Chủ Nhật, 13 tháng 3, 2016

Khô hạn, thủy điện miền Trung đồng loạt bị xuất ra khỏi thị trường điện

Sau thời kỳ xả nước đổ ải, nhiều hồ thuỷ điện đang oằn mình chống hạn để trữ nước tưới cho hạ du.

Khô hạn đang khiến nhiều dòng chảy khu vực miền Trung- Tây Nguyên cạn kiệt khiến các hồ thuỷ điện đều không đạt kế hoạch tích nước. Trước yêu cầu đảm bảo nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp và đời sống vùng hạ lưu, bắt đầu từ năm nay, theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, chính quyền các địa phương có thuỷ điện sẽ chịu trách nhiệm điều tiết nước chống hạn, ngăn lũ.

Chỉ xuống cột nước đã xuống đến mức nước 371m ở đập  tràn thuỷ điện A Vương, anh Ngô Xuân Thế - Trưởng phòng Kỹ thuật Công ty  - cho biết, năm nay lưu lượng nước về hồ rất thấp. Đến thời điểm 1.1.2016, mức nước thực tế về hồ A Vương chỉ đạt 361,6m, thiếu 18,4m so với mực nước dâng bình thường, tương ứng với sản lượng điện thiếu hụt lên tới 109 triệu kWh. Do ảnh hưởng của hiện tượng Elnino nên lưu lượng nước về hầu hết các hồ thuỷ điện đều thấp hơn trung bình nhiều năm.

Để đảm bảo ưu tiên nguồn nước cho sinh hoạt, tưới tiêu cho hàng chục nghìn hecta hoa màu ở hạ du, từ ngày 8.12.2015, Trung tâm điều độ hệ thống điện quốc gia đã buộc phải tách thủy điện A Vương ra khỏi thị trường điện, đồng thời nhà máy cũng dừng phát điện từ thời điểm đó, đến nay đã được hơn 3 tháng.

Xác nhận tình trạng khô hạn nặng tại địa phương, ông Trần Quốc Khánh - Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Đại Lộc, Quảng Nam – chia sẻ: Huyện Đại Lộc hiện có 10 xã trên tổng số 18 xã sử dụng nước của dòng Vu Gia, 8 xã còn lại sử dụng nước từ hồ chứa nước Khe Tân. Biết trước về hiện tượng thời tiết cực đoan sẽ tái diễn, huyện đã yêu cầu bà con xuống giống từ ngày 22.12.2015 để đón nước trong mùa lũ. Tuy nhiên, 2 năm nay, lũ không về. Để có đủ nước cho gieo trồng vụ đông xuân, huyện Đại Lộc phải huy động tối đa các trạm bơm, hoạt động liên tục. Nhưng với vụ hè thu tháng 5 tới, nếu tình hình khô hạn vẫn tiếp diễn, địa phương phải tính toán để mở rộng một số trạm bơm vét nước từ các sông suối, đồng thời lên kế hoạch chuyển đổi khoảng 300ha trồng lúa sang trồng các hoa màu  khác, tiết kiệm nguồn nước.

Ông Lê Đình Bản, Phó Giám đốc Cty thủy điện A Vương – cho biết: Trước đây, khi chưa có quy chế vận hành liên hồ, Công ty chủ động lập kế hoạch vận hành nhà máy từ 16.2 hàng năm đến 31.6 năm sau. Tuy nhiên, theo quyết định 1537 thì chủ tịch tỉnh sẽ quyết định việc xả nước của thuỷ điện. Như vậy, là nếu đến ngày 11.3, mực nước hồ A Vương không đạt đến cao trình 373.6m, thì chủ tịch tỉnh sẽ quyết định thuỷ điện có tiếp tục dừng, hay phát điện cầm chừng.

Tương tự, các nhà máy thuỷ điện trên dòng Srêpôk gồm Buôn Tua Srah, Buôn Kuốp và Srêpôk 3 của Công ty thuỷ điện Buôn Kuốp cũng chịu chung số phận khi đang vào thời điểm được mùa thuỷ điện mà phải bị xuất ra khỏi thị trường để trữ lượng cứu hạn mặn tai Tây Nguyên. Phó giám đốc Công ty thuỷ điện Buôn Kuốp Nguyễn Tấn Triết - than: “Từ cuối năm 2015 đến đầu tháng 3 năm nay, cả 3 nhà máy thủy điện trên đều lần lượt hoặc cả 3 bị ra khỏi thị trường phát điện cạnh tranh, đồng nghĩa với việc tình hình kinh doanh của đơn vị gặp nhiều khó khăn”.

Do bất lợi về thuỷ văn, vào các tháng mùa kiệt, theo số liệu được đưa lên hệ thống giám sát của Ban chỉ đạo chống hạn tỉnh Đăk Lăk thì lưu lượng nước về 3 hồ (Buôn Tua Srah, Buôn Kuốp, Srêpok) của công ty trong tuần đầu tháng 3 cũng chỉ đạt lần lượt là 19,7m3/s, 49m3/s và 73m3/s, được xem là rất thấp so với các năm. Nếu khai thác theo quy trình vận hành liên hồ thì các hồ này chỉ chạy được 2-4 tháng là hết nước.

Theo Trung tâm điều độ hệ thống điện Quốc gia (A0) tại thời điểm ngày 11.3.2016, có đến 15 trong số 51 nhà máy tham gia thị trường phát điện cạnh tranh đã phải tạm ra khỏi thị trường này do đảm bảo nhiệm vụ chống hạn. Như vậy, mục tiêu phát điện sẽ được xếp sau mục tiêu đảm bảo nước tưới tiêu, chống hạn cho hạ du.