Bộ Kế hoạch Đầu tư đang cân nhắc đưa nhập khẩu không chỉ ôtô mới mà cả ôtô cũ vào danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện.
Quyết định đưa ngành nghề kinh doanh ôtô vào ngành nghề kinh doanh có điều kiện của Bộ Kế hoạch Đầu tư đang gây nhiều tranh cãi. Nhiều người cho rằng siết chặt quy định như vậy, sân chơi có lẽ sẽ chỉ còn dành cho những ông lớn, chứ không có chỗ cho doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Phát biểu trong chương trình “Đối thoại chính sách” của VTV vào hôm qua (16/11), ông Đặng Huy Đông, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư, đại diện đơn vị soạn thảo luật khẳng định: “Chúng tôi lượng hóa chứ không nói bằng cảm tính, cảm xúc và đi theo tổng hòa lợi ích chung của Quốc gia”.
Ông Đông đặt vấn đề hà cớ gì 95% doanh nghiệp trong lĩnh vực này đồng tình chấp nhận điều kiện và chỉ còn khoảng 5% không đồng tình theo số liệu đã được Bộ lượng hóa? Vị này cho rằng điều kiện khác với việc cấm. Điều kiện có nghĩa là tất cả mặt bằng chung phải bằng, ai đáp ứng được thì cùng làm. Nội hàm doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp nhỏ cũng là nhận thức tương đối. Vấn ở đây là anh phải tuân thủ những điều kiện như người khác đang tuân thủ được.
“Chúng tôi đâu cấm? Chúng tôi không tạo chênh lệch, miễn anh đạt được điều kiện đấy vì những lợi ích như đã giải trình trong tờ trình của Chính phủ”, ông nói đồng thời nhấn mạnh Bộ đủ tự tin, lập luận để đưa ra đề xuất này nên mới tham mưu cho Chính phủ để trình Quốc hội.
Không chỉ thế, ông Đông phản đối việc so sánh một cách khập khiễng nước ngoài 10 năm, 20 năm ngành công nghiệp ôtô đã đạt mục tiêu còn nước ta 10 năm rồi chưa đạt được. Ông dẫn chứng cách đây 10 năm, xuất phát điểm của chúng ta, thu nhập bình quân là 500 – 600 USD/người, còn cách đây 20 năm lúc đó thu nhập bình quân của họ đã đạt được 2.000 USD/người. Hiện nay chúng ta mới đạt 2.000 USD/người.
“Không vì cái chưa làm được mà không làm. Chưa làm được thì bây giờ phải làm. Chúng tôi không thể làm lơ với những lợi ích trong tương lai. Ngay trong ASEAN, Thái Lan có khoảng 57 triệu dân, nhưng công nghiệp ôtô thu hút hơn 1 triệu lao động và đóng góp hơn 12% GDP trong khi chúng ta là quốc gia có gần 100 triệu dân”, ông phân tích.
Dẫn lời Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh rằng đó là cách “phòng vệ chính đáng”, ông Đông nêu quan điểm Bộ Kế hoạch Đầu tư không khuyến khích thị trường dễ dãi theo kiểu củ khoai, củ sắn xuất đi nhận hết.
“Như vậy sẽ tự bóp chết nền kinh tế trong tương lai. Chúng tôi muốn tạo thị trường khắt khe mà doanh nghiệp chúng ta vươn tới để đạt được lợi ích đấy thì khi đó mới có thể có sản phẩm người Việt dùng được cho người Việt”, ông nhấn mạnh.
Đáng chú ý, ông Đông thông tin hiện Bộ chỉ nói kinh doanh ôtô chứ chưa bàn phân biệt giữa mới hay cũ. “Sang giai đoạn cụ thể mới phân rõ ràng. Nhưng tiêu chí chúng tôi đặt ra là dễ làm, dễ tuân thủ và chi phí quản lý đảm bảo thấp nhất”, ông Đông cho biết.
Ông Nguyễn Đức Kiên, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc Hội, đại diện đơn vị thẩm tra dự án luật của Bộ Kế hoạch Đầu tư cho hay Ủy ban đã có 3 phiên họp “rất căng thẳng” với Bộ về việc này.
“Chúng tôi ủng hộ có điều kiện đó là yêu cầu Chính phủ làm rõ một số nội dung để thống nhất với quyền lợi của Đất nước. Tôi cho rằng tất cả doanh nghiệp của Việt Nam khi vào trong sân chơi của lĩnh vực này đều phải có điều kiện tiên quyết, bắt buộc cần phải đáp ứng”, ông nói.
Vị này cho hay khuyết điểm lớn nhất dẫn đến các doanh nghiệp nhập khẩu nhỏ có những phản ứng đối với chính sách mới là do họ vẫn sợ thông tư 20 là rào cản hạn chế kinh doanh. Nhưng khi có Hiến pháp 2013 thì chúng ta làm luật để tạo ra sân chơi bình đẳng với điều kiện kỹ thuật cao hơn.
Trong khi đó, ông Lâm Chí Quang, Ủy viên đoàn chủ tịch của Tổng hội cơ khí Việt Nam cho rằng sở dĩ phụ tùng sửa chữa ôtô bên ngoài rẻ hơn là do đó là hàng trôi nổi, không chính hãng hoặc không được nhập khẩu một cách chính thức trong khi phụ tùng tại doanh nghiệp chính hãng đắt hơn do tất cả nhập khẩu đều phải đóng thuế. Nhiều doanh nghiệp bên ngoài sẽ khai gian giá để trốn thuế. Nếu dùng phụ tùng giả sẽ có hệ lụy lớn cho chủ xe và người tham gia giao thông.
“Điều kiện đăng ký kinh doanh trong sản xuất, lắp ráp ôtô thực ra không phải quy định gì gây ảnh hưởng đến người tiêu dùng mà ảnh hưởng đến người sản xuất. Chúng ta khống chế người sản xuất, yêu cầu họ phải tuân thủ những yêu cầu chất lượng chứ không hạn chế các công dân tham gia vào thị trường sản xuất và lắp ráp ôtô”, ông khẳng định