Tại Hội thảo “Hiệp định TPP – Cơ hội & Thách thức phát triển ngành công nghiệp Việt Nam” tổ chức sáng 1.3 tại Hà Nội, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu - Bộ Công Thương nhận định, trong TPP, có 2 thị trường Việt Nam có thể tận dụng tốt nhất là Hoa Kỳ và Nhật Bản.
Hai thị trường giàu tiềm năng
Cụ thể, thị trường Hoa Kỳ có quy mô nhập khẩu lớn nhất thế giới, mỗi năm khoảng 1.800 tỉ USD với đầy đủ các chủng loại hàng hóa thuộc phẩm cấp khác nhau, có sức mua cao, mở ra nhiều cơ hội kinh doanh cho các đối tác trong đó có Việt Nam (VN).
Từ năm 2007 đến nay Hoa Kỳ luôn là thị trường tiêu thụ hàng hoá lớn nhất của VN. Tuy nhiên, kim ngạch thương mại hai chiều giữa VN - Hoa Kỳ chỉ chiếm tỉ 1% trong tổng kim ngạch xuất nhập khẩu Hoa Kỳ, trong đó thị phần xuất khẩu chiếm khoảng 1,3%. Hiện các mặt hàng VN xuất khẩu chủ yếu thì Trung Quốc luôn chiếm thị phần lớn, đơn cử như dệt may chiếm 45%, giày dép chiếm 65%.
Nhật Bản luôn là thị trường thương mại quan trọng, chiếm tỷ trọng đến 10% trong tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của VN với thế giới. Trong những năm qua, tuy có những bước tăng trưởng thương mại khả quan nhưng VN vẫn chưa khai thác được tối đa tiềm năng thị trường này.
Kim ngạch xuất nhập khẩu của VN với thị trường này vẫn chỉ chiếm một thị phần vô cùng nhỏ bé chưa đến 2%, trong đó thị phần xuất khẩu đạt khoảng 1,8%, thấp hơn nhiều so với Trung Quốc.
Dệt may và giày dép là 2 mặt hàng có khả năng đạt được lợi ích lớn nhất từ thị trường TPP, đặc biệt là Hoa Kỳ. Trong năm 2015, 2016, mặc dù thuế nhập khẩu chưa giảm, nhưng việc đàm phán ký kết Hiệp định TPP cũng tạo động lực cho đầu tư sản xuất và thu hút đơn đặt hàng của nước ngoài, chủ yếu tập trung vào mặt hàng dệt may, giày dép, góp phần thúc đẩy kim ngạch xuất khẩu với tốc độ tăng trưởng cao so với các năm trước ngay cả khi Hiệp định chưa có hiệu lực.
Theo đó, ông Hải dự kiến kim ngạch xuất khẩu một số mặt hàng công nghiệp sang TPP đến năm 2020 sẽ tốc độ tăng trưởng cao. Cụ thể, dệt may đạt 29,53 tỉ USD, giày dép 10.33 tỉ USD, sản phẩm đồ gỗ 6,41 tỉ USD, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện 8.29 tỉ USD, máy móc thiết bị phụ tùng 5.59 tỉ USD, điện thoại các loại và linh kiện 4.83 tỉ USD, túi xách, vali, mũ, ô dù 5,22 tỉ USD. Nhìn chung, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng công nghiệp VN – TPP sẽ lên tới khoảng 132.53 tỉ USD.
Hội thảo “Hiệp định TPP – Cơ hội & Thách thức phát triển ngành công nghiệp Việt Nam” tổ chức sáng 1.3 tại Hà Nội |
Sẽ đến lúc lợi thế không còn
Tuy nhiên, ông Hải cũng lưu ý, trong quá trình hội nhập yếu tố then chốt vẫn là doanh nghiệp (DN), nếu bản thân mỗi DN không có sự dấn thân thì những điều trên là vô nghĩa. Hiện nay, động lực tăng trưởng chủ yếu của VN vẫn dựa vào chi phí đầu vào giá rẻ như tài nguyên, lao động, điện, nước… để thu hút đầu tư nước ngoài. Những yếu tố mang giá trị gia tăng cao hơn như công nghệ, chất xám, tri thức… vẫn yếu và thiếu. “Sẽ đến lúc các yếu tố giá rẻ ko còn rẻ nữa, tiền lương tối thiểu của người lao đông đang tăng lên đồng nghĩa với việc giá nhân công của VN sẽ không còn lợi thế rẻ như trước” – ông Hải lo ngại.
Ngoài ra, ông Hải cũng lưu ý, một số nhóm ngành hàng xuất khẩu như điện thoại di động, dệt may… còn bị phụ thuộc nhiều vào một nhà cung cấp chính dẫn đến tình trạng khi đơn vị này gặp phải vấn đề trên thị trường thế giới thì ngay lập tức sẽ ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất và XK tại VN. Bên cạnh đó, dù được giảm các hàng rào thuế quan nhưng nếu các DN vẫn chưa đáp ứng được các quy tắc xuất xứ thì vẫn phải chịu mức thuế suất cao từ 35-40% thay vì 0% như cam kết. Nếu tình trạng này tiếp diễn, giá thành sản phẩm của VN sẽ đắt hơn Trung Quốc và các nước khác, làm mất đi lợi thế cạnh tranh.
Theo đó, ông Hải cho rằng, các DN cần chủ động nắm bắt tình hình nhu cầu thị trường, các chính sách quản lý nhập khẩu của các nước để tránh thiệt hại do bị kiện phòng vệ thương mại. Bản thân DN phải tìm cách đầu tư, bắt tay liên kết với DN nước ngoài và hưởng lợi từ làn sóng FDI.
Về phía các bộ ngành cần tiếp tục nghiên cứu thực hiện đơn giản hóa các thủ tục hành chính, tạo thuận lợi, môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng cho DN. Cụ thể như việc triển khai thí điểm tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa để tạo điều kiện cho các DN xuất khẩu sang các thị trường VN tham gia ký FTA.