Những ngày qua, cộng đồng doanh nghiệp (DN) và dư luận đã được nghe lãnh đạo Bộ Tài chính khẳng định “không có chuyện làm ra 10 đồng, nộp thuế mất 4 đồng”.
Trước thông tin DN Việt Nam phải dành gần 40% lợi nhuận để nộp thuế là quá lớn, vượt quá mức chịu đựng của DN làm ảnh hưởng tới sức cạnh tranh, là một trong những nguyên nhân khiến số DN Việt Nam giải thể, dừng hoạt động tăng cao. Giải đáp điều này, Bộ Tài chính cho rằng cách hiểu tỉ lệ thu thuế/lợi nhuận của DN ở mức cao là chưa đúng. Theo Bộ Tài chính, thuế, phí trong lĩnh vực tài chính là khoản huy động của Nhà nước từ doanh nghiệp, cá nhân trong xã hội nhằm phục vụ tài chính cho các hoạt động của Nhà nước và mang tính chất hoàn trả gián tiếp.
Nhiều lý giải của Bộ này dễ nhận thấy sự “rắm rối”. Như việc số thu ngân sách từ thuế, phí của nhiều nước theo số liệu được tổ chức quốc tế tổng hợp và công bố thường chỉ là số thu của ngân sách của chính quyền Trung ương do hệ thống ngân sách của các nước này có sự độc lập giữa các cấp ngân sách. Trong khi đó, hệ thống ngân sách của Việt Nam bao gồm 4 cấp và số thu ngân sách được công bố, công khai hằng năm luôn bao gồm nguồn thu của tất cả 4 cấp này.
Rồi việc thu ngân sách bao gồm cả nguồn thu từ dầu thô, từ quyền sử dụng đất, từ bán nhà thuộc sở hữu nhà nước cũng được tính chung vào nguồn thu, trong đó riêng thu từ dầu thô đang được xếp vào khoản thu từ thuế như thu các sắc thuế khác…
Tuy nhiên, vẫn có những con số cụ thể mà thực tế không thể che dấu được, đó là tỉ trọng tổng số thu ngân sách nhà nước trên GDP của Việt Nam giai đoạn năm 2011-2015 khoảng 23,3%, trong đó tỉ lệ động viên từ thuế, phí khoảng 20,9%. Còn con số này cùng thời kỳ của Thái Lan là 23%, Indonesia là 16,6%, Lào 23,4%, Malaysia là 24,5%, Ấn Độ là 19,5%...
Bộ Tài chính cũng cho rằng, tỉ lệ động viên của các sắc thuế chính ở mức thấp và đang được điều chỉnh theo xu hướng giảm dần. Ví dụ như thuế thu nhập doanh nghiệp được điều chỉnh giảm từ mức 32% năm 1999, 28% từ năm 2004 và 25% từ năm 2009 theo đúng chiến lược, lộ trình cải cách thuế.
Mức thuế suất phổ thông từ 2014 là 22% và từ 1.1.2016 xuống mức 20% và mức thuế suất ưu đãi là 10% và 17%. Nếu so với mức bình quân chung của 83 nước trên thế giới là 27%; so với một số nước trong khu vực có mức thuế suất phổ thông 30% như Philippines, Thái Lan; Trung Quốc 25%, Malaysia 25% thì mức thuế suất phổ thông của Việt Nam được đánh giá là thấp.
Đối với các khoản đóng góp về bảo hiểm xã hội, y tế, thất nghiệp, kinh phí công đoàn…, Bộ Tài chính khẳng định không thuộc về khoản huy động tài chính của Nhà nước. Đây là các khoản đóng góp của người lao động và người sử dụng lao động nhằm bảo đảm các chính sách an sinh cho bản thân người lao động. Tổng 3 khoản trên theo Quyết định 959/QĐ-BHXH lên tới 32,5%, trong đó DN phải đóng là 22%... Những khoản này đều được trích ra từ nguồn lợi nhuận của DN.
Và dù đó không phải là việc DN trích nộp thuế lên tới 40% như dư luận ồn ào, thì tổng những khoản nộp của DN cho các lĩnh vực trên cũng không hề nhỏ. Các khoản thu trên trên thực tế đang được xem là vượt quá sức chịu đựng của DN, khiến DN khó cạnh tranh khi hội nhập đang cận kề.