Câu chuyện về dự thảo sửa đổi Thông tư 36 của NHNN theo hướng siết chặt tín dụng đang khiến các doanh nghiệp BĐS lo lắng, phản ứng. Song giải thích từ NHNN mới đây cho biết tinh thần sửa đổi dự thảo Thông tư 36 mà nhiều người đang quan tâm cũng không có gì quá lo lắng dẫu vậy cũng đã đến lúc doanh nghiệp BĐS tìm cách bớt phụ thuộc vào vốn vay ngân hàng.
Tại hội thảo "Triển vọng đầu tư 2016 - Sự trở lại của BĐS" được tổ chức cuối tuần qua tại TPHCM, Hiệp hội bất động sản TP Hồ Chí Minh cũng đã có kiến nghị không nên sửa đổi trong thời điểm hiện nay. Vì như vậy sẽ gây khó cho thị trường, nhất là với thị trường vừa mới hồi phục. Lý do là các doanh nghiệp bất động sản hiện nay chủ yếu phụ thuộc vào hai nguồn vốn chính là vốn vay từ ngân hang và nguồn vốn huy động từ khách hàng. Trong khi đó, thị trường vốn của VN vẫn đang thiếu các nguồn vốn khác như các quỹ đầu tư, quỹ tín thác bất động sản, quỹ tiết kiệm nhà ở, nguồn vốn từ thị trường chứng khoán...
Trả lời cụ thể về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Hồng, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho rằng, bài học cho hệ thống ngân hàng trong giai đoạn khủng hoảng 2008-2012 vẫn còn đó khi nợ xấu BĐS vẫn chưa xử lý hết. Do vậy, lúc này cần phải kiểm soát tốt và giữ an toàn cho hệ thống tiền tệ... Tuy nhiên, NHNN đang xem xét cẩn thận để ban hành Thông tư 36 sửa đổi vào một thời điểm thích hợp.
Theo dự thảo, nguồn vốn cho vay trung, dài hạn từ nguồn vốn ngắn hạn giảm từ 60% xuống còn 40% làm nhiều doanh nghiệp lo lắng, nhưng qua theo dõi tỷ lệ này hiện nay đang ở mức 31%. Bên cạnh đó, việc sửa đổi hệ số rủi ro đối với “các khoản phải đòi để kinh doanh BĐS” từ 150% lên 250% trước đó cũng từng thực hiện. Phó Thống đốc NHNN cũng cho biết thêm bất kỳ một chính sách nào từ NHNN đưa ra cũng sẽ nhận được những phản hồi mạnh mẽ và áp lực từ nhiều hướng. Tuy nhiên, NHNN vẫn phải kiên định với chính sách điều hành tiền tệ của mình, trong đó làm sao để nguồn vốn từ các tổ chức tín dụng chảy vào thị trường đúng liều lượng, chứ không bị mất kiểm soát như giai đoạn trước. Song, bà Hồng cũng nhấn mạnh việc lựa chọn cho ai vay, dự án nào là do các tổ chức tín dụng và nhà đầu tư, nhưng NHNN phải đưa ra những cảnh báo kịp thời để đảm bảo an toàn cho hệ thống tín dụng.
Trong bối cảnh hiện tại, các doanh nghiệp bất động sản cũng đang có những thay đổi trong kế hoạch của mình nhằm có những bước chuẩn bị.
Ông Nguyễn Dư Lực, Chủ tịch HĐQT Công ty BĐS Hưng Lộc Phát cho biết trong tình hình hiện nay, quan điểm của công ty là không đầu tư dàn trải, làm dự án nào, tập trung mọi khả năng về tài chính, con người để chăm chút cho dự án đó. Nắm trong tay nhiều quỹ đất sạch, tại những vị trí đắc địa, đủ để phát triển hàng ngàn căn hộ, nhưng Hưng Lộc Phát vẫn bước từng bước khá điềm tĩnh, khác với sự bùng nổ của thị trường. Dự án Hưng Phát bàn giao khoảng 1 năm sau thì chủ đầu tư đã hoàn thành sổ đỏ cho cư dân. Khoảng cuối năm 2015, Hưng Lộc Phát đưa ra thị trường dự án Hưng Phát Silver Star và sau chưa đầy 5 tháng, trên 80% số lượng căn hộ đã được đặt mua và giá bán cũng được giao dịch tăng 2 - 3 triệu/m2 so với ban đầu. Đến thời điểm này Hưng Lộc Phát mới đưa ra thị trường dự án tiếp theo - The Golden Star, đường Nguyễn Thị Thập, quận 7. Đây cũng là dự án cao cấp nhất của chủ đầu tư này.
Là một nhà cung cấp và phát triển bất động sản lớn trên địa bàn TP.HCM, đại diện Tập đoàn Novaland, ông Phan Thành Huy - Tổng Giám đốc cho biết, với những tín hiệu từ NHNN trong việc hạn chế và kiểm soát tín dụng để đảm bảo tính thanh khoản và đáp ứng đúng nhu cầu của thị trường một cách bền vững, Novaland sẽ tập trung phát triển và hoàn thành dự án đã công bố, hạn chế mua thêm dự án mới để kiểm soát tín dụng, không tăng dư nợ, đảm bảo thanh khoản, đảm bảo chất lượng sản phẩm.
Còn theo ông Ngô Quang Phúc - Phó tổng giám đốc Him Lam Land, kiềm chế tín dụng vào bất động sản cũng là việc hạn chế đầu cơ quá nhiều, vì thị trường đã tạo thanh khoản ảo khi có những dự án mở bán 2.000 căn đã công bố bán hết trong vòng 2 tháng. Tuy nhiên, việc giới hạn dòng tiền vào bất động sản cũng sẽ ảnh hưởng ít nhiều đến toàn bộ thị trường bất động sản. Định hướng chiến lược trong thời gian tới của Him Lam Land cũng dựa trên những nhu cầu thực của thị trường mà tập trung vào phân khúc căn hộ giá 1 - 1,5 tỷ đồng/căn, tập trung vào người mua nhà để ở vì tỷ lệ khách hàng đóng tiền mua nhà rất cao.
Bảo Chương