Twitter từng được cho là hiện tượng của ngành công nghiệp công nghệ thông tin với lần phát hành cổ phiếu đầu tiên ra công chúng cách đây 3 năm, đến nay dường như có dấu hiệu sắp bị bán.
Tại thời điểm này chúng ta có thể thấy có khá nhiểu điểm tương đồng giữa Twitter vàYahoo. Việc thay đổi vai trò của các CEO với ít định hướng phát triển cho tương lai, Twitter đang phải vật lộn với cuộc khủng hoảng rõ rệt cùng với đó là những thách thức đòi hỏi phải có chiến lược đột phá cho sự tăng trưởng.
Giới công nghệ cũng đã từng chứng kiến điều tương tự xảy đến với Yahoo. Một Yahoo từng được coi là được coi là gã khổng lồ ngang tầm với Google bỗng dưng trở nên " ì ạch" trong suốt một quãng thời gian dài do thiếu tầm nhìn chiến lược và cạn kiệt chất xám để rồi phải đi đến một cái kết buồn.
Các chuyên gia cho rằng nếu Twitter không bán sớm thì sẽ lại phải chịu chung số phận với Yahoo. Giá trị vốn hóa thị trường của Yahoo từng lên tới 125 tỷ USD, tuy nhiên hãng này đã phải chấp nhận "bán mình" cho Verizon với giá 4.8 tỷ USD. Trong khi đó 8 năm trước Microsoft cũng đã ngỏ ý muốn mua lại với giá 42 tỷ USD nhưng Yahoo không đồng ý bán.
Tính đến thời điểm hiện tại, giá trị của Twitter có thể lên tới 30 tỷ USD ( gấp đôi so với giá trị vốn hóa thị trường) nếu chấp nhận "bán mình". Nếu CEO Jack Dorsey và hội đồng quản trị không chịu rút ra bài học từ Yahoo thì e rằng Twitter sẽ tiếp tục đi theo vết xe đổ của Yahoo.
Twitter sẽ tiếp tục chơi ván bài mạo hiểm nếu như từ chối việc "bán mình" cho công ty khác và tự xoay xở trong hoàn cảnh khó khăn này. Theo tở New York Times, một giải pháp khác mà Twitter đang cân nhắc đó chính là tái cơ cấu lại công ty trong đó bao gồm việc cắt giảm nhân viên. Tuy nhiên, điều này cũng đã từng được cả Yahoo và Twitter thực hiện nhưng dường như vẫn chưa thấy được tính hiệu quả.
Tuy vậy, mặc dù còn khó khăn, Twitter vẫn là một "công cụ" vô giá trong việc thu thập, cập nhật thông tin từ những người nổi tiếng, chính trị gia trên thế giới, các nhà hoạt động...Nó chứa một kho tàng dữ liệu mà bất cứ đối thủ lớn nào trong đó có Google và Salesforce cũng phải thèm muốn. Đây còn là nơi mà các ngôi sao của các chương trình truyền hình thực tế hay các ông trùm bất động sản quảng bá bản thân và thương hiệu của mình.
Không ai có thể phủ nhận tầm ảnh hưởng của Twitter đối với cuộc sống hiện đại ngày nay. Tuy nhiên cũng bởi lẽ đó mà Twitter luôn đặt mình vào vị trí kiêu hãnh và từ chối lời đề nghị mua lại từ Facebook. Nếu Twitter không có những chiến lược thực sự mang tính đột phá thì khó có một phép màu nào có thể xảy đến với trang mạng xã hội này.