Trước tình trạng thực phẩm bẩn, độc hại tràn ngập thị trường và đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng (NTD), gần đây các cửa hàng, siêu thị kinh doanh thực phẩm sạch phát triển khá nhanh. Tuy nhiên trên thực tế khảo sát của PV cho thấy, việc quản lý về chất lượng thực phẩm sạch còn khá lỏng lẻo, dễ bị các điểm kinh doanh lợi dụng.
Theo khảo sát của PV, các loại rau củ quả sạch bán trong siêu thị, cửa hàng rau an toàn có giá đắt hơn bên ngoài thị trường 15-20%. Ví dụ như: Mít chín “giống của Thái Lan, gắn mác hàng sạch” bán giá 34.000 – 36.000 đồng/1kg, trong khi đó ngoài chợ truyền thống bán 18.000 – 20.000đồng/1 kg; rau muống ngoài thị trường bán 5.000 – 7.000 đồng/bó lớn, trong siêu thị 12.000 – 14.000 đồng/kg; su hào ngoài chợ bán 7.000 đồng/củ trong siêu thị hay cửa hàng rau sạch bán tới 12.000 – 14.000đồng/củ; trứng gà, trứng vịt sạch trong siêu thị, cửa hàng tiện ích cao hơn ngoài chợ 2.000 – 3.000 đồng/trục, trứng cút thì trong siêu thị có giá cao hơn bên ngoài đến 4.000 - 5.000 đồng/vỉ 24 quả; các mặt hàng thịt gia súc, gia cầm đắt hơn 6.000 – 10.000 đồng/kg...
Nhưng nhiều siêu thị các loại rau, củ quả VietGAP lại để cùng với hàng không nhãn mác nên người tiêu dùng rất khó phân biệt, đâu là VietGAP hay không phải VietGAP. Đây là những siêu thị lớn còn những siêu thị nhỏ hay điểm bán rau sạch thì thật giả lẫn lộn “tùm lum”. Khi vào một số cửa hàng ngay trung tâm thành phố trên bảng giá ghi cà chua, rau đay, mướp đắng, khoai tây, cà rốt, cải xanh, cải bắp VietGAP nhưng toàn bộ sản phẩm lại không được đóng gói bao bì, nhãn mác. Tuy nhiên, chữ “sạch” đang bị một số cửa hàng lạm dụng.
Một cán bộ tên N.P của Cục chăn nuôi, Bộ NNPTNT cho hay, theo đúng quy trình các loại sản phẩm thịt heo, thịt gà, bò sau khi giết mổ phải được bảo quản trong môi trường lạnh. Khi mang ra tiêu thụ thịt phải được bao gói, đóng dấu và ghi nhãn mác, mã vạch xuất xứ hàng hóa mới đảm bảo an toàn VSTP. Nhưng hiện nay việc chứng nhận VietGAP mới chỉ dừng ở khâu chăn nuôi.
Từ khâu giết mổ và tiêu thụ còn phụ thuộc vào cái tâm của nhà phân phối. Bởi cơ sở của họ được cấp chứng nhận VietGAP là có thể tự đóng dấu, chứng nhận thực phẩm VietGAP và tự chịu trách nhiệm với sản phẩm của mình. Một số cơ sở hay cửa hàng có thể đã lợi dụng vào điểm này để trộn lẫn thịt không phải VietGAp để bán. “Đây là điểm bất cập trong quy trình của VietGAP hiện nay. Sắp tới cần phải điều chỉnh lại, từ khâu chăn nuôi, giết mổ và tiêu thụ sản phẩm thịt để đảm bảo vệ sinh ATTP” ông N.P cho hay.