Thứ Năm, 17 tháng 11, 2016

100.000 tỷ đổ vào BĐS Quảng Ninh, đây là lý do vì sao có mặt nhiều tập đoàn BĐS lớn

Quảng Ninh gần đây trở thành "hiện tượng" thu hút đầu tư vào lĩnh vực BĐS, nhiều tập đoàn lớn trong và ngoài nước đã lựa chọn thị trường này là nơi đầu tư chiến lược.

100.000 tỷ đổ vào BĐS Quảng Ninh, đây là lý do vì sao có mặt nhiều tập đoàn BĐS lớn
Theo thông tin từ Ban xúc tiến đầu tư Quảng Ninh (IPA) cung cấp, tính lũy kế đến nay dòng vốn FDI đầu tư vào tỉnh đạt khoảng 5,97 tỷ USD, các dự án hầu hết đã hoạt động. Thực hiện đạt trên 155 triệu USD trong 9 tháng qua. 10 tháng đầu năm nay đã cấp mới 10 dự án với tổng vốn đăng ký 520,8 triệu USD, điều chỉnh tăng vốn cho 7 dự án. Nâng tổng vốn FDI 9 tháng đầu năm đạt 523,6 triệu USD.
Nguồn vốn trong nước cũng đang đổ mạnh vào Quảng Ninh, 10 tháng 2016 cấp phép đầu tư 24 dự án có vốn đầu tư trong nước là 15.923 tỉ đồng. Các dự án lớn tỉnh Quảng Ninh đã khởi công triển khai: Dự án Quần thể du lịch nghỉ dưỡng FLC Hạ Long, trong đó có Sân Golf, với tổng vốn đăng ký khoảng 3.400 tỷ; Dự án nuôi bò giống, bò thịt với tổng vốn đăng ký đầu tư 2.258 tỷ đồng.
Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Trương Mạnh Hùng, Phó Trưởng Ban xúc tiến đầu tư (IPA) Quảng Ninh về xu hướng đầu tư này:
Lý do vì sao lại có sự thay đổi mạnh mẽ trong hoạt động đầu tư vào lĩnh vực BĐS, thưa ông?
Tôi cho rằng lý do đầu tiên đó là quy hoạch Quảng Ninh có sự tham vấn từ các tổ chức quốc tế có uy tín trên thế giới. Nhiều dự án trọng điểm xây dựng hạ tầng giao thông là một động lực như tuyến cao tốc chiến lược Hạ Long – Phải Phòng.
Thứ hai, Quảng Ninh là vùng đất giàu tiềm năng phát triển kinh tế công nghiệp, du lịch và dịch vụ. Tỉnh có địa hình độc đáo với hơn 2.000 hòn đảo trải dài theo 250km bờ biển, đặc biệt là Vịnh Hạ Long 2 lần được UNESCO công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới, là kỳ quan thiên nhiên mới của thế giới.
Thứ ba, hoạt động xúc tiến và việc xây dựng các chính sách hỗ trợ và các ưu đãi đầu tư được quan tâm. IPA Quảng Ninh (Ban xúc tiến đầu tư) được thành lập theo xu thế đó, nhằm hỗ trợ, đồng hành cùng như đầu tư trong quá trình tìm hiểu môi trường đầu tư của tỉnh, tham mưu cho tỉnh về công tác đầu tư.
Thứ tư, việc đơn giản hóa, minh bạch hóa các thủ tục hành chính, áp dụng công nghệ thông tin. Bên cạnh đó, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) được quan tâm chỉ đạo sát sao, được coi như chỉ số đánh giá mức độ hài lòng của doanh nghiệp đối với môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh, cũng là một trong những tiêu chí quan trọng để thu hút nhà đầu tư đến với Quảng Ninh. PCI của Quảng Ninh luôn ở top 5 dẫn đầu cả nước 3 năm qua.
Nhiều tập đoàn lớn xem Quảng Ninh là địa điểm đầu tư chiến lược như Vingroup, Sungroup, FLC,… ông có nhận định gì về xu hướng này?
Quảng Ninh dù đã xuất hiện nhiều nhà đầu tư lớn, nhưng theo tôi vẫn còn dư địa để đầu tư. Bởi lượng khách du lịch đến Quảng Ninh ngày một tăng cao, lượng khách tiềm năng rất lớn. Vị trí của vịnh Hạ Long rất thuận tiện cho khách du lịch khu vực Đông Bắc Á.
