Thứ Năm, 22 tháng 9, 2016

Tại sao Apple cứ phải thêm iPhone 6S, 7S? Đây thực chất là chiến lược kinh doanh thiên tài bất kỳ công ty nào cũng đều nên học tập

Đằng sau việc luôn ra mắt sản phẩm iPhone 5S, 6S bên cạnh iPhone 5 và 6 của Apple là cả một chiến lược kinh doanh thiên tài.

Tại sao Apple cứ phải thêm iPhone 6S, 7S? Đây thực chất là chiến lược kinh doanh thiên tài bất kỳ công ty nào cũng đều nên học tập
Đã có rất nhiều bài viết, bình luận về cách Apple thay đổi nhận thức của mọi người về chiếc điện thoại di động. Có bài viết về sự đổi mới mà Apple mang lại hay những trải nghiệm khách hàng mà họ cung cấp…
Tuy nhiên, còn một chiến lược đặc biệt mà Apple sử dụng vốn không được nhiều nhắc đến mang tên “S Strategy” (Chiến lược S). Với “S Strategy”, Apple không ngay lập tức đặt một cái tên mới cho các dòng sản phẩm iPhone tiếp theo theo thứ tự chữ số - ví dụ: Đời đầu là iPhone thì sau đó là iPhone 2,3,4… Thay vào đó, dòng sản phẩm của Apple được mang tên lần lượt như sau:
iPhone 1: 6/2007
iPhone 3G: 7/2008
iPhone 3GS: 6/2009
iPhone 4: 6/2010
iPhone 4S: 10/2011
iPhone 5: 9/2012
iPhone 5C, 5S: 9/2013
iPhone 6/6 Plus: 9/2014
iPhone 6S/6S Plus: 9/2015
iPhone 7/7 Plus: 9/2016
Như có thể thấy ở trên, không có iPhone 2 có thể là do sự xuất hiện của công nghệ 3G, Apple quyết định bỏ qua con số 2 và gọi mẫu iPhone thứ 2 là iPhone 3G. Sau 3G và 3GS, họ tiếp tục bỏ chữ cái G và lần lượt là 4, 4S, 5, 5S...
Vậy tại sao Apple không cho ra mắt những mẫu iPhone mới và đặt tên theo thứ tự chữ số?
Theo Vicky Bahl - một cây viết của LinkedIn thì đây chính là một phần cực kỳ quan trọng trong chiến lược kinh doanh của Apple. Nó mang lại nhiều lợi ích cho cả công ty, khách hàng của họ và toàn bộ hệ sinh thái iPhone.
Lợi ích đầu tiên: Kiểm soát kỳ vọng
Trước hết hãy thử trả lời câu hỏi này: Liệu những kỳ vọng về tính năng mới của bạn từ iPhone 6 lên 6S có khác so với từ 6S lên 7 không? Rõ ràng là khác nhau đúng không. Điều quan trọng với Apple là có thể kiểm soát được kỳ vọng của khách hàng một cách đúng đắn.
Nếu iPhone 7 ra ngay sau iPhone 6, dòng sản phẩm tiếp theo này sẽ chịu áp lực vô cùng lớn về việc tạo ra những thay đổi mang tính đột phá trong một khoảng thời gian có hạn. Điều này sẽ tạo ra rủi ro không hề nhỏ cho Apple hay bất kỳ công ty công nghệ nào trong việc xây dựng kỳ vọng nơi khách hàng.
Chính vì vậy, việc ra mắt dòng S là công cụ hữu hiệu để kiểm soát những kỳ vọng đó.
Lợi ích thứ 2: Không để hệ sinh thái hỗn loạn
iPhone chỉ là một trong số những sản phẩm của Apple chính vì vậy cũng cần quan tâm đến toàn bộ hệ sinh thái kinh doanh mà nó đang phụ thuộc vào. Hệ sinh thái ở đây bao gồm một phần các nhà cung cấp cho Apple, các nhà phát triển ứng dụng, nhà sản xuất phẩn cứng như tai nghe, vỏ điện thoại, đối tác bán lẻ… Các chu kỳ phát triển cho mỗi mảng kinh doanh này cũng cần đạt tốc độ ngang với Apple.
