Thứ Bảy, 26 tháng 11, 2016

Thực hiện IPO, AirAsia muốn bảng cân đối “sáng sủa hơn”

Hãng hàng không giá rẻ lớn nhất châu Á – AirAsia Bhd – đang lên kế hoạch phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) cho công ty cổ phần ASEAN Holding Co. trên sàn Hồng Kông.

 

Thực hiện IPO, AirAsia muốn bảng cân đối “sáng sủa hơn”
Ông Tony Fernandes
Trong cuộc phỏng vấn với CNBC, giám đốc điều hành Tony Fernandes cho biết công ty này sẽ quản lý tất cả các hoạt động của AirAsia tại khu vực ASEAN, giúp các nhà phân tích và các nhà đầu tư có cái nhìn tổng quát hơn.
Ông Fernandes cho khối dịch vụ văn phòng sẽ quy về một mối nhưng không ảnh hưởng tới các hoạt động bay của công ty. Đây là một trong những nỗ lực mở rộng thị trường của AirAsia nhằm thu hút các nhà đầu tư.
Khi lên kế hoạch thực hiện IPO cho ASEAN Holding Co., AirAsia hướng tới việc mở rộng cơ sở nhà đầu tư và mang tới một nhóm tài khoản dễ quản lý hơn. Tuy nhiên, vị CEO của AirAsia không đưa ra bất kỳ thông tin chi tiết nào về kế hoạch này.
Công ty ASEAN Holding Co. mới thành lập tại Hồng Kông sẽ tập trung nâng cao vị thế của AirAsia tại thị trường Bắc Á đang phát triển. Ông Fernandes cho biết công ty này vẫn sẽ giữ liên kết tài chính với khu vực Đông Nam Á và thực hiện niêm yết trên 2 sàn Indonesia và Philippines vào năm tới.
Theo tài liệu kết quả kinh doanh quý III/2016, AirAsia cho biết họ sẽ niêm yết trung tâm đào tạo phi hành đoàn trên sàn Kuala Lumpur (Malaysia).
Trước đó, vị lãnh đạo của công ty này cho biết ông muốn hợp nhất các nghiệp vụ hàng không tại Indonesia, Thái Lan và Philippines lại với nhau.
Hoạt động của AirAsia tại châu Á gần như hồi phục hoàn toàn sau tai nạn của chiếc Indonesia AirAsia Flight 8501 năm 2014, cướp đi sinh mạng của tất cả hành khách và phi hành đoàn.
AirAsia cũng đang tìm cách thoái vốn khỏi các doanh nghiệp không cốt lõi. Dự kiến, AirAsia hoàn tất việc bán các đội bay vào đầu năm 2017 và thu về 1 tỷ USD.
Hồi tháng 8, hãng tin Reuters đưa tin AirAsia đang tìm cách bán phần lớn hoặc thậm chí là tất cả cổ phần tại Asia Aviation Capital để thu về khoảng 4,1 tỷ Ringgit (922,38 triệu USD). Cuối tháng 10, AirAsia cho biết nhiều công ty đang tỏ ra quan tâm đến thương vụ này.
Phát biểu của ông Fernandes đưa ra sau khi kết quả kinh doanh quý III/2016 của AirAsia được công bố. Cụ thể, công ty này lãi 53,9 triệu Ringgit sau khi thua lỗ 405,7 triệu Ringgit trong 12 tháng trước đó. Kết quả này có được nhờ hoạt động cho thuê máy bay tăng và giá dầu giảm. Bên cạnh đó, lượng khách trên máy bay của AirAsia đạt 89%, tăng 6% so với cùng kỳ năm trước. Các chuyên gia dự báo con số này có thể tăng lên 89% tại Malaysia trong quý IV/2016 và hơn 80% tại Thái Lan, Indonesia và Philippines.