Sau những đợt sóng thăng trầm vào 2 tháng đầu năm, nhiều nhà đầu tư đang đặt kỳ vọng vào sự phục hồi của thị trường chứng khoán từ cuối quý I/2016.
Dựa trên diễn biến thị trường thời gian vừa qua, một số chuyên gia phân tích cho rằng, sau giai đoạn kiểm tra các ngưỡng cản tâm lý trong 2 tháng đầu năm 2016, thị trường có thể phất lên vào cuối quý I, tuy nhiên, tốc độ đi lên theo chiều hướng chậm dần đều.
Năm 2015 nền kinh tế vĩ mô có sự phục hồi và tăng trưởng khá tích cực, nhưng thị trường chứng khoán lại chịu nhiều tác động tiêu cực từ bên ngoài, khiến mức tăng trưởng rất thấp. Hai yếu tố gây ảnh hưởng xấu nhất là sự sụt giảm của giá dầu và biến động mạnh của tỉ giá. Giá dầu thế giới đã rơi mạnh trong hai nhịp, vào tháng 6 -7 và tháng 12, khiến cổ phiếu dầu khí niêm yết mất giá trầm trọng. Đồng USD tăng mạnh kết hợp với hiện tượng phá giá bất thường của đồng nhân dân tệ và việc Ngân hàng Nhà nước thực hiện điều chỉnh tỉ giá đồng nội tệ đã dẫn đến những phản ứng tiêu cực trên thị trường chứng khoán Việt Nam.
Trước những “rung lắc” từ bên ngoài, trong năm 2015, chỉ số VN-Index đã có 3 lần đổ dốc mạnh. Lần thứ nhất diễn ra từ đầu tháng 3 đến giữa tháng 5.2015, giảm từ mốc 590 điểm xuống dưới 530 điểm; lần thứ hai diễn ra từ tháng 7 đến hết tháng 8.2015 khi VN-Index tuột từ trên 630 điểm xuống 530 điểm và lần thứ 3 từ đầu tháng 11 đến giữa tháng 12.2015 khi tuột từ mốc khoảng 610 điểm xuống quanh 570 điểm. Đặc biệt từ quý III/2015 trở đi, nhà đầu tư nước ngoài có xu hướng bán ra mạnh mẽ trên thị trường, tạo thêm áp lực lớn.
Tính chung cả năm, mặt bằng chỉ số VN-Index chỉ cao hơn chút ít so với đầu năm, nhưng mức tăng khá khiêm tốn nếu so với các số liệu lạc quan về kinh tế vĩ mô. Chỉ số VN-Index ngày 31.12.2014 là 545,63 điểm. Việc trụ vững của chứng khoán Việt Nam có thể coi là hiện tượng, khi rất nhiều các thị trường chứng khoán trong khu vực đều bị đi xuống trong năm 2015 do các yếu tố chung trên thị trường quốc tế.
Trước các diễn biến từ bên ngoài, một trong những yếu tố nhà đầu tư quan tâm là các động thái trên thị trường tài chính quốc tế có lạc quan trở lại hay không? Phân tích về vấn đề này, chuyên gia tài chính Lê Xuân Nghĩa cho biết, các nhà phân tích đã có vẻ cường điệu hóa quá mức về suy giảm kinh tế của Trung Quốc cũng như tác động của việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) điều chỉnh lãi suất.
Cụ thể, thực tế việc điều chỉnh lãi suất của FED cũng đã từng diễn ra nhiều lần trong quá khứ và điều đó là chuyện không có gì quá đao to búa lớn như nhiều người vẫn nghĩ. Các số liệu từ quá khứ cho thấy, trung bình thì chỉ khoảng 400 ngày (hơn 1 năm một chút) thì FED lại có một lần điều chỉnh lãi suất và mức điều chỉnh cũng lên tới khoảng 2,8%, mức điều chỉnh bình quân này còn cao hơn mức điều chỉnh của năm 2014.
Đó là những đánh giá ở góc độ kinh tế vĩ mô, trong khi đó, nhìn nhận dưới góc độ doanh nghiệp, một số chuyên gia cho rằng các doanh nghiệp đang đứng trước xu thế sẽ phải thực hiện các thương vụ mua bán sáp nhập (M&A) nhiều hơn trong năm 2015. Theo đó, khi Hiệp định Đối tác chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) được thực thi thì doanh nghiệp Việt Nam - trong đó có các doanh nghiệp niêm yết - một phần đứng trước cơ hội, nhưng một phần cũng gặp nhiều khó khăn để nắm bắt được cơ hội.
Các chuyên gia tài chính cho biết, doanh nghiệp muốn nắm bắt được cơ hội từ TPP thường phải đạt được 4 yếu tố gồm nhân công, công nghệ, tiềm lực tài chính và thị trường. Nhìn vào các yếu tố này có thể không có nhiều doanh nghiệp trong nước có sức mạnh trong cả 4 yếu tố này, đặc biệt yếu tố công nghệ là điểm yếu nhất của các doanh nghiệp Việt Nam. Do đó, xu hướng M&A có thể sẽ diễn ra khi có các nhà đầu tư nước ngoài có thế mạnh về công nghệ và tiềm lực tài chính mua lại cổ phần của một đối tác truyền thống trong nước.