tổ chức và hoạt động của VNPT mới được ban hành nên trước mắt chưa bỏ Phụ lục danh sách công ty con, công ty liên kết và chưa sửa đổi các điều khoản liên quan đến các Phụ lục này.
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu không bổ sung Văn phòng VNPT vào danh sách đơn vị phụ thuộc VNPT.
Đối với các công ty con, công ty liên kết của VNPT chưa có trong Phụ lục kèm theo Nghị định 25, Thủ tướng Chính phủ sẽ xem xét, quyết định khi Bộ TT&TT trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án tái cơ cấu VNPT giai đoạn 2016 - 2020.
Nghị định 25 về Điều lệ tổ chức và hoạt động của Tập đoàn VNPT được Thủ tướng Chính phủ ký ban hành ngày 6/4/2016 và có hiệu lực thi hành từ ngày 21/5/2016. Điều lệ quy định, VNPT là Công ty TNHH một thành viên do Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ, hoạt động theo quy định của pháp luật và Điều lệ này.
Mục tiêu hoạt động của VNPT là tổ chức sản xuất kinh doanh theo quy hoạch, kế hoạch và chính sách của Nhà nước; kinh doanh có lãi; bảo toàn và phát triển vốn nhà nước đầu tư tại VNPT và vốn của VNPT đầu tư tại các doanh nghiệp khác; hoàn thành các nhiệm vụ khác do chủ sở hữu giao.
Đồng thời, VNPT cũng hướng tới mục tiêu xây dựng và phát triển thành tập đoàn kinh tế nhà nước mạnh, năng động, hiệu quả, hiện đại, có năng lực cạnh tranh ở trong nước và quốc tế; thực hiện tốt nhiệm vụ công ích; góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH, quốc phòng, an ninh; làm nòng cốt để ngành viễn thông và CNTT Việt Nam phát triển nhanh và bền vững, cạnh tranh và hội nhập kinh tế quốc tế có hiệu quả.
Theo Phụ lục 1 được ban hành kèm theo Điều lệ tổ chức và hoạt động của VNPT, Tập đoàn này có 71 đơn vị trực thuộc gồm: Tổng công ty Hạ tầng mạng (VNPT-Net); 63 Viễn thông tỉnh, thành phố; Trung tâm Nghiên cứu Phát triển (VNPT-RD); 3 Trung tâm bồi dưỡng nghiệp vụ; và Trường Trung học Bưu chính Viễn thông và CNTT III.
Danh sách 7 công ty con của VNPT, theo Phụ lục 2 ban hành kèm theo Điều lệ, gồm có: 2 công ty con do VNPT sở hữu 100% vốn điều lệ là Tổng công ty Truyền thông (VNPT-Media) và Tổng công ty Dịch vụ viễn thông (VNPT-VinaPhone) và 5 công ty con khác gồm: Công ty CP Công nghệ Công nghiệp Bưu chính Viễn thông (VNPT-Technology); Công ty CP Viễn thông Tin học Bưu điện (CT-IN); Công ty CP Thiết bị Bưu điện (POSTEL); và Công ty CP COKYVINA.
Tại Phụ lục 3 được ban hành kèm theo Điều lệ tổ chức và hoạt động của VNPT, tập đoàn có 12 công ty liên kết gồm: Công ty CP Quảng cáo Truyền thông đa phương tiện (SMJ); Công ty CP Đầu tư Phát triển công nghệ và truyền thông (NEO); Công ty CP Truyền thông (VMG); Công ty CP Phát triển công nghệ và truyền thông (VNTT); Intersputnik; Công ty ATH - Malaysia (ATH); Công ty ACASIA - Malaysia (ACASIA); Công ty CP Phát triển dịch vụ học tập và giải trí trực tuyến VDC (VDC-NET 2E); Công ty CP Dịch vụ số liệu toàn cầu (GDS); Công ty CP Thanh toán điện tử VNPT (VNPT-EPAY); Công ty Chuyển mạch tài chính quốc gia (BANKNET) và Công ty CP Quản lý tòa nhà VNPT (VNPT-PMC).