Làn sóng tăng lãi suất của các ngân hàng chưa có dấu hiệu hạ nhiệt cho dù nhiều tổ chức kinh tế nhận định dòng tiền đang quay trở lại ngân hàng trong những ngày sau Tết.
Báo cáo tình hình hoạt động ngân hàng trên địa bàn Hà Nội tháng 2/2016 của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Chi nhánh Hà Nội cho biết, tính đến 31/1/2016, tổng nguồn vốn huy động của các tổ chức tín dụng (TCTD) trên địa bàn chỉ đạt 1.403.436 tỷ đồng, giảm 4,84% so với thời điểm 31/12/2015. Trong đó, mặc dù tiền gửi tiết kiệm tăng 0,74% nhưng tiền gửi thanh toán giảm 7,81%. Đặc biệt tiền, gửi bằng VND giảm 10,1% so với 31/12/2015.
NHNN Chi nhánh Hà Nội cũng dự kiến đến 29/2/2016, tổng nguồn vốn huy động của các TCTD trên địa bàn chỉ đạt 1.431.505 tỷ đồng, giảm 2,94% so với 31/12/2015. Trong đó, mặc dù tiền gửi tiết kiệm tăng 2,91% nhưng tiền gửi thanh toán giảm 5,96%, tiền gửi bằng VND giảm 2,43%, tiền gửi bằng ngoại tệ giảm 2,89% so với 31/12/2015.
Tháng 1/2016, các TCTD đã tích cực sử dụng nhiều biện pháp đẩy mạnh huy động vốn, triển khai đa dạng nhiều sản phẩm tiền gửi tiết kiệm mới dành cho khách hàng. Cụ thể, BIDV đã mạnh tay điều chỉnh lãi suất huy động thêm 0,5 - 0,8%/năm ở các kỳ 1 - 3 tháng. Kỳ hạn một tháng tăng từ 4% lên 4,8%/năm, 2 tháng từ 4,3% lên 5%/năm và 3 tháng lên 5,2%/năm (tăng thêm 0,5%/năm so với mức niêm yết cũ).
Eximbank chính thức áp biểu lãi suất huy động mới với tiền gửi tiết kiệm từ 15 tháng trở lên có thể hưởng lãi suất cao 7,6%/năm. ACB cũng nâng biểu lãi suất tiền gửi thêm mức 0,1 - 0,2%/năm ở gần hết các kỳ hạn và mức lãi suất cao nhất của ngân hàng này là 6,9%/năm với kỳ hạn 36 tháng.
Đặc biệt, SeABank, OCB… đã điều chỉnh biểu lãi suất huy động mới với mức lãi suất cao nhất cho kỳ hạn từ 13 tháng trở lên tới 8 - 8,2%/năm, mức lãi suất cao nhất trong hệ thống được ghi nhận tại thời điểm hiện tại.
Mặc dù vậy, nguồn vốn huy động của các TCTD trên địa bàn Hà Nội vẫn giảm so với cuối năm 2015. Trong khi đó, tín dụng vẫn duy trì tốc độ tăng đều đặn. Đơn cử, theo báo cáo của NHNN Chi nhánh Hà Nội, đến cuối tháng 1/2016, tín dụng tăng 0,2% so với cuối năm 2015 và dự kiến đến cuối tháng 2/2016 tín dụng tăng 0,7%.
Việc tín dụng thường xuyên tăng cao hơn huy động đã kéo dài kể từ nửa cuối năm 2014 đến nay và thực trạng đó, theo các chuyên gia ngân hàng, chính là nguyên nhân lớn nhất đẩy lãi suất huy động tăng.
TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế phân tích, nguồn vốn huy động giảm trong khi cho vay lại tăng là một trong những nguyên nhân khiến làn sóng tăng lãi suất huy động được dâng cao trong thời gian qua. Bên cạnh đó, năm 2016 được dự báo nền kinh tế sẽ ấm lên khiến nhu cầu vốn được dự báo sẽ tăng cao tương ứng.
