Hà Nội đã triển khai mô hình nuôi thủy sản theo hướng An toàn thực phẩm (ATTP) tại 9 quận, huyện, thị xã trên địa bàn thành phố và đã đạt được nhiều kết quả nổi bật, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho bà con nông dân.
Trong 9 quận, huyện, thị xã, hai huyện Mỹ Đức và Thanh Oai là hai vùng nuôi trồng thủy sản theo hướng ATTP tập trung qui mô lớn của Hà Nội. Để mang lại hiệu quả cao, Trạm Khuyến nông của các huyện đã rất chú trọng tới công tác chọn điểm, chọn hộ và kiểm soát qui trình kỹ thuật.
Trước đó, khi Trung tâm Khuyến nông Hà Nội chưa triển khai xây dựng mô hình nuôi thủy sản theo hướng ATTP thì tại các huyện, việc nuôi trồng thủy sản chưa phát huy hết tiềm năng. Qui mô sản xuất còn nhỏ lẻ, thiếu đầu tư về trang thiết bị và cơ sở hạ tầng. Đặc biệt việc nuôi thủy sản vẫn theo hướng truyền thống và người dân chưa chú trọng tới môi trường nuôi cũng như các biện pháp phòng bệnh cho cá. Các giống cá được nuôi chủ yếu là trắm, trôi, mè… và chưa đưa các đối tượng nuôi mới như rô phi đơn tính, chép lai…vào sản xuất.
Với mục đích đưa các tiến bộ khoa học kỹ thuật áp dụng vào sản xuất, gắn liền với chủ trương, quy hoạch phát triển vùng nuôi trồng thủy sản tại các huyện, vừa nâng cao giá trị sản phẩm vừa góp phần thay đổi dần tập quán sản xuất của người nuôi cá, việc nuôi thủy sản theo hướng ATTP đã giúp các hộ tham gia mô hình được hỗ trợ 100% giống cá rô phi và cá chép theo mật độ 3 con/m2, 30% thức ăn công nghiệp, chế phẩm sinh học và được tập huấn kỹ thuật về nuôi thủy sản theo hướng ATTP.
Đồng thời, trong quá trình thực hiện mô hình, việc chăm sóc và quản lý ao nuôi cũng được tuân thủ theo đúng quy trình đảm bảo sản phẩm đạt tiêu chuẩn ATTP. Cho cá ăn đúng liều lượng, đúng độ đạm theo từng giai đoạn phát triển của cá, đúng thời gian, đúng địa điểm, tránh tình trạng cho ăn thừa thức ăn gây lãng phí và ô nhiễm môi trường. Xử lý nước ao nuôi bằng chế phẩm sinh học theo định kỳ 5 ngày/lần, nhằm cải thiện môi trường nước ao và là cách tránh nhiễm bệnh cho cá.
Bên cạnh đó, trạm khuyến nông các huyện cũng tổ chức tập huấn và cử cán bộ kỹ thuật giám sát chặt chẽ mô hình, đảm bảo các hộ tham gia mô hình thực hiện đầy đủ các yêu cầu của mô hình…
Theo đó, các mô hình được triển khai theo đúng kế hoạch, đảm bảo tiến độ và đạt yêu cầu kỹ thuật; cá sinh trưởng phát triển tốt, trọng lượng bình quân đạt từ 650gam đến 800gam/con, mang lại hiệu quả kinh tế cao, ước tính cao hơn từ 30 – 40 triệu đồng/ha so với nuôi cá truyền thống. Đây chính là tiền đề quan trọng để nhân rộng mô hình trên địa bàn các huyện. Đồng thời góp phần vào định hướng phát triển sản xuất nông nghiệp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nâng cao giá trị trên 1 hecta canh tác tại các địa phương trên địa bàn Thành phố.
Ngoài ra, việc triển khai thành công mô hình nuôi thủy sản theo hướng ATTP còn góp phần thay đổi tập quán sản xuất của bà con nông dân trong cách vệ sinh ao nuôi bằng chế phẩm sinh học để cải thiện nguồn nước, hạn chế ô nhiễm môi trường và phòng trị bệnh cho cá và tạo nguồn sản phẩm an toàn cho người tiêu dùng.
Tin bài liên quan
-
100% trang trại chăn nuôi sẽ phải xét nghiệm chất cấm trong chăn nuôi
-
Cuộc chiến cam go chống vi phạm sử dụng chất cấm trong chăn nuôi
-
Chất cấm núp bóng “men vi sinh” vào trại chăn nuôi
-
Sử dụng chất cấm trong chăn nuôi: Đó là tội ác!