Dường như thời nay ta đã không còn được thấy nhiều mối quan hệ "ngát xanh" như thời ông bà chúng ta nữa.
Vào năm 1985, hầu hết những người dân Mỹ nói rằng họ có khoảng 3 người bạn thân để có thể chia sẻ hoặc tâm sự tất cả mọi thứ. Ngày nay, thì đa số mọi người nói rằng họ chỉ có khoảng 2 người. Năm 1985, 10% người Mỹ thú nhận rằng họ chẳng thể dành niềm tin tuyệt đối cho bất kỳ ai, nhưng đến đầu thế kỉ này, con số đã tăng lên thành 25%.
Tất cả những điều trên đã khiến cho chúng ta tự hỏi rằng phải chăng công nghệ đang khiến chúng ta trở nên cô đơn hơn? Thay vì ra khỏi nhà và đi thăm hỏi những nhà hàng xóm, có phải cái chúng ta đang làm là ngồi ở nhà và lướt điện thoại để theo dõi cuộc sống của người khác qua Facebook, một cách chán nản?
Trong thập kỷ vừa qua, những nghiên cứu xuất sắc nhất đã cho thấy rằng cáo buộc đó là không chính xác.
Công nghệ và các phương tiện truyền thông không làm chúng ta cô đơn hơn. Chúng chỉ là công cụ. Những gì bạn trưng lên Facebook của bạn mới quan trọng. Những người hướng ngoại thì sử dụng nó để hòa nhập hơn nữa, trong khi những người hướng nội lại sử dụng nó để che giấu sự cô đơn.
Như nhà báo Stephen Marche đã viết trong 1 bài báo trên tờ The Atlantic năm 2012: “Việc sử dụng mạng xã hội không tạo nên các mối quan hệ mới; nó chỉ chuyển những mối quan hệ có sẵn từ nền tảng này sang nền tảng khác.”
Nhưng gần đây, những suy nghĩ của mọi người về phương tiện truyền thông đã trở nên tiêu cực hơn một chút. Đó là bởi vì chúng ta dường như đã chạm tới mức bão hòa. Việc online không chỉ đơn thuần là những gì chúng ta làm. Nó đã trở thành con người ta, làm thay đổi bản chất thật của chính ta.
Theo như một nghiên cứu ở Anh đầu năm nay, chúng ta kiểm tra điện thoại trung bình là 221 lần một ngày, tương đương khoảng 4,3 mỗi phút. Một thập kỷ trước đây, gần như không có ai có một chiếc điện thoại thông minh. Bây giờ, trung bình người Mỹ dành 5 tiếng rưỡi mỗi ngày với những phương tiện kỹ thuật số, và giới trẻ dành nhiều thời gian hơn thế.
Tần suất khổng lồ này đến từ nỗi lo sợ mang tên “bỏ lỡ”. Ai đó có thể cập nhật lên Snapchat một điều bạn thấy hứng thú, vì vậy bạn sẽ liên tục kiểm tra. Hành vi đó cũng bị dẫn dắt bởi thứ mà các chuyên gia trong ngành gọi là “captology” (được hiểu là lĩnh vực ứng dụng khoa học máy tính vào thay đổi hành vi). Các ứng dụng sẽ kích hoạt những hành vi nhỏ lẻ mang tính lặp đi lặp lại, như hành động trượt sang phải hay nhấn thích một bài đăng, qua đó làm liều lượng dopamine trong não bộ tăng nhanh - chất gây hưng phấn nhưng cũng tạo lệ thuộc như khi bị nghiện. Cứ mỗi khi bạn cảm thấy chán nản, cô đơn hay lo lắng, bạn sẽ cảm thấy thực sự thèm khát được mở một ứng dụng để nhận về luồng chất ấy.
Ở mức bão hòa đó, mạng xã hội đã giảm lượng thời gian mà con người có thể ở một mình liên tục - vốn là lúc mà chúng ta có có thể khai quật và xử lí những tâm trạng bên trong mình. Nó khuyến khích chúng ta đóng vai trò đa nhiệm trong xã hội: bạn vẫn ở cạnh người mà bạn đang giao thiệp, nhưng bạn cũng đồng thời đang theo dõi 6 tỉ người khác trên hành tinh này - và họ lúc ấy cũng đang trò chuyện gì đó thú vị từ nơi nào đó rất xa bạn. Nó san phẳng sự khác biệt của các trải nghiệm cảm xúc.
Như Louis C.K trong một lần xuất hiện trên truyền hình đã nói: “Bạn không bao giờ cảm thấy hạnh phúc tột độ hay buồn rầu đến thê thảm. Bạn chỉ cảm thấy đôi chút thỏa mãn với những công cụ trong tay mình. Và sau đó bạn chết”.
Có lẽ việc nghiện điện thoại đang khiến chúng ta khó có được những tình bạn thân thiết thật sự. Trong cuộc sống vốn đã sẵn chật chội và đầy áp lực này, những lời đùa cợt thật dễ dàng lấn át những cảm xúc sẵn có khác. Giờ đây, có cả ngàn cách khiến chúng ta sao lãng khỏi cảm xúc thật bằng những câu chuyện cười trên mạng hay một biểu tượng (emoticon) hạnh phúc.
Bạn cũng có thể trải qua cả một ngày toàn vuốt chạm vào những thứ màu hồng, mà chẳng hề hé lộ chút gì về nỗi lo sợ, chán chường, vụng về hay hoảng loạn ra ngoài - trong khi chính những cảm xúc này mới gắn kết sự thân thiết thật sự..
Khi Montaigne mô tả lại trải nghiệm cảm xúc giữa ông và người bạn thân thiết nhất của mình, ông kể rằng đó là một sự tương tác giữa cảm xúc hai người. Ông cho rằng khi đã là hai bạn bè thật sự, tâm hồn hai con người tri kỉ sẽ hòa quyện vào nhau tới mức mất đi cả căn tính của bản thân mình.
Khi chúng ta đắm chìm trong cuộc sống trên mạng, mỗi khoảnh khắc đều thật vui và thú vị - nhưng tựu chung toàn bộ trải nghiệm này lại không hề khiến ta thỏa mãn. Tôi cho rằng, có lẽ trong thời đại này, người dũng cảm là người kiểm soát được những cám dỗ xã hội, là người dám nói không tới cả ngàn màn giao thiệp xã giao để đầu tư cho một số ít những hành động sâu đậm hơn.