Trong khi đó, sau Tết Nguyên đán, theo chu kỳ dòng tiền sẽ quay trở về ngân hàng cao nên các ngân hàng phải tranh thủ “hút” nguồn tiền này để dự trữ thanh khoản. Thêm nữa, các ngân hàng luôn luôn cần huy động, bởi ngành ngân hàng Việt Nam tính thanh khoản yếu, cho vay trên tổng huy động có những thời điểm lên trên 90% trong toàn hệ thống.
Bên cạnh việc phải tăng lãi suất để hút vốn, thì hoạt động phát hành trái phiếu Chính phủ cũng tạo nhiều sức ép đến mặt bằng lãi suất.
“Chính phủ luôn luôn cần tiền nên liên tục phát hành trái phiếu với mức lãi suất cũng tăng nên kéo mặt bằng lãi suất huy động lên”, ông Hiếu nhấn mạnh.
Ở một tương quan khác, chủ tịch HĐQT một ngân hàng cho rằng, nợ xấu đã gây nhiều khó khăn thanh khoản cho các ngân hàng do một lượng vốn không nhỏ bị “chôn” theo các khoản nợ xấu này, buộc các ngân hàng phải tăng cường huy động vốn để bù đắp. Hơn nữa, các ngân hàng phải trích lập dự phòng rủi ro cho các khoản nợ xấu và đây là một cấu phần hình thành lãi suất cho vay. Cụ thể: lãi suất cho vay = chi phí vốn (lãi suất huy động) + chi phí cho dự trữ bắt buộc + chi phí hoạt động + dự phòng rủi ro, theo đó, nếu nợ xấu tăng, chi phí dự phòng rủi ro tăng lên sẽ đẩy lãi suất cho vay tăng.
“Nợ xấu là điều rất đáng lo ngại và nhiều khả năng sẽ tăng cao trở lại khi năm 2015, tín dụng toàn hệ thống tăng mạnh gần 18%, với nguồn vốn được đẩy mạnh cho vay trung, dài hạn vào các dự án BOT giao thông…”, phó tổng giám đốc phụ trách khối nguồn vốn một ngân hàng TMCP chia sẻ.
Được biết, tính đến 31/1/2016, nợ quá hạn của các TCTD trên địa bàn Hà Nội chiếm 3,79% trong tổng dư nợ tín dụng. Trong đó, nợ xấu của các TCTD trên địa bàn chiếm dưới 2,5% trong tổng dư nợ.
Có lẽ lường trước được nguy cơ tiềm ẩn của nợ xấu, ngày 23/2/2016, NHNN đã ban hành Chỉ thị số 01/CT-NHNN về tổ chức thực hiện chính sách tiền tệ và bảo đảm hoạt động ngân hàng an toàn, hiệu quả năm 2016, trong đó, NHNN chỉ đạo tiếp tục triển khai quyết liệt các giải pháp cơ cấu lại các TCTD theo mục tiêu, định hướng phát triển hệ thống các TCTD đến năm 2020.
Theo đó sẽ xử lý kiên quyết, dứt điểm các TCTD yếu kém, đặc biệt chú trọng nghiên cứu, đề xuất các biện pháp quản lý, giám sát, cơ chế hỗ trợ cơ cấu lại các NHTM được NHNN mua lại. Triển khai quyết liệt đồng bộ các giải pháp nêu tại Đề án xử lý nợ xấu của hệ thống các TCTD nhằm duy trì bền vững tỷ lệ nợ xấu dưới 3%; kết hợp xử lý nợ xấu với triển khai các biện pháp phòng ngừa, hạn chế nợ xấu mới phát sinh và nâng cao chất lượng tín dụng của các TCTD.
Theo Tin Nhanh Chứng Khoán
Tin bài liên quan
-
Lãi suất huy động liên tục tăng
-
Đẩy lãi suất huy động cạnh tranh hút vốn
-
Người thu nhập thấp “mơ” mua nhà, trả góp lãi suất 0,5 - 1% như nhiều nước
-
VEPR kiến nghị dỡ bỏ trần lãi suất huy động