Người dân Hậu Lộc (Thanh Hóa) rầm rộ xây nhà trọ khi nghe tin dự án Vinaxuki về địa phương. Khi nhà máy nghìn tỷ chết yểu thì bà con nơi đây cũng rơi vào cảnh khốn cùng.
Năm 2011, Nhà máy sản xuất, lắp ráp ôtô, máy của Công ty cổ phần ôtô Xuân Kiên Vinaxuki (trên diện tích đất của 2 xã Đại Lộc và Triệu Lộc, huyện Hậu Lộc, Thanh Hóa) đi vào hoạt động hứa hẹn giải quyết vấn đề việc làm cho con em địa phương. Hơn nữa, cuộc sống của những nông dân chân đất cũng được hứa hẹn sẽ đổi đời khi sẽ thành ông chủ, bà chủ của các dãy nhà trọ, nhà nghỉ, kinh doanh dịch vụ ăn uống cho công nhân, kỹ sư nhà máy.
Năm 2010, ông Ngọa Văn Trị (53 tuổi, thôn Phú Ngọc, xã Đại Lộc) được nhận hơn 40 triệu đồng tiền đền bù đất đồi ruộng từ nhà máy Vinaxuki. Sau đó, ông Trị đã thêm 80 triệu đồng để xây dãy nhà trọ với 6 phòng và các công trình phụ trợ. Thế nhưng, ước mơ làm ông chủ dịch vụ này ngắn chẳng tày gang.
"Năm 2011 nhà máy đi vào hoạt động cũng có vài công nhân thuê phòng ở. Vài tháng sau, không hiểu sao nhà máy bắt thưa dần người rồi không thấy một bóng ai. Dãy nhà trọ của tôi từ đó đến nay cũng chết luôn theo cái nhà máy này" - ông Trị than thở. "Nhà trọ giờ chỉ để nuôi gà, làm nhà bếp và thành kho chứa đồ đạc" - ông nói.
Không còn đất đồi ruộng sản xuất, giấc mơ kinh doanh nhà trọ cũng không thành, vợ chồng ông Trị đành chuyển nghề làm miến mưu sinh sống qua ngày.
Cách đó không xa, gia đình vợ chồng anh Nguyễn Văn Tư (49 tuổi) và chị Nguyễn Thị Hiền (45 tuổi) cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự. Gia đình anh Tư bán đất sản xuất cho nhà máy rồi đầu tư xây 2 dãy phòng trọ.
Chăn chiếu, nệm, bàn ghế cũng được gia đình anh sắm đầy đủ để phục vụ khách ở. Thế nhưng, giờ số đồ đạc này đành nhét đóng, phủ bụi. Hiện một số đã hư hỏng.
Vài phòng khác được gia đình tận dụng làm chuồng nuôi gà.
Công trình phụ trợ, nhà vệ sinh của dãy nhà trọ bỏ không, rêu mốc phủ kín.
Để có tiền trả nợ tiền xây nhà trọ, anh Tư ra Hà Nội làm thuê, còn chị Hiền đi làm công nhân may ở nhà máy ở xã gần đó. Hai đứa con nhỏ cũng từ đó ít được gặp bố mẹ mỗi ngày.
Nhà sát bên nhà máy, gia đình bà Nguyễn Thị Minh (55 tuổi) lựa chọn xây quán mở dịch vụ phục vụ đồ ăn, nước uống cho công nhân. Từ khi nhà máy dừng hoạt động, quán ăn của gia đình bà cũng dừng theo. "Vợ chồng tôi là cán bộ quân nhân về hưu. Năm 2010, chúng tôi dùng tiền lương hưu cộng vay thêm xây cái quán này. Sắm thêm đồ đạc, công trình phụ trợ cũng ngót nghét mất gần cả trăm triệu. Giờ đành bỏ hoang thành nơi chứa đồ, trong khi nợ nần còn đó" - bà Minh buồn bã.
Trao đổi với Zing.vn, ông Nguyễn Thi Thường, Bí thư Chi bộ thôn Phú Ngọc (xã Đại Lộc), cho biết địa phương có gần 50 đầu tư xây nhà trọ, hàng quán dịch vụ khi biết dự án Nhà máy ôtô Vinaxuki xây dựng. Khi nhà máy ngừng hoạt động, đa phần các hộ đã chuyển đổi số dãy nhà này thành các chuồng nuôi lợn, gà và các hình thức khác. Hiện vẫn còn khoảng 10 hộ bỏ hoang các dãy nhà trọ vì không biết phải làm gì.
Theo ông Thường, trước đó chính quyền, lãnh đạo công ty huy động bà con nhường đất ruộng, đất đồi để làm dự án và hứa hẹn mở ra một tương lai mới cho người dân, con em được giải quyết vấn đề việc làm. Họ khuyến khích bà con xây nhà trọ và giờ đành bỏ không. "Mấy năm nay, do mất đất sản xuất nên nhiều người không có việc làm phải đi tha hương cầu thực. Chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị vấn đề này lên với chính quyền các cấp nhưng vẫn chưa được giải quyết", ông Thường nói.