Mỗi năm Quảng Ninh thu hút hàng triệu lượt khách quốc tế, trong khi tỉnh lại rất thiếu rất nhiều về hạ tầng để thu hút du khách hạng sang đến lưu trú dài ngày, kích thích họ chi tiêu. Đó cũng là lý do các nhà đầu tư quyết định rót vốn vào đây và vào phân khúc cao cấp này.
Ngoài ra còn là môi trường đầu tư. Năm 2010 PCI của Quảng Ninh từ vị trí thứ 26 đã tiến lên xếp thứ 7 trong số 63 tỉnh, thành phố và đứng thứ nhất vùng đồng bằng sông Hồng. Đây là thước đo rõ nhất của các nhà đầu tư và doanh nghiệp đối với môi trường đầu tư ở Quảng Ninh.
Tỉnh cũng đang đẩy nhanh việc triển khai các dự án hạ tầng tạo động lực như dự án đường cao tốc Hạ Long - Hải Phòng; đường cao tốc Hạ Long - Vân Đồn; Cảng hàng không Quảng Ninh, cao tốc Vân Đồn-Móng Cái, KCN dịch vụ đầm Nhà Mạc, KCN Hải Hà… với mục tiêu đến năm 2020 trở thành tỉnh có cơ cấu kinh tế dịch vụ - công nghiệp.
Trong 2 năm qua, tỉnh đã thu hút khoảng 100 dự án BĐS với tổng mức đàu tư 100 nghìn tỷ đồng đã và đang đầu tư. Năm 2015, tỉnh đã cấp mới và điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư cho 97 dự án đầu tư ngoài ngân sách với tổng vốn đạt hơn 53 nghìn tỷ đồng.
Nhiều dự án lớn của nhà đầu tư có uy tín và tiềm lực được lựa chọn để triển khai như: Dự án Công viên đại dương Hạ Long; dự án khu nghỉ dưỡng khoáng nóng cao cấp Quang Hanh; dự án Trung tâm thương mại Vincom Center Hạ Long; dự án khu khách sạn nghỉ dưỡng biển cao cấp Vinpearl Hạ Long... Đây chính là những bước đi táo bạo, đột phá của Quảng Ninh về hạ tầng du lịch, dịch vụ, thương mại, từng bước nâng cao tỷ trọng dịch vụ du lịch trong cơ cấu kinh tế của tỉnh.
Bên cạnh đó, lãnh đạo tỉnh cũng chỉ đạo sát sao các cấp, ngành, địa phương thay đổi tư duy đến cách tiếp cận, tổ chức xúc tiến đầu tư đến chính sách. Tạo điều kiện giải quyết các thủ tục hành chính nhanh nhất. Ví dụ như đối với nhà đầu tư FLC, lãnh đạo tỉnh thậm chí đã nhiều lần ra thăm và làm việc tại trụ sở của Tập đoàn, thuyết phục tập đoàn đầu tư tại tỉnh. Đó và là một trong những lý do để họ quyết định đầu tư.
Quảng Ninh có những lợi thế gì mà những tỉnh khác không có để thu hút đầu tư?
Như ở trên tôi đã nói, Quảng Ninh đang xây dựng mạnh mẽ hệ thống cơ sở hạ tầng. Có lẽ chiến lược tập trung phát triển hạ tầng và cải thiện môi trường đầu tư là một lợi thế.
Tính năng động, sáng tạo của của lãnh đạo tỉnh trong công tác điều hành và phát triển kinh tế. Đó chính là năng lực cạnh tranh, các giải pháp về hành chính công cải thiện rõ nét.
Thông qua rà soát, các cơ quan có liên quan đã đề xuất cắt giảm thủ tục hành chính (TTHC) từ 237 ngày xuống còn 109 ngày làm việc; cắt giảm 64% TTHC về cấp giấy chứng nhận đầu tư.
Cải cách hành chính công, giảm được 40% thời gian giải quyết thủ tục hành chính và tới đây tỉnh tiếp tục phấn đấu giảm được 50%.
Một trong những chìa khóa quyết định cho sự thành công của Quảng Ninh, cũng như một lợi thế quan trọng chính là cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư và tỉnh Quảng Ninh đã đạt được tiếng nói chung. Quảng Ninh luôn xác định doanh nghiệp là nguồn lực của tỉnh, sức cạnh tranh của doanh nghiệp chính là năng lực cạnh tranh của tỉnh.
Xin cám ơn ông!