Dù chịu gánh nặng thuế phí song lượng tiêu thụ xe hơi tại Việt Nam sau 4 tháng đầu năm vẫn tăng gần 30% so với cùng kỳ.
Hiệp hội Các nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA) vừa có báo cáo tình hình kinh doanh tháng 4. Theo đó, doanh số bán hàng toàn thị trường đạt 25.725 xe, tăng 42% so với cùng kỳ.
Sản lượng xe lắp ráp trong nước đạt 19.500 chiếc, giảm 2,5% và số lượng nhập khẩu nguyên chiếc là 6.225 xe, tăng 29% so với tháng trước.
Người Việt tăng mua ôtô dù thuế phí tăng cao.
|
Lũy kế 4 tháng, doanh số bán hàng toàn thị trường đạt 85.414 xe, tăng 28% so với cùng kỳ. Như vậy, trung bình mỗi ngày, người Việt mua 706 xe (cùng kỳ là 548 xe). Các mẫu ôtô được tiêu thụ mạnh nhất là: Kia Morning, Mazda 3, Toyota Vios, Ford Ranger, Mazda CX-5, Kia K3, Toyota Camry…
Trong cơ cấu bán hàng, xe lắp ráp vẫn chiếm ưu thế với 66.121 chiếc, nhập khẩu nguyên chiếc là 18.293 xe. Cũng theo báo cáo của VAMA, doanh số bán hàng của THACO đạt 33.921 xe sau 4 tháng, chiếm 42,8% toàn thị trường. Tiếp theo là Toyota (16.598 xe, 20,9% thị phần).
Từ đầu năm 2016 tới nay, thuế tiêu thụ đặc biệt với mặt hàng ôtô đã có nhiều thay đổi khiến giá bán tăng mạnh. Cụ thể, thuế tiêu thụ đặc biệt được tính tại cơ sở bán ra thay vì tại cảng như trước đó. Chính vì vậy, với xe nhập khẩu, giá bán sẽ được tính cộng dồn chi phí vận chuyển, quảng cáo, nhân công... làm tăng giá xe 5-10%.
Từ 1/7 tới, thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt đối với các dòng xe có dung tích lớn cũng tăng mạnh. Với các xe có dung tích xilanh trên 2.500 cm3, thuế suất sẽ tăng từ 50 lên 55%, trên 3.000m cm3 là 90%. Các xe có dung tích từ 4.000 cm3 đến hơn 6.000 cm3 sẽ dao động tăng thuế lên 130-150%.
Mức thuế này được áp dụng với cả xe trong nước và nhập khẩu. Theo tính toán, dòng xe có dung tích lớn sẽ chịu tác động tăng giá mạnh, có khi tới vài tỷ đồng. Trong khi đó, xe có dung tích dưới 1.500 cm3 sẽ được giảm giá khoảng 5%.
Các xe bán chạy trong tháng. Click vào hình xem chi tiết.
|