Tỷ phú cho rằng nền kinh tế tiền mặt rất đắt đỏ, không hiệu quả, tốn thời gian và Ấn Độ có nền tảng hoàn hảo để phát triển các dịch vụ tài chính số.
Người giàu nhất thế giới đang có chuyến thăm Ấn Độ - quốc gia khát tiền mặt nhất hiện tại. Tuần trước, Thủ tướng Ấn Độ - Narendra Modi đã đột ngột khai tử tờ 500 rupee và 1.000 rupee. Đây là hai loại tiền phổ biến nhất tại đây, chiếm tới 86% tiền giấy đang lưu thông.
Dù người dân được phép tới các ngân hàng đổi tiền, việc bị áp hạn mức đổi trong ngày và nhiều ATM không hoạt động đã khiến người dân Ấn Độ lâm vào cảnh thiếu tiền mặt nghiêm trọng. Dù vậy, Bill Gates vẫn cho rằng trong dài hạn, đây là quyết định đúng đắn.
"Động thái hủy bỏ tiền mệnh giá cao này rất dũng cảm. Nó là một bước đi quan trọng để chuyển nền kinh tế ngầm sang trạng thái minh bạch hơn", ông cho biết.
Bill Gates cho rằng Ấn Độ đang tiến gần cuộc cách mạng kỹ thuật số trong ngành tài chính. Ảnh: BBC
|
Dù vậy, với tỷ phú, chìa khóa cho việc này vẫn là công nghệ. Ông tin rằng Ấn Độ đang tiến gần cuộc cách mạng kỹ thuật số trong ngành tài chính, không chỉ dừng lại ở thanh toán điện tử và thẻ - dịch vụ mà phần lớn các nhà băng đang áp dụng.
Ông trông đợi sự xuất hiện của những người chơi mới - như các hãng điện thoại di động và nhiều công ty khác - trong thị trường tài chính tiêu dùng. Tại châu Phi, dịch vụ này đã xuất hiện, biến điện thoại thành một dạng chi nhánh ngân hàng số, cho phép người dùng thanh toán hàng hóa, dịch vụ, chuyển tiền và thậm chí vay tiền chỉ bằng một nút bấm.
Gates tin rằng những dịch vụ này, cùng việc hủy bỏ tiền tuần trước, sẽ biến Ấn Độ thành "đất nước kỹ thuật số". "Tất cả những mảng ghép này đang tiến gần nhau. Tôi cho rằng trong vài năm tới, Ấn Độ sẽ trở thành nền kinh tế kỹ thuật số nhất thế giới. Không chỉ về quy mô, mà còn về phần trăm nữa", ông nói.
Ông cũng tỏ ra hào hứng với triển vọng này, vì cho rằng nó có thể giảm nghèo đáng kể cho Ấn Độ. Tỷ phú cho rằng nền kinh tế tiền mặt rất đắt đỏ, không hiệu quả và tốn thời gian.
Việc chuyển sang kỹ thuật số sẽ làm giảm chi phí giao dịch, cho phép Chính phủ hỗ trợ trực tiếp cho người cần chúng và giúp việc vay vốn dễ dàng, rẻ hơn cho tất cả mọi người.
Ông nhận định văn hóa đột phá về công nghệ của Ấn Độ sẽ giúp họ có nền tảng hoàn hảo để phát triển các dịch vụ tài chính số. "Tôi cho rằng Ấn Độ sẽ trở thành người dẫn đầu", tỷ phú kết luận.
Diễn đàn Thanh toán điện tử Việt Nam 2016 (VEPF 2016) được Báo VnExpress và Công ty cổ phần Thanh toán quốc gia Việt Nam (Napas) tổ chức ngày 24/11/2016 tại Hà Nội, với sự chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước. Diễn đàn có sự tham gia của đại diện Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tài chính, Bộ Công Thương, Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, Ngân hàng Thế giới, Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản… và hơn 20 diễn giả là các nhà lãnh đạo, chuyên gia đầu ngành đến từ lĩnh vực ngân hàng, tài chính, bán lẻ, thương mại điện tử và công nghệ thông tin trong nước và quốc tế.
Với hai chủ đề chính năm nay: Giải pháp thúc đẩy thanh toán điện tử trong lĩnh vực công và khả năng liên thông các dịch vụ thanh toán tại Việt Nam và Cơ hội - thách thức với hệ thống tài chính ngân hàng Việt Nam trước làn sóng fintech, diễn đàn thường niên này là dịp các bên liên quan thảo luận, tìm kiếm giải pháp phối hợp hành động nhằm thúc đẩy thanh toán điện tử phát triển, hướng tới mọi đối tượng trong xã hội có thể tiếp cận dễ dàng các dịch vụ tài chính.
Độc giả có thể truy cập địa chỉ http://vepf.vnexpress.net để cập nhật thông tin về Diễn đàn. |
Hà Thu (theo BBC)