Cầu Rạch Chiếc 2 được xây dựng nằm trên đường Vành Đai 2 (quận 9, TPHCM). Đây là một trong những công trình giao thông trọng điểm của TPHCM nhằm góp phần giải quyết bài toán kết nối giao thông khu vực phía Đông Bắc TP và các tỉnh miền Đông Nam bộ. Cầu xây dựng đáp ứng tải trọng trên 30 tấn với vốn đầu tư gần cả ngàn tỉ đồng, nhưng khi vận hành, chỉ cho xe máy, ô tô khách, xe tải dưới 3,5 tấn lưu thông qua cầu với hai lộ trình
Cầu Rạch Chiếc 2 được xây dựng nằm trên đường Vành Đai 2 (quận 9, TPHCM). Đây là một trong những công trình giao thông trọng điểm của TPHCM nhằm góp phần giải quyết bài toán kết nối giao thông khu vực phía Đông Bắc TP và các tỉnh miền Đông Nam bộ. Không những rút ngắn quãng đường xe lưu thông từ Khu công nghệ cao (quận 9) về đi các cảng ở TPHCM, mà còn giải tỏa áp lực giao thông trên nhiều tuyến đường thường xuyên ách tắc như xa lộ Hà Nội, Đồng Văn Cống… có lượng xe ra vào cảng Cát Lái hàng ngàn chuyến mỗi ngày. Cây cầu đưa vào khai thác sẽ tạo đà phát triển cho Khu công nghệ cao bởi rút ngắn quãng đường về cảng Cát Lái còn khoảng 8km, thay vì đi đường vòng ra xa lộ Hà Nội dài 14km. Như vậy, mục tiêu xóa “vùng trắng” về hạ tầng giao thông của TP ở khu vực này đã được hiện thực hóa sau hàng chục năm qua.
Ông Vũ Kiến Thiết, Giám đốc Khu quản lý giao thông đô thị số 2 thuộc Sở GTVT TPHCM (đơn vị được giao làm chủ đầu tư), cho biết dự án Cầu Rạch Chiếc 2 được chia làm hai giai đoạn. Trong đó, giai đoạn 1: xây dựng nhánh cầu vòm thép bên trái tim đường, với ba nhịp vượt sông có tổng chiều dài 868m, gồm bốn làn xe lưu thông theo hướng từ cầu Phú Mỹ đi qua Khu công nghệ cao để ra xa lộ Hà Nội. Tổng vốn đầu tư giai đoạn 1 là 871 tỷ đồng, được thực hiện theo hình thức nhà thầu xây lắp ứng vốn thi công. Ngoài xây cầu, nhà thầu sẽ thi công nút giao đồng mức giữa cầu Rạch Chiếc 2 với đường D2 (thuộc Khu công nghệ cao) và đoạn đường nối từ cầu Rạch Chiếc 2 ra xa lộ Hà Nội.
Theo quy hoạch, đường Vành Đai 2 (trong đó có cầu Rạch Chiếc 2) dài khoảng 70km, bắt đầu từ đường Nguyễn Văn Linh đi qua cầu Phú Mỹ nối vào đường vành đai phía Đông ra đến ngã tư Bình Thái (xa lộ Hà Nội) - Gò Dưa, đi qua nút giao Tân Tạo trên quốc lộ 1, theo đường Hồ Học Lãm và Ba Tơ để khép vào đường Nguyễn Văn Linh. Khi tuyến đường này hoàn thành sẽ giúp tăng năng lực giao thông của TPHCM và các vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, đặc biệt giải quyết tình trạng ách tắc giao thông tại khu vực trung tâm. Phương tiện vận tải hàng hóa ra vào các cảng, đi từ các tỉnh miền Đông sang miền Tây không còn phải xuyên qua khu vực nội thành.
Vấn đề là cầu xây dựng đáp ứng tải trọng trên 30 tấn với vốn đầu tư gần cả ngàn tỉ đồng, nhưng khi vận hành, chỉ cho xe máy, ô tô khách, xe tải dưới 3,5 tấn lưu thông qua cầu với hai lộ trình. Lộ trình thứ nhất kết nối với xa lộ Hà Nội gồm nút giao đường Liên Phường - cầu Rạch Chiếc 2 - đường D2 - vòng xoay D1, D2 - đường D1 - xa lộ Hà Nội và lộ trình ngược lại. Lộ trình hai kết nối với đường Lê Văn Việt gồm nút giao đường Liên Phường - cầu Rạch Chiếc 2 - đường D2 - vòng xoay D1, D2 - đường D2B - đường Vành đai giai đoạn 2 - Khu công nghệ cao - Lê Văn Việt và lộ trình ngược lại. Riêng xe tải phục vụ Khu công nghệ cao sẽ được phép chạy từ cầu Phú Mỹ qua cầu Rạch Chiếc. Sở dĩ chỉ cho xe dưới 3,5 tấn lưu thông là do đường không đủ tải (?!). Như vậy, mục tiêu giảm tải cho xa lộ Hà Nội, đường Mai Chí Thọ, Đồng Văn Cống và vận tải hàng hóa khu vực phía Đông Bắc TP và các tỉnh miền Đông Nam bộ vẫn chưa đáp ứng được. Nhằm gỡ nút thắt này, TP cần khẩn trương nâng cấp tải trọng đường để đồng bộ với cầu nhằm tránh lãng phí cây cầu xây gần ngàn tỷ đồng rồi lại hạn chế xe lưu thông.
Theo SGGP
Tin bài khác
-
Hà Nội: Dầm thép khổng lồ đang cẩu lên bị đứt cáp rơi xuống đất
-
Hải Dương: Tàu trọng tải lớn đâm gãy dầm cầu, người ùn ứ hai bến đò dã chiến
-
Diễn biến mới vụ chặn cầu cũ, bắt đi cầu mới để thu phí ở Phú Thọ
-
Giá vé qua cầu Hạc Trì cao “ngất ngưởng”