Sau ba ngày, tỷ giá USD/VND được các ngân hàng tăng khoảng 90 đồng nhưng Ngân hàng Nhà nước cho rằng diễn biến này bình thường và cầu ngoại tệ không có yếu tố đột biến, thanh khoản tốt.
Sáng 17/11, nhiều ngân hàng công bố giao dịch đôla ở mức cao 22.375 - 22.445 đồng, tăng 30 đồng so với sáng hôm trước. Đến chiều, tỷ giá tiếp tục biến động theo chiều hướng tăng. Tại Vietcombank, giá đôla bán ra tại hội sở cuối giờ chiều là 22.465 đồng, tăng 20 đồng so với sáng, nhưng tăng tới 50 đồng so với 16/11. Giá mua cũng được nâng mức tương ứng, lên 22.395 đồng.
Các ngân hàng khác như Techcombank, Eximbank, ACB... cũng đồng loạt nâng vài chục đồng, dao động quanh 22.400 - 22.500 đồng mỗi đôla Mỹ.
Đà tăng tỷ giá bắt đầu từ ngày đầu tuần này khi ngày 15/11 các ngân hàng điều chỉnh tăng 5 đồng, sang ngày 16/11, mỗi USD đã bật tăng 35 đồng và 17/11 tăng 50 đồng. Như vậy, sau ba ngày, mỗi USD đã tăng 90 đồng.
Tỷ giá liên tục tăng mấy ngày qua.
|
Trên thị trường tự do, các điểm mua bán USD tại TP HCM ngày hôm qua cũng tăng vài chục đồng, lên 22.480 - 22.540 đồng. Trong ngày, các điểm thu đổi này cũng đã nâng mức giao dịch 30 - 40 đồng, lên 22.450 - 22.510 đồng. Chênh lệch giữa mua và bán cũng giãn rộng 60 đồng.
Trao đổi với VnExpress, lãnh đạo một ngân hàng chuyên về ngoại hối cho rằng, cần chờ thêm vài phiên nữa, theo dõi động thái mua bán giữa ngân hàng với doanh nghiệp, mới có thể nói căng thẳng tỷ giá đã thực sự bắt đầu hay chưa. Còn hiện nay thì mức điều chỉnh vẫn trong biên độ cho phép và chưa có gì đột biến.
Cũng theo ông, tỷ giá USD/VND tăng một phần là do đồng bạc xanh trên thế giới tăng cao. Ngày 17/11 (giờ Hà Nội), chỉ số US Dollar Index (DXY), đo lường biến động đồng bạc xanh với 6 đồng tiền chủ chốt tăng 0,16% so với phiên liền trước. Đây là phiên thứ 2 liên tiếp trong gần một năm qua, chỉ số DXY vượt lên trên ngưỡng 100 điểm.
Ngân hàng Nhà nước cũng đánh giá, diễn biến tăng tỷ giá trong nước những ngày qua là hết sức bình thường, phù hợp với xu hướng tăng tỷ giá trung tâm do cơ quan này công bố trong thời gian qua.
Theo Ngân hàng Nhà nước, trong hơn 10 tháng đầu năm, tỷ giá về cơ bản ổn định, tâm lý găm giữ ngoại tệ trong nền kinh tế đã giảm mạnh so với trước đây nhờ cách thức điều hành tỷ giá mới linh hoạt và những diễn biến thuận lợi về cung cầu ngoại tệ. Ngân hàng Nhà nước mua được một lượng lớn ngoại tệ để tăng dự trữ ngoại hối Nhà nước.
"Trong những ngày qua, tỷ giá có xu hướng tăng (đến chiều ngày 17/11, tỷ giá giao dịch trên thị trường liên ngân hàng ở mức khoảng 22.450 đồng mỗi USD), mức tỷ giá này vẫn thấp hơn khoảng 50 đồng so với mức tỷ giá vào cuối năm 2015", Ngân hàng Nhà nước nhận định và cho biết, trên thị trường, cầu ngoại tệ không có yếu tố đột biến, thanh khoản tốt, các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp của các tổ chức và cá nhân được các ngân hàng đáp ứng kịp thời và đầy đủ.
Theo Nhà quản lý, từ nay đến cuối năm, cung cầu ngoại tệ tiếp tục có diễn biến thuận lợi khi cung ngoại tệ được hỗ trợ bởi các nguồn như giải ngân vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), dòng vốn vào do hoạt động mua bán, sáp nhập, kiều hối chuyển về dịp cuối năm…
Ngoài ra, cầu ngoại tệ chưa có áp lực tăng cao do tín dụng tiếp tục được kiểm soát ở mức hợp lý, một phần nhu cầu mua ngoại tệ của khách hàng sẽ được đáp ứng bằng nguồn tín dụng ngoại tệ của hệ thống ngân hàng khi Ngân hàng Nhà nước tiếp tục gia hạn cho vay bằng ngoại tệ quy định tại Thông tư 24 đến hết năm 2017. Song song đó, việc điều hành tỷ giá linh hoạt theo cả hai chiều đã giảm tình trạng găm giữ ngoại tệ...
Trong thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước cho biết sẽ theo dõi sát diễn biến kinh tế vĩ mô, tiền tệ trong nước và quốc tế để có các biện pháp và công cụ điều hành phù hợp đảm bảo đạt được mục tiêu của chính sách tiền tệ đã đề ra, góp phần ổn định các cân đối vĩ mô của nền kinh tế.
Lệ Chi