Nếu Apple đạt tốc độ quá nhanh, ví dụ như họ thay đổi kích thước màn hình điện thoại mỗi năm thì nhà sản xuất vừa phải đầu tư cho thiết kế mới, vừa mắc kẹt với hàng đống mẫu mã cũ. Điều này có thể dẫn tới tình trạng ít lựa chọn hơn cho người mua và hiển nhiên gây ra khó khăn cho Apple.
Tương tự như vậy, các nhà phát triển ứng dụng cần đầu tư cải tiến cho mỗi phiên bản mới của iPhone và hệ điều hành iOS.
"Chiến lược S" cho phép các bộ phận trong hệ sinh thái hoạt động tốt trong một khoảng thời gian để lên kế hoạch kỹ lưỡng cho những bước tiếp theo cùng với Apple và giúp mô hình kinh doanh của họ bền vững hơn.
Lợi ích thứ 3: Duy trì mối tương quan và tạo nên đột phá
"Chiến lược S" cũng giúp Apple duy trì mối tương quan với thị trường. Nếu vì một lý do nào đó, để giới thiệu một sản phẩm mới, Apple buộc khách hàng phải chờ tới 2 năm thì rõ ràng họ sẽ bị tụt hậu lại phía sau.
Chính vì vậy, với "chiến lược S", Apple muốn mang tới những nâng cấp đáng kể cho dòng S nhưng chưa phải là đột phá hoàn toàn, có sức mạnh thay đổi cuộc chơi. Cách làm khôn ngoan này sẽ tạo sự tò mò, quan tâm của báo chí, các blogger và từ đó thúc đẩy doanh số bán hàng.
Lợi ích thứ 4: Chu kỳ nâng cấp đúng đắn cho khách hàng
Apple không có hàng 100 mẫu điện thoại như Samsung. Trong 10 năm qua, họ chỉ ra mắt 10 dòng điện thoại (chưa kể những dòng Plus). Là một nhà sản xuất điện thoại cao cấp, khách hàng của Apple sẽ không nâng cấp điện thoại của mình hàng năm ngay khi mẫu mới ra mắt. Và Apple biết rằng điều này rất tốt. Apple có thể phân đoạn thị trường và hiểu chu kỳ nâng cấp của khách hàng trung bình từ 24 – 36 tháng. Vì vậy, họ thực sự không cần phải quá vội trong việc ra mắt sản phẩm mới.
Nhìn chung vì Apple cung cấp những sản phẩm tuyệt vời nên khách hàng của họ không quá nhanh chóng chán iPhone. Tuy nhiên, Apple cũng biết rằng có rất nhiều khách hàng mới luôn sẵn sàng nâng cấp sản phẩm hàng năm.
Chính vì vậy, họ cần phải cho khách hàng thấy giá trị thích đáng của việc nâng cấp từ iPhone 5S hay iPhone 6 lên iPhone 7. Còn những khách hàng đang dùng iPhone 6S sẽ có suy nghĩ "kìm nén" việc muốn nâng cấp máy thời điểm hiện tại.
Lợi ích thứ 5: Tính đủ thời gian để làm ra những sản phẩm hoàn hảo
Những ngày vừa qua sự cố của Note 7 đã khiến tập đoàn Samsung lao đao. Những sự việc kiểu như vậy thường xảy ra khi quá nóng vội.
Đối với Apple, chu kỳ nâng cấp sản phẩm khoảng 24 tháng cho phép họ có đủ thời gian để nghiên cứu thói quen người dùng, phân tích chi tiết sản phẩm và tiến hành nhiều thử nghiệm khác trước khi ra mắt sản phẩm với trạng thái hoàn hảo nhất.